Chỉ dài 2km nhưng quanh co hiểm trở, đây là con dốc trên Quốc lộ 48 khiến mọi xe giường nằm đều phải 'chào thua'
Tiến Đông•11/07/2025 13:16
Dốc Bù Bài (còn gọi là Pu Pai), là một trong những con dốc dài nhất trên tuyến Quốc lộ 48 nối Quốc lộ 1A lên các xã vùng Tây Bắc của Nghệ An. Tuy nhiên, do con dốc này dài, hẹp, hiểm trở khiến việc lưu thông qua đây trở nên khó khăn. Đây cũng chính là một trong những lý do khiến cơ quan chức năng chưa thể cấp phép cho tuyến xe giường nằm đi lên các xã phía Tây Bắc của Nghệ An.
Toàn cảnh dốc Bù Bài. Clip: Tiến ĐôngDốc Bù Bài dài 2 km, nằm trên Quốc lộ 48 là điểm giáp ranh giữa xã Quỳ Châu và xã Châu Tiến hiện nay (thuộc huyện Quỳ Châu cũ). Ảnh: Tiến ĐôngPhía Đông của dốc Bù Bài nay là xã Quỳ Châu (được sáp nhập từ các xã: Châu Hạnh, Châu Hội, Châu Nga và thị trấn Tân Lạc), vào những ngày trời nắng, đứng từ đỉnh dốc có thể nhìn thấy trung tâm của huyện lỵ Quỳ Châu cũ. Ảnh: Tiến ĐôngPhía Tây của dốc Bù Bài trước đây thuộc xã Châu Thắng, nay là xã Châu Tiến (được sáp nhập từ các xã Châu Thắng, Châu Tiến, Châu Bính, Châu Thuận). Trong ảnh là tuyến Quốc lộ 48 chạy dọc sông Hiếu. Ảnh: Tiến ĐôngDốc Bù Bài nằm vắt qua dãy núi Bù Bài (người dân địa phương gọi là Pu Pai), dù con dốc này không cao nhưng dài và nhỏ hẹp, rất nhiều những khúc cua ngắn khiến việc lưu thông qua đây gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Tiến ĐôngĐiều đặc biệt nhất ở con dốc này chính là việc đỉnh dốc nằm đúng Km100 của tuyến Quốc lộ 48 nối Quốc lộ 1A (đoạn ngã ba Yên Lý) đến Cửa khẩu Thông Thụ (xã Thông Thụ). Ảnh: Tiến ĐôngTheo Địa chí huyện Quỳ Châu (cũ), Km100 nằm đúng giữa đỉnh núi Bù Bài, chia dốc Bù Bài thành 2 tuyến địa hình: Thượng Bù Bài và hạ Bù Bài. Các dãy núi đá vôi thượng Bù Bài nằm trên địa bàn các xã Châu Thắng, Châu Tiến, Châu Bính và Châu Thuận (nay là xã Châu Tiến); còn các dãy núi đá vôi hạ Bù Bài nối liền địa bàn các xã Châu Hạnh, Châu Hội, Châu Nga (nay là xã Quỳ Châu) và tiếp giáp với vùng Như Xuân (Thanh Hóa). Ảnh: Tiến ĐôngDo con dốc này dài, nhỏ, hẹp và tuyến Quốc lộ 48 không đủ tiêu chuẩn nên xe giường nằm chưa thể qua đây để đi lên các xã phía Tây Bắc của Nghệ An (theo quy định, xe giường nằm 2 tầng không được phép hoạt động trên tuyến đường cấp IV, cấp V miền núi). Ảnh: Tiến ĐôngDốc Bù Bài chạy qua núi Bù Bài không chỉ đơn thuần là một công trình giao thông, mà còn có giá trị văn hóa, lịch sử. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong những năm 1973, 1975, 1977, các nhà khảo cổ Việt Nam và một số chuyên gia nước ngoài đã tiến hành điều tra thu thập các dấu vết cổ sinh, cổ nhân trong hơn 40 hang động ở cả thượng Bù Bài và hạ Bù Bài, trong đó, có một số hang động đã được chính thức khai quật. Trong ảnh, con sông Hiếu uốn lượn, luồn lách qua đỉnh núi Bù Bài. Ảnh: Tiến Đông