Quản không được thì cấm?
(Baonghean) - Chưa bao giờ chuyện cấp phép lưu hành các ca khúc lại được quan tâm nhiều như thời gian gần đây.
Cấm vì chưa xin phép
Sự việc cấm ca khúc biểu diễn nhận được sự quan tâm của công chúng nhiều nhất là chuyện liên quan đến đêm nhạc “Nối vòng tay lớn” do Trường Đại học Y Dược Huế và gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn dự kiến vào đêm 21/4 đã gặp khó khăn về thủ tục.
Tại buổi họp báo quý I/2017 của Bộ VH-TT&DL chiều 12/4, Lãnh đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) khẳng định đã làm đúng quy định của pháp luật khi cấp phép phổ biến toàn quốc cho ca khúc “Nối vòng tay lớn” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, sau khi Cục này nhận được đơn đề nghị của Trường Đại học Y Dược Huế.
Đồng thời cho biết, 3 ca khúc còn lại của chương trình này tiếp tục chưa được cấp phép vì “chưa có đơn xin của ai”! Nghĩa là việc cấp phép phổ biến tác phẩm âm nhạc lâu nay thực hiện theo nguyên tắc “chưa xin phép thì chưa cho”.
Đêm nhạc “Nối vòng tay lớn” kỷ niệm 15 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại Huế năm 2016. Ảnh: Internet |
Trước câu hỏi cho rằng, Cục NTBD đã quan liêu, tắc trách, cửa quyền trong việc cấp phép phổ biến đối với các nhạc phẩm sáng tác trước năm 1975, lãnh đạo Cục NTBD cho biết, việc cấp phép lưu hành cho các ca khúc sáng tác trước năm 1975 được thực hiện từ năm 1989.
Do nhu cầu hưởng thụ ca khúc của công chúng, 4 năm trước, Cục NTBD từng kêu gọi các địa phương, cá nhân sở hữu hoặc có quyền sở hữu các tác phẩm âm nhạc sáng tác trước năm 1975 tập hợp tác phẩm về Cục, để đơn vị thẩm định và cấp phép lưu hành.
Hưởng ứng lời kêu gọi trên, hàng nghìn ca khúc được tập hợp và gửi về Cục với mong muốn tạo một hành lang thông thoáng cho hoạt động âm nhạc. Tuy nhiên, đến nay số lượng ca khúc sáng tác trước năm 1975 được Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp phép lưu hành vẫn còn khá khiêm tốn.
Đơn cử như trong số gần 300 bài hát sáng tác trước năm 1975 của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, tính đến trước ngày 12/4/2017, chỉ có 78 bài được cấp phép phổ biến.
Trong đó có những bài như “Hà Nội – Huế - Sài Gòn”, “Ca dao Mẹ”, “Đêm thấy ta là thác đổ” trong chương trình của Trường Đại học Y Dược Huế dự định tổ chức ngày 21/4 tới đây. Rồi cả bài “Lên đàng” nổi tiếng của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước cũng nằm trong số chưa được cấp phép phổ biến.
Nguyên nhân là do “chưa có đơn vị nào đề nghị cấp phép”!
Bài hát phổ biến nhất bị cấm
Trở lại với bài “Nối vòng tay lớn” - một trong những ca khúc nổi tiếng của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ra đời năm 1968. Bài hát là tiếng nói tình cảm của những người Việt Nam yêu nước, mong muốn cùng nắm tay, kề vai sát cánh bên nhau đấu tranh để tạo dựng cuộc sống yên vui, thanh bình, vươn tới mục tiêu cao cả vì một đất nước Việt Nam thống nhất, độc lập, hòa bình, hạnh phúc.
Ca khúc nối vòng tay lớn. Ảnh: Internet. |
Tác phẩm đã xuất hiện trong nhiều chương trình nghệ thuật phục vụ chính trị quan trọng, được đưa vào sách giáo khoa để dạy cho học sinh, được Sở VH-TT&DL TP. Hồ Chí Minh cấp phép sản xuất băng đĩa nhạc, biểu diễn trước khi có Nghị định số 79/2012/NĐ-CP và được Cục NTBD cấp nhãn kiểm soát dán trên các băng đĩa ấy.
Tuy nhiên, “Nối vòng tay lớn” vẫn không được đơn vị này chấp nhận đưa vào danh sách bài hát đã được cấp phép phổ biến trên toàn quốc. Sở VH-TT&DL TP. Hồ Chí Minh đã nhiều lần đề nghị Cục NTBD xem xét hợp thức hóa các ca khúc mà sở cấp phép trước khi Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ban hành nhưng vẫn chưa được chấp thuận.
Sau khi dư luận phản ứng gay gắt, chỉ bằng 1 lá đơn của Trường Đại học Y Dược Huế, Cục NTBD đã hạ bút ký cho ca khúc “Nối vòng tay lớn” được phép lưu hành và phổ biến trên phạm vi toàn quốc.
Các hành xử có phần ngẫu hứng của Cục này, theo ông Dương Trung Quốc – Tổng Thư ký Hội khoa học Lịch sử Việt Nam thì đó là “căn bệnh quan liêu, cửa quyền”.
Từ chuyện cấp phép cho “Nối vòng tay lớn”, liên tưởng đến việc cấm 5 ca khúc ra đời trước năm 1975 mới đây, dư luận đang đặt ra hàng loạt câu hỏi về những bất cập trong việc cấp phép là nên chăng, lập danh sách các bài hát bị cấm, còn nếu không cấm thì được tự do sử dụng, hát và biểu diễn?
Tuy nhiên, ông Đào Đăng Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho rằng: Không có cơ chế “xin – cho” ở đây, việc cấp phép được làm đúng quy định pháp luật, mà ở đây là Nghị định 79/2012.
Bài hát "Con đường xưa em đi". Ảnh: Internet. |
Tuy nhiên, dư luận không dễ chấp nhận cách giải thích này của lãnh đạo Cục NTBD. Bởi những gì đang diễn ra cho thấy nếu Cục NTBD không sai, vậy thì Nghị định 79/2012/NĐ-CP có vấn đề, cần phải được chỉnh sửa cho phù hợp với thực tế cuộc sống.
Tổng Thư ký Hội khoa học Lịch sử Việt Nam, ông Dương Trung Quốc cho rằng: “Đã gần nửa thế kỷ rồi, sao chúng ta không làm đi.
Chúng ta có trong tay cả một thiết chế văn hóa, có những hội nghiên cứu âm nhạc, có những trung tâm, đại học giảng dạy âm nhạc, có những cơ quan bảo vệ bản quyền, tại sao chúng ta không rà soát tất cả và thực hiện đúng nguyên lý quan trọng nhất là tôn trọng quyền con người, là người dân được làm tất cả những gì Nhà nước không cấm.
Phải rà soát để xem cái gì không còn thích hợp nữa thì ta cấm chứ không phải là ta đi duyệt để mà cho phép nữa”.
Ngay cả Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL, ông Vương Duy Biên cũng tỏ thái độ bất bình với cách làm của Cục NTBD: “Cái gì chưa phù hợp thì nhắc nhở để chỉnh sửa cho đúng. Sao chỉ vì vài câu từ sai lệch với bản gốc mà lại ra lệnh cấm, tạo dư luận không tốt, khiến người ta nghĩ cứ “quản” không được thì cấm”.
Cấp phép lưu hành ca khúc, nhất là với những ca khúc đã đi cùng năm tháng, đã sống trong lòng công chúng từ hàng chục năm nay – việc tưởng như trong tầm tay cơ quan quản lý, thế mà lại đang rối như canh hẹ.
Cơ quan nào cũng nói mình đã thực hiện theo đúng luật, đúng nghị định. Vậy vấn đề được đặt ra là nếu luật hay nghị định còn bất cập, thì liệu cơ quan quản lý có thể kiến nghị xin sửa đổi hay không? Bởi câu chuyện ở đây không phải là đúng hay sai mà là sự phù hợp với cuộc sống. Phải chăng cơ chế không ai làm đơn xin thì không cho phép của Cục Nghệ thuật Biểu diễn cần phải thay đổi, vận dụng một cách linh động, hợp lý hơn?.
Vân Thiêng
TIN LIÊN QUAN |
---|