Kinh đô là nơi trọng yếu của đất nước, giao điểm hội tụ của 4 phương, vị trí trung tâm để dễ bề chế ngự trong – ngoài, điều động Bắc – Nam, lại tiện về công – thủ, nên việc lựa chọn mảnh đất tốt để đóng đô luôn là việc làm đầu tiên của bậc minh quân thánh đế.
Dân tộc ta từ khi dựng nước, trải bao triều đại đến nay đã có nhiều mảnh đất đã từng là nơi đóng đô nổi tiếng: Phong Châu từ thời các Vua Hùng dựng nước, Thăng Long là kinh đô của 3 triều đại lớn và kéo dài liên tục gần 800 năm; hay kinh đô Phú Xuân nay là cố đô Huế hiền hoà thơ mộng…
Ít ai biết rằng trước thời Hùng Vương, xứ Nghệ An là nước Việt Thường, kinh đô đóng ngay tại vùng chân núi Hồng Lĩnh. Tới thế kỷ thứ VIII, Vua Mai Hắc Đế dựng cờ khởi nghĩa, xây thành Vạn An ở Sa Nam (Nam Đàn) để chống lại ách thống trị tàn bạo của nhà Đường, cho ta thấy Nghệ An lúc bấy giờ là trung tâm của đất nước.
Sang thời kỳ độc lập tự chủ, Nghệ An vẫn là nơi đất xấu dân nghèo, lịch sử thường xem là nơi biên viễn. Thời Lý, Uy Minh Vương Lý Nhật Quang – hoàng tử triều Lý vào làm Tri châu, trong vòng 16 năm đã biến Nghệ An từ miền biên viễn trở thành vùng trọng yếu chiến lược của đất nước; để đến đời Trần, khi triều đình phải bỏ kinh thành Thăng Long rút về Nam, Vua Trần Nhân Tông đã nhận ra mảnh đất Nghệ An chính là chỗ dựa vững chắc cho cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông:
Cối Kê cựu sự quân tu ký
Hoan Diễn do tồn thập vạn binh
Tạm dịch:
Việc cũ (ở) Cối Kê (các) ngươi nên nhớ
Hoan Diễn đang còn chục vạn quân.
Sang thời thuộc Minh, mảnh đất Nghệ An lại là hành tại của Vua Trần Trùng Quang chống quân Minh xâm lược. Tuy nhiên cuộc khởi nghĩa Hậu Trần không tồn tại được lâu nên dấu ấn của Nghệ An trong cuộc khởi nghĩa này không có gì đặc biệt.
Đến năm 1418, Lê Lợi cùng các tướng dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn, Thanh Hóa. Lần này Nghệ An đã cho thấy được hình ảnh của mình trong sự nghiệp đánh đuổi xâm lược, khôi phục Tổ quốc; qua đó cho ta thấy rõ hơn về vị thế và tầm quan trọng của mảnh đất Nghệ An trong lịch sử dân tộc. Ta biết rằng Lê Lợi và các tướng sĩ Lam Sơn sau hơn 5 năm hoạt động tại Thanh Hoá không những không phát triển được lực lượng, không mở rộng được căn cứ mà lại gặp quá nhiều khó khăn, tổn thất nên đến tháng 10 năm 1424, Bình Định Vương Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn theo kế của Nguyễn Chích đem quân vào Nghệ An (nay là Nghệ An – Hà Tĩnh). Lúc bấy giờ, Nguyễn Chích có nói rằng: “Nghệ An là nơi hiểm yếu, đất rộng người đông. Tôi đã từng qua lại Nghệ An nên rất thông thuộc đường đất. Nay hãy đánh trước lấy Trà Lân, chiếm cho được Nghệ An để làm chỗ đứng chân, rồi dựa vào nhân lực tài lực đất ấy mà quay ra đánh Đông Quan thì có thể tính xong việc dẹp yên thiên hạ”.
Mưu kế chiến lược bỏ Thanh Hoá vào Nghệ An của Nguyễn Chích đã cho thấy ngay kết quả: Chỉ trong vòng vài năm kể từ khi thực hiện kế hoạch đó, nghĩa quân Lam Sơn đã làm chủ 1 vùng rộng lớn trải dài từ Thanh Hoá vào tới tận Thuận Hoá (Huế ngày nay). Nếu so sánh với thời gian 6 năm từ 1418 đến 1423 chỉ quanh quẩn ở mấy huyện ở Thanh Hoá thì thấy hiệu quả của việc thay đổi chiến thuật tiến quân vào Nghệ An là cực kỳ to lớn. Từ Nghệ An, nghĩa quân đã liên tiếp đánh thắng địch những trận giòn dã như trận “Bồ Đằng sấm vang chớp giật”, trận “Trà Lân trúc chẻ tro bay”, trận Trà Lưu, trận Bồ Ải, trận tấn công thành Trài… tiến vào giải phóng Thuận Hoá… rồi tiến ra giải phóng Đông Đô, hoàn thành công cuộc đánh đuổi ngoại xâm, khôi phục lại nền độc lập dân tộc.
Tuy nhiên, cần phải thấy rõ 1 điều, vị thế của Nghệ An trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đó là vị thế của một kinh đô – kinh đô kháng chiến chứ chưa phải là một kinh đô thời độc lập và phát triển. Phải mãi cho tới cuối thế kỷ 18, Nghệ An mới chính thức được một anh hùng dân tộc, một vị hoàng đế quyết định chọn đây làm mảnh đất đóng đô, đó chính là Phượng Hoàng Trung Đô dưới thời Tây Sơn và Hoàng đế Quang Trung.
Về việc này, Hoàng Lê nhất thống chí có nói: “Vua Quang Trung cho rằng trấn Nghệ An ở vào chính giữa nước, đường sá từ Nam ra Bắc vào đều vừa bằng nhau, quê tổ tiên mình cũng ở đấy, bèn sai trưng dụng rất nhiều thợ thuyền, chuyên chở gỗ, đá, gạch ngói, để xây dựng cung phủ, lâu đài. Đắp thành đất chung quanh và sai các quân lính đào đá ong ở địa phương để xây thành trong. Dựng toà lầu Rồng ba tầng cùng điện Thái-Hoà hai dãy hành lang, để phòng dùng đến trong những khi có lễ triều hạ. Thành này được gọi là Phượng Hoàng Trung Đô hoặc Trung kinh Phượng Hoàng thành. Quang Trung có viết chiếu mời Nguyễn Thiếp ra xem đất. Trong tờ chiếu, có đoạn viết như sau: “Nay kinh Phú Xuân thì hình thế cách trở, ở xa trị Bắc Hà, sự thế rất khó khăn. Theo đình thần nghĩ rằng, chỉ đóng đô ở Nghệ An là độ đường vừa cân, vừa có thể khống chế được trong Nam ngoài Bắc, và sẽ làm cho người tứ phương đến kêu kiện, tiện việc đi về”.
Năm 1788, Long Nhương Tướng quân Nguyễn Huệ mời La Sơn Phu tử ra để cùng trị nước, có gửi bức “tâm thư” như sau:
(Dịch nghĩa ) “Kính thư đến La Sơn Phu tử cùng chiếu lãm. Nay, thiên hạ đảo điên, nếu không là Phu tử thì lấy ai cùng [ta] giải quyết? Quả đức thân qua vùng này, đặc biệt sai Văn thần (là) Binh phiên Phó Tri phiên Cẩn Tín hầu Nguyễn Quang Đại đến vấn an. Và, kính mời Phu tử tới [gặp ta] để [ta] được nghe lời chỉ giáo. [Nếu được như vậy] thì thật may mắn cho Quả đức, ấy cũng điều may mắn cho cả thiên hạ. Nay kính thư. Ngày 18 tháng 3 năm Thái Đức thứ 11 (1788)”.
Ngay từ những năm trước khi chưa lên ngôi, Long Nhương Tướng quân Nguyễn Huệ đã để ý đến việc tìm đất xây dựng kinh đô của triều đại tại mảnh đấy Nghệ An. Sau khi mời La Sơn Phu tử ra cùng trị nước đã giao cho Phu tử đến vùng Yên Trường thị sát chọn vùng đất giữa núi Quyết và núi con Mèo vì thấy nơi đây là đất hội tụ đầy đủ các yếu tố thuận lợi để xây dựng. Như vậy, kinh đô ở mảnh đất này tuy còn sơ khai nhưng thực sự nền móng đã được xây dựng. Về việc này, đáng chú ý nhất là bức thư Long Nhương Tướng quân gửi La Sơn Phu tử đề ngày 19 tháng 6 năm Thái Đức thứ 11:
(Dịch nghĩa) “Chiếu cho La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp cùng biết: vào ngày 19 tháng 6 năm nay ta ngự xem tờ khải của Phu tử. Trong đó có nói đầy đủ địa thế tốt xấu cùng với tình trạng thống khổ của sinh dân. (Phu tử) lại lấy danh ngôn sự tích của người xưa để can gián. Luận lý ấy như thang thuốc tốt rất hợp với ý ta. (Nhưng) buổi ban đầu khi mới gây dựng được nước, lòng người mới theo, (nếu) không ở Nghệ An để thường xuyên chế ngự vùng thượng du thì lấy đâu mà khống chế trong ngoài? (Ta) Chắc rằng Phu tử cũng hiểu rõ điều này vậy. Nay rất vui khi được nghe lời của Phu tử, thì việc xây dựng lớn hãy theo đó mà tạm hoãn. Nhưng cái nơi mà ta ngự đến thì không thể không dự liệu sớm để thực hiện. Phiền Phu tử nắm việc và xem ngày. Nếu như hoàn thành thì đó cũng là kế để bảo trị quốc gia vậy. Xin Phu tử hãy định liệu. Khâm tai. Đặc chiếu. Ngày 19 tháng 6 năm Thái Đức thứ 11 (1788)”.
Thông qua bức thư này, chúng ta thấy rõ quyết tâm xây dựng kinh đô tại Nghệ An của Long Nhương Tướng quân Nguyễn Huệ. Đặc biệt nhất, chỉ mấy mươi ngày sau bức thư này, quan Trấn thủ Nghệ An lúc bấy giờ là Thận Trực hầu Nguyễn Văn Thận đã gửi tiếp cho La Sơn Phu tử một bức thư nữa với ý muốn La Sơn Phu tử nhanh chóng thực hiện công việc xây dựng:
(Dịch nghĩa) “Quan Khâm sai Trấn thủ (là) Thận Trực hầu kính thư đến La Sơn Phu tử cùng chiếu lãm. Nay [chúng tôi] cung kính vâng theo chiếu chỉ kiến lập kinh đô. Trong đó, đã truyền xuống các huyện, xã lo xong các khoản bới đào, xây đắp. Kính mời (Phu tử) cảm phiền dời gót ngọc đến tại hành cung, định rõ phương hướng cho đúng kỳ xây dựng, tránh khiến cho dân đinh lưu lại lâu ngày gây lãng phí. Nay kính thư. Ngày mồng 4 tháng 7 năm Thái Đức thứ 11 (1788)”.
Trong văn bản trên, ngay ở câu đầu tiên ghi rõ: “Quan Khâm sai Trấn thủ (là) Thận Trực hầu” và ấn triện trên bức thư là “Nghệ An trấn phủ chương” cho ta biết đây là vị quan Trấn thủ tại Nghệ An có tước là Thận Trực hầu. Mảnh đất Nghệ An là phiên trấn quan trọng nên dưới mỗi triều đại, chức trấn thủ ở đây đều do những vị tướng tài và tâm phúc với hoàng gia nắm giữ. Lần theo các bức thư qua lại giữa triều đình Tây Sơn và La Sơn Phu tử nói về việc xây dựng kinh đô tại Nghệ An, ta thấy rằng đầu năm 1788 trên đường từ Phú Xuân ra Bắc, khi qua Nghệ An, Long Nhương Tướng quân Nguyễn Huệ có nhờ La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp tìm kiếm, xem xét và chọn lựa các thế đất đai phù hợp. Cuối tháng 5 năm 1788 khi Long Nhương Tướng quân dừng chân tại Nghệ An trên chặng đường từ Thăng Long trở về Phú Xuân, vẫn chưa thấy La Sơn Phu tử bắt tay vào việc. Long Nhương Tướng quân tiếp tục viết chiếu thư (như bức thư trên) truyền cho La Sơn Phu tử tức tốc thực hiện công việc. Bên cạnh đó, để chắc chắn thêm, lại lệnh riêng cho Thận Trực hầu Nguyễn Văn Thận bấy giờ đang giữ chức Trấn thủ Nghệ An, trực tiếp đốc thúc La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp nhanh chóng thực hiện mọi công việc liên quan tới việc xây dựng kinh đô.
Đây chính là nguyên nhân ra đời bức thư trên. Qua bức thư ta thấy rõ việc xây dựng kinh đô tại Nghệ An đã được vị quan đầu trấn cho thực hiện hết sức khẩn trương và nghiêm túc “…đã truyền xuống các huyện, xã lo xong các khoản bới đào, xây đắp…”, và đặc biệt là thúc giục La Sơn Phu tử nhanh chóng bắt tay ngay vào việc để “…tránh khiến cho dân đinh lưu lại lâu ngày gây lãng phí”. Như vậy, việc xây dựng kinh đô tại Nghệ An đã được thực hiện. Những viên gạch xây dựng kinh đô ở Nghệ An tuy còn sơ khai nhưng thực sự nền móng đã được triển khai.
Về Thận Trực hầu Nguyễn Văn Thận. Khi ra Bắc lần thứ nhất vào giữa năm 1786, Nguyễn Huệ đã phong ông làm khâm sai Trấn thủ Nghệ An và ông giữ chức vụ này trong suốt thời gian tồn tại của triều Tây Sơn, đáng tiếc sử sách không ghi lại nhiều thông tin về ông. Việc xây dựng kinh đô tại Nghệ An do ông phụ trách đang dang dở thì một năm sau, Vua Quang Trung phải dốc hết trí lực tập trung đánh quân Thanh xâm lược. Cho tới năm 1792, Vua Quang Trung đột ngột băng hà, Vua Cảnh Thịnh nối ngôi. Một mặt Vua Cảnh Thịnh cũng không đủ tầm chiến lược để nhận ra vị thế của Nghệ An và có quyết định di dời, một mặt còn phải hết dốc sức chống đỡ trước lực lượng phục thù của Nguyễn Ánh ngày một mạnh nên việc tiếp tục xây dựng và chuyển kinh đô từ Phú Xuân ra Nghệ An đã bị bỏ ngỏ hoàn toàn. Ngày 28 tháng 5, thuỷ quân Nguyễn Ánh đi tới cửa biển Đan Nhai tiến đánh và phá được đồn Quần Mộc. Quân bộ cũng tiến đến phía Nam sông Lam rồi vượt sang bờ phía Bắc. Hai mặt thuỷ bộ đều tiến công, quân Tây Sơn thua trận. Quân Nguyễn Ánh bèn xông lên cướp kho thóc Kỳ Lân. Trấn thủ Nguyễn Văn Thận cùng với Hiệp trấn Nguyễn Triêm, thống lĩnh Nguyễn Văn Đại, Thiếu uý Đặng Văn Đằng phải bỏ thành chạy ra miền Bắc. Đến đồn Tiên Lý, Nguyễn Triêm tự thắt cổ; còn Nguyễn Văn Thận tiếp tục chạy ra trấn Thanh Hoa, quan quân nhà Nguyễn chiếm hoàn toàn thành Nghệ An. Vua Cảnh Thịnh bị bắt giết, triều Tây Sơn sụp đổ, Nguyễn Ánh lên ngôi, triều Nguyễn thành lập, định đô Phú Xuân còn Phượng Hoàng Trung Đô bị lãng quên và chìm vào dĩ vãng. Và cho tới nay, dấu ấn về Phượng Hoàng Trung Đô và quan Trấn thủ Nghệ An Nguyễn Văn Thận chỉ còn lại bức thư này.
Để tỏ lòng biết ơn vị đối với vị Anh hùng áo vải của dân tộc cùng những văn thần võ tướng triều Tây Sơn, ngày 23/7/2004 UBND tỉnh Nghệ An đã ra quyết định xây dựng đền thờ Hoàng đế Quang Trung trên núi Dũng Quyết – một địa điểm thuộc vùng đất Vua Quang Trung chọn nơi đóng đô cách đây gần 230 năm trước. Hiện nay, tại đền thờ Hoàng đế Quang Trung có một án thờ phụng quan Thận Trực hầu Nguyễn Văn Thận để tri ân vị quan trấn thủ Nghệ An trong suốt triều đại Tây Sơn với công lao xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô.