Quang Trung Nguyễn Huệ: Đế tướng tài ba

06/02/2016 09:19

(Baonghean)- Quang Trung Nguyễn Huệ, vị Hoàng đế kiệt xuất, anh hùng dân tộc lỗi lạc đồng thời là vị tướng tài ba bách chiến bách thắng với bao võ công hiển hách đã được nhiều học giả, sách báo ngợi ca. Vua Quang Trung băng hà khi mới 39 tuổi để lại bao tiếc thương cho nhân dân.

Tại một làng quê có tên phú lạc (thuộc xã Bình An, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định ngày nay), có một gia đình họ Nguyễn có ba người con trai tên: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ. Nguyễn Huệ sinh năm 1752 - tuy là em út, nhưng vóc dáng cao lớn, luôn sẵn lòng giúp gia đình, các anh làm được nhiều việc. Nguyễn Huệ đã sớm tỏ ra là một con người thông minh, mưu trí, nhân từ...

Tuổi thơ, Nguyễn Huệ giúp gia đình thả bò đi ăn ở mạn Nam sông Côn; thường hay bày trò "đánh giặc giả" với đám chăn bò trong các làng lân cận. Phe của Nguyễn Huệ luôn giành phần thắng, nên lũ trẻ rất thích... theo phe Nguyễn Huệ!

Đền thờ Hoàng đế Quang Trung (Núi Dũng Quyết, TP. Vinh). Ảnh: Sỹ Minh.
Đền thờ Hoàng đế Quang Trung (Núi Dũng Quyết, TP. Vinh). Ảnh: Sỹ Minh.

Ba anh em theo học chữ với thầy Nguyễn Văn Hiến - thường gọi là thầy giáo Hiến - ở An Thái. Thầy giáo Hiến là người rất giỏi văn chương, lại rất đạo đức; được dân chúng ca ngợi. Chính ông đã đặt vào tâm hồn Nguyễn Huệ lòng yêu quý văn thơ, đặt nền móng cho những ước mơ xây dựng nền văn học chữ Nôm sau này của Nguyễn Huệ.

Người thầy dạy võ đầu tiên cho ba anh em Nguyễn Nhạc, là ông Đinh Văn Nhưng - tục gọi ông Chãng. Ông Chãng có tướng người to con, rất giỏi võ nghệ, tính tình cương trực, nóng nảy. Ông cũng là một trong số rất ít gia đình có công khai hoang, lập ấp, xây dựng làng ấp; mở rộng bờ cõi cho An Nhơn... Trong ba người học trò này, ông thường ngợi khen Nguyễn Huệ là người rất mưu trí, không những thông thuộc các thế võ ông đã dạy, mà còn có nhiều sáng kiến, biến hoá riêng. Ông cũng thường để Nguyễn Huệ ra thử đấu với ông, để thử tài cao thấp. Lần nào Nguyễn Huệ cũng được ông nể phục.

Nước Nam lúc bấy giờ đã bị phân chia làm hai miền, lấy Sông Gianh làm giới tuyến: Họ Nguyễn hùng cứ phương Nam - gọi là Đàng trong (hay Nam Hà). Họ Trịnh tự xưng chúa phương Bắc - Đang ngoài (Bắc Hà). Trên tuy còn có Vua Lê, nhưng quyền hành thuộc cả vào tay hai chúa Trịnh - Nguyễn. Trong nước đã có Vua, lại có chúa, nên Vua chẳng phải là Vua, tôi không phải là tôi: Nước Nam đang ở vào thời nhiễu loạn, phân hoá trầm trọng.

Màn tái hiện hình ảnh Hoàng Đế Quang Trung
Màn tái hiện hình ảnh Hoàng Đế Quang Trung

Nguyễn Huệ đã cùng các anh là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ tiến quân vào Nam, Nguyễn Huệ đã dốc sức giúp các anh chiến thắng vẻ vang, nhưng sau đó đều rút quân về Quy Nhơn, chỉ lưu lại một võ tướng và vài đạo binh để trấn giữ thành... Vì vậy, tàn quân của Chúa Nguyễn - các con cháu lưu lạc, có cơ hội tập hợp binh mã, nổi lên chống cứ lại quân Tây Sơn hòng chiếm lấy thành Gia Định, dựng lại nghiệp chúa như xưa.Trước tình cảnh ấy, ba anh em Nguyễn Huệ quyết định khởi binh, phát xuất từ ấp Phú Lạc (Tây Sơn) vào năm 1771 - tiến đánh các huyện An Khê, An Nhơn, Tuy Viễn... Đoàn quân tấn công ở đâu, đều được dân chúng ủng hộ, giúp đỡ, xin gia nhập vào nghĩa binh ngày một đông. Đến năm 1773 - đội quân hùng mạnh của Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ đã chiếm được thành Quy Nhơn - làm căn cứ địa vững chắc cho cuộc khởi nghĩa...

Lần thứ tư, Nguyễn Huệ thống lãnh đại binh, thẳng đường vào Nam tiến đánh tàn quân nổi loạn của Chúa Nguyễn. Chỉ trong vòng một ngày giáp chiến ác liệt, đội quân của Xiêm La chỉ còn lại vài trăm tên, thất trận về nước...

Nguyễn Nhạc phong cho em là Nguyễn Lữ làm Đông Định Vương ở lại cai quản đất Gia Định kéo dài ra đến Bình Thuận...

Đàng Trong đã tạm yên, Nguyễn Huệ tức tốc đem binh ra Bắc Hà "hỏi tội lộng quyền, bức hiếp đình thần, truất quyền của Vua Lê, lại xâm hại dân chúng" của chúa Trịnh. Với lá cờ thêu bốn chữ vàng "Phù Lê, diệt Trịnh", Nguyễn Huệ đã được đông đảo quan quân, dân chúng ủng hộ.

Chỉ trong một tháng, quân Tây Sơn đã đánh chiếm đến thành Phú Xuân - các đội quân thuỷ bộ thẳng đường tiến ra Bắc Hà. Quân của Nguyễn Huệ tiến đánh như vũ bão tấn công quân Trịnh, chiếm giữ nhiều cứ điểm quan trọng. Quân Tây Sơn lần lượt tiến chiếm Thuận Hoá, đến tận sông Gianh, rồi chiếm Nghệ An, Thanh Hoá... "Đường đến kinh đô đã mở...".

Đền thờ vua Quang Trung trên đỉnh Dũng Quyết, một địa chỉ văn hóa mới dựng lại trên nền của di sản văn hóa Phương Hoàng Trung đô xưa
Đền thờ vua Quang Trung trên đỉnh Dũng Quyết, một địa chỉ văn hóa mới dựng lại trên nền của di sản văn hóa Phương Hoàng Trung đô xưa

Ngày 7/7 âm lịch, Hiển Tông phong cho Nguyễn Huệ chức tướng, tước Uy Quốc Công và gả công chúa Ngọc Hân cho Nguyễn Huệ.

Nguyễn Huệ kéo quân về đóng ở Phú Xuân, trợ giúp Vua Lê xây dựng lại triều chính, đất nước. Vua Lê Hiển Tông băng hà, cháu là Lê Chiêu Thống lên nối ngôi. Sự yếu đuối, bất tài của Lê Chiêu Thống không vực dậy được một triều đại đã tan rã, kiệt quệ... Ngay tháng sau đó, họ Trịnh đã quay trở lại dùng vũ lực thiết lập lại những đặc quyền, đặc lợi của mình. Sự lấn át quyền hành của họ Trịnh nặng nề đến mức nhà Vua phải mất công sai người đến cầu cứu với Nguyễn Hữu Chỉnh.

Gặp dịp thuận lợi cho ý đồ mưu phản, mong chiếm trọn Bắc Hà, Nguyễn Hữu Chỉnh vội vã kéo một vạn quân về Thăng Long đánh bại quân của Trịnh Bồng, rồi nắm lấy mọi quyền hành, tự xem mình là chủ đất Bắc. Nguyễn Huệ được tin Nguyễn Hữu Chỉnh tạo phản, đang xây dựng thanh thế ở Bắc Hà, hòng tiến đánh Tây Sơn, chiếm ngôi nhà Lê, liền sai Võ Văn Nhậm ra Bắc trị tội Nguyễn Hữu Chỉnh... Lần này, chính Nguyễn Huệ cầm quân ra Bắc Hà dẹp loạn. Nguyễn Huệ triệu tập các viên chức nhà Lê, cho phục hồi chức vị; giao việc cai quản Bắc Hà cho Ngô Văn Sở, rồi trở về Phú Xuân...

Ngày 25/1 năm Mậu Thân (1778), Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng Đế, hiệu là Quang Trung. Sắc phong cho Công chúa Ngọc Hân làm Hoàng Hậu; con trai là Nguyễn Quang Toản làm Thái tử.

Hoàng đế Quang Trung tự mình thống lĩnh thuỷ bộ đại binh lên đường tiến ra Bắc Hà. Đến Nghệ An, cho quân nghỉ dưỡng 10 ngày, để chọn lấy thêm binh. Nhận thấy nơi đây là vùng đất vượng khí, ông quyết định cho xây Phượng Hoàng Trung Đô tại Nghệ An.

Hoàng Đế Quang Trung thực hiện ngay công việc cải cách, xây dựng đất nước, từ việc chính trị, quan chế, đinh điền, giáo dục, văn hoá, tôn giáo, cho đến công cuộc chuẩn bị để đánh Tàu. Mọi việc đã tiến hành tốt đẹp, theo như hoạch định đã soạn sẵn từ trước. Đến năm Nhâm Tý (1792) Vua Quang Trung sai sứ sang Tàu, xin cầu hôn và xin trả lại cho Việt Nam đất Lưỡng Quảng. Việc ấy tuy không phải là thực ý của Vua, nhưng muốn mượn chuyện để thử ý Vua nhà Thanh?

Dự định chưa thành thì Vua Quang Trung lâm trọng bệnh. Không bao lâu sau, Hoàng Đế băng uhà (ngày 16 tháng 9 năm 1792), lúc mới 39 tuổi, tại vị Hoàng đế được 4 năm. Miếu hiệu là Thái Tổ Võ Hoàng Đế. Thái tử Quang Toản lúc bấy giờ chỉ lên 10 tuổi, được triều đình tôn lên làm Vua, lấy niên hiệu là Cảnh Thịnh.

Đau thương trước sự ra đi quá đột ngột của Hoàng Đế Quang Trung, lúc tuổi xuân đang phơi phới, sự nghiệp đang phát triển rực rỡ, đất nước đang hồi hưng thịnh, thái bình và tình yêu đang nồng thắm. Hoàng Hậu Ngọc Hân đã viết nên bài "Ai Tư Vãn" để khóc thương chồng. Bài thơ là áng văn tuyệt tác trong dùng văn học chữ Nôm thời Tây Sơn. Bài thơ dài đến 164 câu là những tâm tình của bà trước sự mất mát: “Gió hiu hắt phòng tiêu lạnh lẽo/ Trước thềm lan, hoa héo ron ron/ Cầu Tiên khói tỏa đỉnh non/Xe rồng thăm thẳm, bóng loan dàu dàu...”./.

Thanh Hiền

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Quang Trung Nguyễn Huệ: Đế tướng tài ba
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO