Quê Bác - Nơi tri ân và trở về
Tháng Năm về như một lời hẹn thiêng liêng, đưa bước chân người dân từ khắp mọi miền Tổ quốc hướng về Làng Sen, Hoàng Trù – những địa danh mộc mạc mà linh thiêng, nơi gắn bó máu thịt với cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hai tiếng “Quê Bác” vừa thân thương, vừa lắng đọng. Chính mảnh đất này từng chở che một tâm hồn, nhân cách vĩ đại; và hôm nay, vẫn âm thầm bồi đắp tình cảm gắn bó giữa các thế hệ, giữa các dân tộc, giữa những tấm lòng, vượt qua mọi ranh giới để cùng hòa chung trong dòng chảy tri ân.

Mạch nguồn văn hóa thiêng liêng
Sáng tháng Năm, đạo diễn Hồ Ngọc Xum (SN 1955) trở lại Hoàng Trù và làng Sen quê Bác. Chuyến đi này là cuộc hành hương của riêng ông - một hành trình trở về với mạch nguồn cảm xúc đã giúp ông làm nên những thước phim xúc động về Người. Từ cảm xúc được nhen nhóm trên mảnh đất thiêng liêng ấy, những tác phẩm điện ảnh khắc họa sâu sắc chân dung và tâm hồn cao đẹp của Người như “Vầng trăng thơ ấu” và “Bức họa tình yêu” đã lần lượt ra đời.
.jpg)
Với “Vầng trăng thơ ấu”, ông đi tìm tuổi thơ Bác qua từng mái nhà đơn sơ, tiếng mẹ ru ầu ơ bên võng, và giọng đọc chữ Nho trầm ấm của cha dưới ánh đèn dầu. Bộ phim đã khắc họa sâu sắc những mất mát trong gia đình Bác, đặc biệt là sự ra đi của bà Hoàng Thị Loan để mang đến cái nhìn chân thực và cảm động về những tháng năm ấu thơ đầy biến động nhưng cũng giàu tình yêu thương của Người.
Còn trong “Bức họa tình yêu”, đạo diễn Hồ Ngọc Xum kể về một nhà sư sau khi hoàn tục đã âm thầm vẽ hàng trăm bức chân dung Bác Hồ bằng bút điện - như một cách bày tỏ lòng tôn kính sâu sắc từ tận đáy lòng của một người nghệ sĩ với vị lãnh tụ kính yêu.
Cả hai tác phẩm đều được đánh giá cao, góp phần để đạo diễn Hồ Ngọc Xum giành giải Đạo diễn xuất sắc tại Liên hoan phim FICTS 2010; trong khi diễn viên Nguyễn Hùng Cường thủ vai chính cũng được vinh danh là Nam diễn viên xuất sắc nhất. Đặc biệt, bộ phim "Vầng trăng thơ ấu" vinh dự được Cục Điện ảnh lựa chọn trình chiếu trong tuần phim kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nghệ An.

Để có được những thước phim chân thật và xúc động ấy, đạo diễn Hồ Ngọc Xum đã nhiều lần trở về quê Bác, lắng nghe những câu chuyện truyền miệng từ người dân.
Muốn hiểu Bác, phải đến Hoàng Trù - nơi Bác cất tiếng khóc chào đời; phải ghé làng Sen - nơi hình thành nhân cách của Người.
Với tôi, Hoàng Trù như người mẹ tảo tần, còn làng Sen như người cha mẫu mực. Hai mạch nguồn ấy kết tinh nên một Hồ Chí Minh vừa vĩ đại, vừa thấm đẫm hồn quê.
Đạo diễn Hồ Ngọc Xum
Tròn 135 năm kể từ ngày Bác sinh ra, ngôi nhà tranh vách đất tại làng Hoàng Trù xưa vẫn nguyên vẹn như thuở nào. Mảnh sân nhỏ, hàng cau trước ngõ, bờ rào dâm bụt, khóm tre xanh… tất cả như còn lưu giữ hơi ấm Người. Với vị đạo diễn đến từ miền Tây Nam Bộ, khung cảnh ấy khiến ông cảm thấy thân quen đến lạ, như đã từng thuộc về ký ức mình.

Những ngày tháng Năm này, các nghệ sĩ từng thủ vai Bác Hồ – NSND Bùi Bài Bình (Nhà tiên tri), nghệ sĩ Mạnh Trường (Thầu Chín ở Xiêm), nghệ sĩ Minh Đức (Nhìn ra biển cả) - cũng lặng lẽ trở về, thăm lại từng góc nhỏ nơi Người đã sống. Với họ, quê Bác không chỉ là bối cảnh điện ảnh, mà là một vùng ký ức thiêng liêng – nơi khơi nguồn cảm xúc sáng tạo, nơi mỗi nghệ sĩ đều tìm thấy chính mình.
Thắm đượm khối tình đoàn kết
Có một điều đặc biệt có thể cảm nhận rõ khi đứng giữa không gian trầm mặc của làng Sen, hay giữa vòm tre yên bình của Hoàng Trù – ấy là ở đây, mọi ranh giới dường như không tồn tại. Dù là ai, mang thân phận hay tôn giáo nào, mọi người đều mở lòng, gạt bỏ đi những khác biệt để gần nhau hơn.
Như lời tâm sự của anh Phạm Thế Duyệt (SN 1991, Giáo xứ Làng Nam, Giáo hạt Xã Đoài, Giáo phận Vinh), rằng: “Khi về với quê Bác, những người con ở Giáo hạt Xã Đoài đều nhớ về bức thư mà Bác Hồ đã gửi đồng bào Xã Đoài vào tháng 8 năm 1968.
Trong thư Bác viết: “Tôi rất động lòng khi được tin ngày 21 tháng 7 vừa qua, máy bay giặc Mỹ lại ném bom, bắn phá Xã Đoài, làm hai cụ giám mục, ba vị linh mục bị thương; một số tu sĩ và đồng bào giáo và lương bị thương và bị hy sinh, nhà thờ bị hư hỏng, hàng trǎm nhà dân bị phá huỷ… Tôi gửi lời thăm hỏi và an ủi các vị linh mục, tu sĩ và các gia đình đồng bào bị nạn. Đồng bào lương và giáo hãy đoàn kết chặt chẽ, giúp đỡ lẫn nhau và chính quyền địa phương tìm cách giúp đỡ đồng bào giải quyết những khó khǎn trước mắt để khôi phục lại đời sống bình thường và cùng nhau ra sức chống Mỹ, cứu nước”.
.jpg)
Anh Duyệt trải lòng: "Đối với tôi, lời dặn dò đó của Bác đã thể hiện được tấm lòng sâu sắc, đầy nhân hậu của một con người suốt đời tận tụy vì nước, vì dân. Là một người công giáo, tôi cảm nhận được ở Bác sự bao dung rộng lớn, vượt qua mọi ranh giới về tôn giáo và thân phận. Mỗi lần trở về quê Bác, tôi lại càng thấm thía hơn lý do vì sao Người trở thành biểu tượng sống động của khối đại đoàn kết toàn dân".

Bên cạnh những du khách trong nước, quê Bác còn đón chào nhiều vị khách quốc tế. Không có điều kiện đến đúng vào dịp sinh nhật Bác, nhưng đồng chí MonXay Laomuaxiong - Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng Lào cùng đoàn công tác nước bạn Lào cũng đã có chuyến thăm quê Nội và quê Ngoại của Bác vào đầu năm 2025. Dù đã rất nhiều lần đặt chân đến Nghệ An và thành kính dâng hoa, dâng hương lên Người, nhưng đối với các anh, mỗi lần đều có những cảm xúc riêng.
.jpg)
Trong cuộc trò chuyện của mình, đồng chí MonXay Laomuaxiong chia sẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là lãnh tụ của nhân dân Việt Nam, mà còn là người bạn lớn, là điểm tựa tinh thần trong mối quan hệ thủy chung Việt - Lào. Quê Bác Hồ, luôn là một biểu tượng lớn lao về sức mạnh của sự đoàn kết, lòng nhân ái và tình yêu thương.
Chính nơi đây đã từng chở che, nuôi dưỡng một tâm hồn vĩ đại. Và hôm nay, vẫn âm thầm tiếp tục bồi đắp những tình cảm gắn bó giữa các thế hệ, giữa các dân tộc, và cả những tấm lòng vượt qua mọi khoảng cách địa lý để cùng hòa chung trong dòng chảy của lòng tri ân.
Đồng chí MonXay Laomuaxiong – Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng Lào
Sức sống mới trên "Quê chung"
Ông Lê Xuân Chung - Trưởng phòng Hành chính tổng hợp Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên, cho biết, theo thống kê từ danh sách đăng ký của khu di tích thì từ ngày 10/5 đến 19/5, nơi đây đã đón hơn 63.000 lượt khách. Ngoài con số gần 4.500 đoàn khách trong nước thì Khu di tích còn có gần 20 đoàn khách nước ngoài đến từ nước bạn Lào, Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc, Pháp… Lượng khách này ước tính cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy sức hút và vị thế của mảnh đất Kim Liên đang ngày càng lan tỏa trong lòng du khách và bạn bè quốc tế.
.jpg)
Có một điều đặc biệt, những người viếng thăm quê Bác không chỉ xúc động trước cảnh vật mộc mạc, đơn sơ đã từng gắn bó với tuổi thơ của Người, mà còn cảm thấy vui mừng, tự hào khi chứng kiến sự đổi thay từng ngày trên mảnh đất này... Chỉ vừa mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 921/QĐ-TTg ngày 14/5/2025, công nhận huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2024.
Thấm nhuần lời dạy của Bác, cấp ủy, chính quyền và người dân trên mảnh đất Nam Đàn đã đoàn kết, đồng lòng hoàn thành xuất sắc 9/9 tiêu chí theo Bộ tiêu chí cấp huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025. Cùng đó, thu nhập bình quân đầu người đạt 67 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền lâu.

Đặc biệt, cây sen – biểu tượng gắn bó lâu đời với vùng đất này – giờ đây không chỉ là hình ảnh văn hóa, mà còn là nền tảng phát triển kinh tế. Với hơn 60 ha trồng sen và hàng loạt sản phẩm đặc trưng từ sen như trà, hạt sen khô, trà ướp bông... địa phương đã có 15 sản phẩm OCOP, trong đó 11 sản phẩm đạt chuẩn từ 3 đến 4 sao.
Những cánh đồng sen hôm nay không chỉ mang hồn quê lan tỏa, mà còn mở ra hướng đi bền vững cho nông nghiệp gắn với du lịch trải nghiệm, sinh thái. Nam Đàn – mảnh đất giàu truyền thống đang khẳng định vai trò và vị thế mới của mình trong dòng chảy phát triển của đất nước.


Bước vào những ngày tháng Năm lịch sử, sen quê Bác cùng nhau nở rộ như để đón dòng người từ muôn phương trở về. Sen vươn lên từ gian khó như chính con người nơi đây vươn dậy từ khó khăn để viết nên một hành trình mới - hành trình của sự đổi thay, hội nhập và phát triển./.