Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

Tiếp nối truyền thống Xô viết trên quê Bác

Hồng Nhung 01/11/2024 15:21

Phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương, đặc biệt là tinh thần Xô viết Nghệ Tĩnh trong suốt chiều dài lịch sử, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nam Đàn luôn nêu cao nhận thức trọng trách chính trị to lớn là quê hương của Bác Hồ kính yêu, để trong mỗi suy nghĩ, hành động, việc làm xứng đáng với tình cảm của Người.

Lửa Xô viết bùng cháy Huyện đường

Sau cuộc đấu tranh mở đầu phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh nổ ra tại Vinh - Bến Thủy ngày 1/5/1930, khí thế đấu tranh của công - nông - binh đã lan nhanh về Nam Đàn, thúc giục quần chúng đứng lên vì tự do, cơm áo.

Trước tình hình đó, đầu tháng 6/1930, Huyện ủy Nam Đàn đã triệu tập cuộc họp, chủ trương tổ chức một cuộc biểu tình ngay tại chợ Đồn vào ngày 18/6/1930 (âm lịch), nhằm phản đối chính quyền thực dân đàn áp, khủng bố quần chúng công - nông Vinh – Bến Thủy và ở Hạnh Lâm (Thanh Chương).

Mờ sáng ngày 18/6/1930, chợ Đồn đông nghịt quần chúng cách mạng. Tri huyện Lê Khắc Tưởng hốt hoảng, cho tay chân dò la, biết tin vội vã lên xe kéo định chạy về Vinh để trốn. Phát hiện ý định đó của hắn, quần chúng đã đón chặn, Y đành quay về chợ Đồn để nhận bản yêu sách của nhân dân. Trước áp lực của đông đảo quần chúng, Tri huyện phải hứa sẽ trình các yêu sách lên Tổng đốc Nghệ An.

Đây là một trong những cuộc đấu tranh có quy mô lớn, được các liên chi ủy, chi bộ Đảng chuẩn bị kỹ lưỡng và đạt được mục đích đề ra, góp phần củng cố niềm tin cho quần chúng đối với sự lãnh đạo của các cấp bộ Đảng tại địa phương.

Tranh Nhân dân Nam Đàn vây phá Huyện đường ngày 30.8.1930
Tranh nhân dân Nam Đàn vây phá Huyện đường ngày 30/8/1930. Tranh tư liệu Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh

Tiếp đó, hưởng ứng Lời kêu gọi cần kíp của Tổng Công hội Vinh đăng trên báo Người lao khổ - cơ quan ngôn luận của Xứ ủy Trung Kỳ, Huyện ủy Nam Đàn tiếp tục họp bàn kế hoạch đấu tranh đòi xóa bỏ sưu cao, thuế nặng; thả hết những người bị bắt trong các cuộc đấu tranh; không khủng bố, đàn áp, bắn giết những người tham gia mít tinh, biểu tình, tự do ngôn luận, tự do bãi công, biểu tình…

Sáng 30/8/1930, dưới sự lãnh đạo của các cấp bộ Đảng, hàng nghìn quần chúng trong huyện cùng xuống đường từ mờ sớm, tập trung tại 3 địa điểm chính: chùa Tam Đường, bến đò Ghềnh, đèn thờ Vua Mai. Nhân dân các làng từ 3-4 giờ sáng đã đi đến bến đò Nam Tân và kẻ Tria để qua sông như kế hoạch đã chuẩn bị trước. Quần chúng với hàng ngũ chỉnh tề, băng cờ, khẩu hiệu cùng gậy gộc, giáo, mác,… tham gia tuần hành với khí thế xung thiên kéo về Huyện đường.

Trước khí thế ngút trời của quần chúng cách mạng đã phá nhà lao, giải phóng tù nhân, thiêu hủy giấy tờ, sổ sách và bắt Tri huyện Lê Khắc Tưởng ký nhận vào bản yêu sách với lời cam kết “không được nhũng nhiễu nhân dân”, chính quyền huyện Nam Đàn gần như bị tê liệt. Ngọn lửa đấu tranh bùng cháy lại Huyện đường đã khiến chính quyền cai trị ở Nam Đàn rơi vào tình thế hoảng loạn.

Điểm độc đáo ở Nam Đàn là cuộc đấu tranh này đã kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang. Sự kiện này có ảnh hưởng to lớn đến phong trào đấu tranh ở Nghệ Tĩnh, khẳng định sự trưởng thành của Đảng bộ huyện Nam Đàn trong công tác tổ chức, lãnh đạo.

Huyện đường Nam Đàn nơi Nhân dân Nam Đàn đấu tranh ngày 30.8.1930
Huyện đường Nam Đàn nơi nhân dân Nam Đàn đấu tranh ngày 30/8/1930. Ảnh tư liệu Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh

Khi cuộc đấu tranh của nhân dân Nghệ Tĩnh bước sang một giai đoạn mới quyết liệt hơn, nhân dân Nam Đàn cùng nhân dân Hưng Nguyên tiếp tục đứng lên đấu tranh làm nên cuộc biểu tình lịch sử ngày 12/9/1930, buộc thực dân Pháp phải đưa máy bay đến ném bom tàn sát đoàn biểu tình khiến hơn 200 người chết và hàng trăm người bị thương. Cuộc biểu tình Thái Lão nổ ra trên đất Hưng Nguyên nhưng số quần chúng thuộc tổng Nam Kim của huyện Nam Đàn tham gia rất đông đảo và hy sinh cũng rất nhiều. Trước những thử thách nhiều mất mát đó, quần chúng Nam Đàn đã không hề nao núng, vẫn tiếp tục đứng lên đấu tranh với khí thế:

“…Trên gió cả cờ đào phất thẳng

Dưới đất bằng giấy trắng tung ra

Giữa đường một trận xông pha

Bên kia đạn sắt, bên ta gan vàng”.

Bất chấp sự khủng bố, đàn áp dã man của kẻ thù, chính quyền Xô viết vẫn được lập ra ở nhiều làng, xã của huyện Nam Đàn. Dù chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, nhưng đó là thành quả hết sức lớn lao của sức mạnh quần chúng, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã làm nên lịch sử trong phong trào cách mạng 1930-1931 trên quê hương Nghệ Tĩnh.

Biến hào khí Xô viết thành sức mạnh nội sinh trong thời kỳ mới

Phát huy hào khí Xô viết Nghệ Tĩnh, trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, Đảng bộ huyện Nam Đàn đã lãnh đạo nhân dân gánh vác những trọng trách hết sức nặng nề, vừa ra sức xây dựng, bảo vệ hậu phương, vừa trực tiếp chiến đấu và chi viện cho tiền tuyến.

Đảng bộ và nhân dân Nam Đàn đã phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đồng sức, đồng lòng lập nhiều chiến công hiển hách, đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Với những thành tích xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, huyện Nam Đàn đã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.

cac-mo-hinh-kinh-te-o-nam-dan.png
Mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại xã Nam Anh; Thu hoạch bí xanh tại xã Thượng Tân Lộc; Sản xuất tương và làm trà sen Nam Đàn. Ảnh tư liệu: Mai Hoa - Thành Cường - Nhật Thanh

Bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, với sự năng động, sáng tạo và nỗ lực không ngừng, huyện Nam Đàn đã từng bước vượt qua khó khăn, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Diện mạo của huyện đã có nhiều chuyển biến vượt bậc: chính trị ổn định, kinh tế ngày càng phát triển, văn hóa, xã hội có nhiều khởi sắc, quốc phòng, an ninh được giữ vững, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao. Huyện Nam Đàn đã được Chính phủ cấp Bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đặc biệt, đây là 1 trong 4 huyện của cả nước được Trung ương ban hành Đề án thí điểm xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Huyện đang vững tin, nỗ lực và quyết tâm hoàn các tiêu chí và đạt huyện nông thôn mới nâng cao; và đến năm 2025 hoàn thành và đạt “Huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch”.

Qua 5 năm triển khai thực hiện xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, huyện Nam Đàn đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với quyết tâm cao, làm chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong toàn huyện. Đến nay, trên địa bàn đã có 15/18 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo Bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025, đạt 83% số xã. Huyện đã thực hiện cơ bản 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao theo quy định tại Quyết định số 320/QĐ-TTg ngày 8/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

chua-dai-tue-khai-mac-le-hoi-lang-sen-2022-khach-du-lich-tham-quan-khu-di-tich-quoc-gia-dac-biet-kim-lien.png
Chùa Đại Tuệ (Nam Đàn) tọa lạc trên dãy Đại Huệ; Khai mạc Lễ hội Làng Sen 2022; Khách du lịch tham quan Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên. Ảnh tư liệu: Quang Dũng - P.V - Thanh Lê

Sản xuất của người dân nơi đây nay đã theo quy mô hàng hóa nông nghiệp tập trung, trọng tâm là chuyển đổi đa dạng cây trồng, liên kết theo chuỗi, nhằm tăng giá trị gia tăng trên đơn vị diện tích, với 1 ha đất canh tác đạt 168 triệu đồng/ha. Đến năm 2023, toàn huyện có 69 sản phẩm đạt sao OCOP, trong đó, có 9 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao.

Hoạt động du lịch ở Nam Đàn ngày càng phát triển mạnh mẽ, hàng năm đón trên 2,5 triệu lượt khách du lịch đến tham quan, trong đó, khách nước ngoài chiếm khoảng 2%, số khách lưu trú ngày càng tăng; doanh thu dịch vụ du lịch năm 2023 đạt hơn 350 tỷ đồng.

Những nỗ lực đó đã giúp cho Nam Đàn khoác lên mình một sắc diện mới. Thu nhập bình quân đầu người của huyện tăng từ 43 triệu đồng vào năm 2018 lên 65 triệu đồng năm 2023. Tỷ lệ hộ nghèo nay chỉ còn 0,67%, chất lượng giáo dục, y tế ngày càng toàn diện.

uploaded-thanhquynhbna-2023_08_30-_bna-anh-lao-2-4366.jpg
Đoàn đại biểu Thanh niên nhân dân cách mạng Lào tham quan, mua sắm các sản phẩm OCOP tiêu biểu của HTX Nông nghiệp Sen quê Bác. Ảnh tư liệu Thanh Quỳnh

Trên cơ sở định hướng phát triển đến năm 2025, chính quyền và người dân Nam Đàn đã xác định rõ những vấn đề trọng tâm để tập trung triển khai, như hoàn thiện quy hoạch vùng huyện một cách căn cơ, bài bản, có tầm nhìn dài hạn, phù hợp với quy hoạch lâu dài của Trung ương và tỉnh.

Nếu trong cao trào cách mạng 1930-1931, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Nam Đàn với khí thế xung thiên đã góp phần làm nên phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh anh hùng.

Thì nay, Nam Đàn cũng đã phát huy mạnh mẽ những truyền thống tốt đẹp của quê hương để từng bước khẳng định mình trong nhịp sống hiện đại.

Tiếp nối truyền thống Xô viết trên quê Bác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO