Quế Phong: Cây vụ đông phát huy hiệu quả
(Baonghean) - Từng bước khép kín diện tích, đa dạng hóa cây trồng, hình thành những vùng chuyên canh hàng hóa... Đó là định hướng quan trọng của huyện Quế Phong khi xác định nâng cao giá trị kinh tế bằng cây trồng vụ đông.
Khép kín diện tích
Bà con bản Muồng (Châu Kim, Quế Phong) ai cũng vui mừng cho gia đình bà Vi Thị Lương, bởi từ diện hộ nghèo, sau 3 năm trồng rau an toàn giờ không những thoát nghèo mà còn xây được một căn nhà 3 gian khang trang, rộng rãi. Việc thoát nghèo nhờ cây rau không còn xa lạ đối với nhiều địa phương trong tỉnh khi có lợi thế về đất đai, thủy lợi. Nhưng đối với xã miền núi Châu Kim đa phần là đất đồi dốc. Do vậy, trong nhiều năm việc canh tác vụ đông chỉ dừng lại ở con số 30 ha tại vùng đất bãi ven suối, ven sông.
Người dân Châu Kim làm đất trông cây vụ đông. |
Những năm gần đây, bà con đã mạnh dạn mở rộng, khai hoang tại những diện tích đất đồi hay diện tích đất lâm nghiệp hiệu quả thấp, chuyển đổi sang trồng rau màu. Sau những nỗ lực không ngừng nghỉ, đến nay, những vùng đồi bản Muồng, bản Mồng, bản Chồi… đã được phủ một màu rau xanh tốt với tổng diện tích lên đến 35 ha, nâng tổng diện tích vụ đông của toàn xã lên tới 65 ha.
Ruộng rau của bà Vi Thị Lương (bản Mồng, Châu Kim, Quế Phong). |
Bà Vi Thị Lương chia sẻ: “Trước đây gia đình sống chủ yếu dựa vào lúa rẫy, tuy nhiên vì chỉ làm được một vụ mỗi năm mà năng suất lại không cao nên nghèo mãi. Từ khi xã có chương trình tập huấn trồng rau sạch và có chính sách hỗ trợ đi cùng nên gia đình đã mạnh dạn cải tạo 7 sào đất vườn đồi để trồng rau, cuối vụ thu về hơn 40 triệu đồng, chi phí chưa tới 8 triệu đồng".
Đã 3 năm gia đình bà Lương gắn bó với cây rau, vừa bán rau ăn, vừa ươm bán rau giống. Việc tiêu thụ cũng không quá khó, bởi hiện nay rau an toàn rất được ưa chuộng, tư thương đến tận vườn để thu mua đưa về xuôi bán. "Nhờ vậy, gia đình đã dần ổn định cuộc sống và năm nay chính thức ra khỏi danh sách hộ nghèo” - bà Lương cho biết thêm.
Người dân Quế Sơn trồng cây rau cải vụ đông. |
Trước đây nhiều diện tích vùng đồi của Châu Kim thường trồng keo, tuy nhiên cây keo có thời gian sinh trưởng trên 7 năm mới cho thu hoạch, khi chuyển đổi sang cây rau màu thì hiệu quả kinh tế đã cao hơn nhiều lần. Khẳng định điều này, ông Hà Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã cho hay: “Đến nay, Châu Kim chưa trồng cây gì hiệu quả bằng rau màu, nhờ nó mà xã đã bắt đầu thay đổi. Bà con nơi đây cũng nhanh nhạy trong tiếp cận và thực hiện quy trình trồng rau hàng hóa".
Bắp cải là mặt hàng bán rất được giá ở Châu Kim. Vào vụ thu hoạch, tư thương đến thu mua tận vườn, giá 10.000 đồng/1 bắp không kể to nhỏ. Trung bình mỗi bắp nặng xấp xỉ 1 kg. Còn rau cải mỗi túi 3 lượng có giá bán từ 10 đến 12.000 đồng. Vào dịp Tết giá cao hơn, nên bà con thường trồng muộn hơn từ 1 đến 2 tuần để thu hoạch đúng thời điểm có lợi nhất. "Cuối vụ có những hộ thu về gần 40 triệu đồng nên bà con rất phấn khởi để đầu tư trồng rau vụ đông” - ông Hà Minh Tuấn nói thêm.
Đa dạng hóa cây trồng.
Tìm về Hợp tác xã Hải Lâm, xã Quế Sơn trong lúc bà con đang chăm sóc gần 5 ha rau vụ đông, ông Lê Văn Nội, Chủ nhiệm Hợp tác xã cho biết: “Riêng làm giống rau vụ đông, nếu thắng lợi, khoảng gần 1 tháng sẽ cho thu nhập từ 6 - 8 triệu đồng. Tuy nhiên, cần phải đa dạng các loại rau để dễ tiêu thụ, nếu thấy bắp cải bán dễ mà đổ xô trồng thì có thể bị ế hàng".
Chị Đào Thị Giang - HTX Hải Lâm (Quế Sơn) chăm sóc luống đậu. |
Hợp tác xã Hải Lâm thành lập gần 4 năm nay đã tạo được sự liên kết với 20 hộ dân trong vùng để sản xuất rau. Tại đây, các hộ đã được tập huấn kỹ thuật trồng rau sạch, tạo sự liên kết trong sự phân bổ vùng trồng, loại cây trồng và đảm bảo nguồn giống ổn định cho các địa phương lân cận.
Hiện tại, tổng diện tích trồng rau của xã Quế Sơn đạt gần 40 ha. Nếu cây rau hàng hóa phát huy tốt hiệu quả, xã có thể nâng diện tích từ 70 - 80 ha.
Vụ đông năm nay huyện Quế Phong vận động bà con trồng đa dạng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao như cải bắp, su hào, hành, tỏi và các loại đậu, bí xanh... Huyện cũng đã thành lập Ban chỉ đạo sản xuất vụ thu - đông, và các tổ kỹ thuật chỉ đạo cơ sở đối với những xã có diện tích cơ cấu lớn, tập trung. Tập huấn, hướng dẫn cho nông dân các tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất, nhân rộng các mô hình trồng cây vụ đông đã thành công ở những năm trước. Phấn đấu toàn huyện gieo trồng được 460 ha vụ đông, trong đó cây ngô chiếm 200 ha, rau các lại 220 ha, đậu 20 ha và lạc 20 ha.
Để tạo “đòn bẩy” cho việc phát triển vụ đông, huyện đã có cơ chế hỗ trợ 100% giống rau cho các xã xây dựng mô hình trồng rau hàng hóa tập trung; hỗ trợ xây dựng mô hình trồng ngô trên đất dốc tại 4 xã Đồng Văn, Thông Thụ, Tiền Phong và Hạnh Dịch. Hy vọng với sự chỉ đạo tích cực của chính quyền các cấp và nỗ lực của bà con nông dân, vụ đông ở Quế Phong sẽ mở ra hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương.
Thanh Quỳnh
TIN LIÊN QUAN |
---|