Diện mạo đổi mới hôm nay của xã Hạnh Dịch đã làm “khuất lấp” những khó khăn vốn có của xã vùng sâu, khi hầu hết các tuyến đường đều được đổ bê tông, nhà dân xây dựng khang trang; cùng với đó là các mô hình sản xuất, chăn nuôi được quy hoạch rõ. Có sự đổi thay đó, theo ông Lô Văn Việt – Chủ tịch UBND xã Hạnh Dịch, trên cơ sở chỉ đạo của huyện, cũng như tình hình thực tế, xã đã quy hoạch 3 vùng sản xuất, chăn nuôi theo lợi thế của từng thôn, bản, ngoài ra, còn có vùng bảo tồn, phát triển các loài dược liệu như mú từn, bo bo, chè hoa vàng ở các bản Quang Vinh, Hạnh Tiến, Long Tiến; phát triển du lịch sinh thái gắn du lịch cộng đồng khu vực thác Bảy tầng, làng Thái cổ Long Thắng.
Hiện xã Hạnh Dịch đã có 5 hộ làm homestay phục vụ khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng. Bên cạnh đó, duy trì và phát triển 23 mô hình kinh tế hiệu quả, như: mô hình trồng cây bo bo với diện tích 10 ha quy mô 4.000 gốc do UBND huyện hỗ trợ; mô hình chăn nuôi trâu cái sinh sản do Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 4 hỗ trợ cho 32 hộ nghèo, cận nghèo bản Vinh Tiến; mô hình trồng khoai sọ tại các bản Long Thắng, Quang Vinh… Trong năm 2023, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã đạt tới 5,17% với 32 hộ thoát nghèo.
Với xã Thông Thụ, trong phát triển kinh tế đã xác định tập trung vào 3 vùng mũi nhọn chính: vùng giáp biên chú trọng trồng rừng nguyên liệu, phát triển chăn nuôi gia súc; vùng ngoài tập trung đầu tư giống lúa có năng suất, chất lượng cao, tăng cường phát triển tiểu thủ công nghiệp, trồng rừng; vùng lòng hồ Thủy điện Hủa Na tập trung phát triển dịch vụ du lịch sinh thái, nuôi cá lồng và phát triển rừng nứa, lùng.
Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, xã Thông Thụ huy động tối đa diện tích đất nông nghiệp để trồng lúa nước (tổng diện tích lúa nước gieo cấy năm 2023 đạt 196 ha, tăng 23% so với đầu nhiệm kỳ và vượt 28,15%). Công tác khoanh nuôi, bảo vệ rừng được chú trọng với 32.729,79 ha. Hoạt động khai thác, chế biến lâm sản phụ như nứa, lùng, măng tươi, cây dược liệu hàng năm tăng cao, từ đó, tăng thu nhập đáng kể từ phát triển lâm nghiệp. Hiện toàn xã đã có 313 ha rừng có cây lùng được cấp Chứng chỉ Quản lý rừng bền vững (FSC).
Đặc biệt, diện tích nuôi trồng thủy sản của xã Thông Thụ được mở rộng với 19 ha, sản lượng nuôi trồng ước đạt 47 tấn, tăng 2,62% so với năm 2020; số lồng nuôi cá bè 227 lồng, đem lại mức thu nhập ổn định cho người dân các bản vùng lòng hồ. Có mô hình nuôi giống cá leo, sau 6 tháng bình quân mỗi con đạt trọng lượng từ 2 – 2,5 kg, thời gian nuôi gấp đôi thì trọng lượng đạt từ 3-4 kg/con; với giá bán từ 150.000-200.000 đồng/kg, khi xuất bán chủ hộ thu về hàng trăm triệu đồng.
Còn tại xã Châu Kim, ngoài các vùng trồng rau, chăn nuôi, địa bàn bản Liên Phương được xác định là vùng có điều kiện phù hợp để trồng giống lúa Japonica; đến nay, toàn bản có 185 hộ được hỗ trợ giống, phân bón để trồng trên diện tích 50 ha, năng suất trung bình đạt 62 tạ/ha. Bà Ngân Thị Minh – một hộ trồng giống lúa Japonica ở xã Châu Kim cho biết, với chất lượng gạo thơm ngon, giá gạo thương phẩm Japonica cao gấp đôi so với gạo của các giống lúa thuần, giống lúa cao sản khác của địa phương, nên bà con rất tích cực canh tác…
Nhiệm kỳ 2020-2025, để từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa huyện Quế Phong trở thành huyện khá của vùng Tây Bắc Nghệ An, cùng với 6 nhiệm vụ trọng tâm, Đảng bộ và Nhân dân huyện Quế Phong đồng lòng triển khai 4 mũi đột phá chiến lược. Trong đó, mũi đột phá về đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp hàng hóa được chú trọng.
Trong giai đoạn 2021-2023, huyện đã đề xuất 6 mô hình và 2 dự án ứng dụng khoa học, công nghệ, trong đó, có 3/4 mô hình được đánh giá thành công, có khả năng nhân rộng, gồm: Xây dựng vườn dược liệu cây chè hoa vàng tại xã Châu Kim; Bảo tồn giống lúa nếp địa phương (khau cày nọi); Lưu giữ nguồn gen ba ba gai sông Quàng.
Huyện cũng chủ động tìm kiếm, kết nối các nhà đầu tư tập trung trên các lĩnh vực, qua đó, thu hút được 2 dự án đầu tư mới, với tổng mức đầu tư hơn 285 tỷ đồng; có 3 dự án đầu tư lĩnh vực khai khoáng đang triển khai thực hiện các thủ tục để cấp phép đầu tư. Đồng thời với đó, huyện đã chủ động xây dựng danh mục 7 dự án tập trung thu hút đầu tư giai đoạn 2021-2025.
Đáng nói, từ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, đổi mới tư duy, khắc phục tư tưởng trì trệ; khơi dậy khát vọng, ý chí vươn lên, năng động, sáng tạo, đổi mới, phát triển đã tạo đà cho công tác xóa đói, giảm nghèo, tạo sinh kế, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện; tỷ lệ hộ nghèo ước giảm 5,29% xuống còn 35,6%, tỷ lệ hộ cận nghèo chiếm 32%; có 646 hộ thoát nghèo trong năm 2023.
Ông Dương Hoàng Vũ – Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết: Mục tiêu được đề ra tại Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm từ 3 – 4%/năm, hoàn thành nhà ở cho hộ nghèo. Thời gian tới, cùng với tiếp tục lồng ghép và sử dụng có hiệu quả các nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất từ các nguồn của Trung ương, của tỉnh và từ ngân sách huyện, Quế Phong sẽ triển khai, hỗ trợ người dân mở rộng các mô hình có sẵn, cũng như triển khai thêm các mô hình mới. Huyện cũng sẽ chú trọng thực hiện liên kết giữa chính quyền địa phương, doanh nghiệp và bà con nông dân để nâng cao tính hiệu quả của mô hình; tập trung xây dựng thương hiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại, tìm hiểu thị trường tiêu thụ sản phẩm cho người dân…