Ngoài các điểm đến như thác Xao Va, thác Bảy tầng, lòng hồ Thủy điện Hủa Na…, đến với huyện Quế Phong, du khách không thể không ghé thăm đền Chín Gian ở xã Châu Kim, vừa được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch ra Quyết định số 963/QĐ-BVHTTDL xếp hạng Di tích Quốc gia. Đây là Di tích Lịch sử – Văn hóa có nguồn gốc lâu đời gắn liền với quá trình hình thành các bản mường của đồng bào Thái miền Tây Bắc Nghệ An nói chung và huyện Quế Phong nói riêng.
Gắn với di tích có Lễ hội Đền Chín Gian được tổ chức từ ngày 14 – 16/2 âm lịch hàng năm. Hiện với việc quan tâm đầu tư cải tạo, nâng cấp một số hạng mục như: Lắp dựng tay vịn, lát đá lối đi; sửa chữa các am thờ, nhà Ban Quản lý… ngôi đền ngày càng trang nghiêm, bề thế.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ du lịch cũng đã đầu tư nâng cấp, cải tạo làm mới điểm du lịch và thu hút được đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm như: Điểm du lịch Famrstay Nhật Minh; Famrstay Tâm My; Công ty Du lịch Lâm Khang… Trong đó, tiêu biểu đã triển khai xây dựng thành công điểm du lịch cộng đồng bản Cọ Muồng, xã Châu Kim theo nội dung Nghị quyết 07 của HĐND tỉnh… góp phần đưa du lịch Quế Phong ngày càng phát triển.
Điểm du lịch cộng đồng tại bản Cọ Muồng, xã Châu Kim và bản Long Thắng, xã Hạnh Dịch là 2 mô hình du lịch cộng đồng không chỉ tạo điểm nhấn cho du lịch của huyện, mà còn góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Thái về mặt kiến trúc xây dựng, văn hóa, tín ngưỡng, ẩm thực… Bên cạnh đó, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Hiện nay, 2 mô hình này có 12 lao động thường xuyên làm việc, ngoài ra, còn có các lao động theo thời vụ; doanh thu hàng năm của 2 mô hình khoảng 800 triệu đồng.
Nằm trong đề án phát triển du lịch, huyện Quế Phong đã chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” OCOP, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, phát triển những sản phẩm đặc trưng vừa góp phần phát triển kinh tế – xã hội, vừa phục vụ hoạt động du lịch như: trà hoa vàng, gạo Japonica, các loại dược liệu, sản phẩm thổ cẩm, mây, tre đan… Các mặt hàng này đã trở thành những sản phẩm được lựa chọn mua sắm mỗi khi du khách đến với huyện Quế Phong.
Đáng nói, trong đầu tư cơ sở hạ tầng cho phát triển du lịch, hệ thống nhà hàng, khách sạn được đầu tư, nâng cấp ngày càng hiện đại. Toàn huyện hiện có 11 khách sạn, nhà nghỉ với tổng số 168 phòng nghỉ đảm bảo phục vụ khách du lịch; Đặc biệt, đã xây dựng và đi vào hoạt động 7 homestay với khả năng phục vụ từ 150-200 lượt khách du lịch/ngày/đêm.
Theo số liệu tổng hợp kết quả triển khai Đề án phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc huyện Quế Phong, giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong 2 năm (2021-2022), trên địa bàn đã đón khoảng 4.500 lượt khách/năm, tổng thu ước đạt gần 5 tỷ đồng/năm.
Việc triển khai thực hiện Đề án đã làm chuyển biến nhận thức của người dân về phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, góp phần thúc đẩy ngành Du lịch tiếp tục phát triển ổn định, tác động tích cực tới kinh tế – văn hóa, xã hội của huyện.
Trao đổi với chúng tôi, bà Lô Thị Nguyệt – Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết: Chúng tôi xác định phát triển du lịch gắn liền với quá trình chuyển dịch kinh tế; giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Phát triển du lịch bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường; đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội…
Trên cơ sở kết quả Đề án đã đạt được thời gian qua, với mục tiêu của Đề án phấn đấu đến năm 2025 thu hút 10.000- 12.000 lượt khách nội địa; tổng thu từ hoạt động du lịch năm 2025 đạt từ 18-20 tỷ đồng; phấn đấu năm 2025 giải quyết việc làm cho 150 lao động…; cùng với khắc phục những hạn chế, tồn tại, trong định hướng phát triển năm 2023 và những năm tiếp theo, huyện Quế Phong tiếp tục xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ trong lĩnh vực du lịch, trong đó, tập trung hỗ trợ bảo tồn văn hóa, khôi phục làng nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn để tạo ra sản phẩm phong phú, phục vụ nhu cầu tham quan của khách du lịch.
Chỉ đạo, nhân rộng nhiều hộ gia đình thực hiện mô hình du lịch cộng đồng homestay tại bản Cọ Muồng, xã Châu Kim và bản Long Thắng, xã Hạnh Dịch. Đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quản lý và phục vụ hoạt động du lịch; đào tạo các kỹ năng cần thiết cho người dân tham gia làm du lịch cộng đồng…
Chú trọng xây dựng các tour, tuyến, gồm: Tuyến 1: Đền Chín gian – Thác Xao Va – Thác Bảy tầng – Khám phá trải nghiệm quần thể cây samu – Bản Long Thắng (Làng Thái cổ). Tuyến 2: Đền Chín gian – Famrstay Nhật Minh – Điểm du lịch cộng đồng tại bản Cọ Muồng – Lòng hồ Thủy điện Hủa Na.