Quy hoạch cán bộ: đúng nhưng có trúng?
Câu chuyện “chồng quy hoạch vợ” mới đây làm dậy lên trong dư luận việc quy hoạch, bổ nhiệm, cất nhắc cán bộ trong bộ máy nhà nước. Câu hỏi đặt ra là: việc quy hoạch này là đúng (quy trình) nhưng liệu có trúng (chọn người)?
Ông Nguyễn Đình Hương (nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương): Kêu gọi sự liêm sỉ, lòng tự trọng là vô vọng
Gần đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần nhắc đi nhắc lại rằng trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ phải “tìm người tài chứ không phải tìm người nhà”. Tôi chờ đợi ở Thủ tướng và Chính phủ giải pháp thực hiện vấn đề này để triết lý “tìm người tài” cho bộ máy phát huy tác dụng, đi vào thực tế, chứ không phải chỉ dừng lại ở sự hô hào hoặc kêu gọi đạo đức.
Chúng ta có ba phương pháp để lấy người vào bộ máy: một là bầu cử, hai là thi tuyển, ba là bổ nhiệm. Đến nay, phương pháp bổ nhiệm tạo ra nhiều kẽ hở nhất, dễ lạm dụng nhất, bị kêu nhiều nhất, tiêu cực nhất.
Bầu cử là phương pháp hay, thực hiện với một số vị trí, nhưng gần đây nghe nói cũng có chuyện “chạy” rồi, ít ra thì với những biểu hiện như vừa rồi (bầu cử Quốc hội có những trường hợp phải xóa tên vì những vi phạm khác nhau) dư luận có quyền nghi ngờ về sự mờ ám trong đó.
Hay dư luận vẫn đồn đoán, thì thầm trong mỗi mùa đại hội Đảng tình trạng “vận động” chỗ này, chỗ kia; cho người này, người khác.
Tôi cho rằng phương pháp thi tuyển công khai, minh bạch với các tiêu chuẩn, tiêu chí rõ ràng, có sự giám sát chặt chẽ của công luận là chìa khóa trong công tác cán bộ.
Khi đó, “người nhà” của bất kỳ ai miễn thật sự tài năng, xứng đáng, vượt qua các ứng cử viên khác để được quy hoạch, bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo một cách công khai, minh bạch thì chắc rằng dư luận sẽ không xì xào.
Tất nhiên với những loại cơ quan, đơn vị mà xét thấy không nên để tình trạng có người nhà cùng làm lãnh đạo, người nhà cùng giữ các vị trí quan trọng thì pháp luật cần có quy định cấm thật rõ ràng.
Tôi tham gia làm công tác nhân sự từ Đại hội III của Đảng và có nửa thế kỷ gắn bó với công việc này. Có lần một lãnh đạo cao cấp của Đảng hỏi tôi tại sao trước đây không có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo con cái các đồng chí lãnh đạo để đưa vào Trung ương, Ban Bí thư, Bộ Chính trị?
Tôi trả lời rằng trong rất nhiều năm, Bộ Chính trị không có chủ trương ấy nên nhiều con cái các vị tiền bối, con cái các đồng chí giữ trọng trách cao của Đảng và Nhà nước cũng vẫn làm những việc bình thường, ở những vị trí công tác bình thường.
Nhưng đó là thời xưa, các vị lãnh đạo tiền bối luôn có ý thức giữ gìn, không lợi dụng địa vị của mình để vinh thân phì gia.
Ngày nay điều kiện kinh tế - xã hội đã khác, nhiều người thấy rằng chức tước gắn với bổng lộc nên người ta giành ghế, giành chỗ cho thân thích của mình, như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra thực trạng “thứ nhất hậu duệ, thứ nhì quan hệ, thứ ba tiền tệ, thứ tư mới đến trí tuệ” trong công tác cán bộ.
Chính vì vậy, vấn đề không thể chỉ giải quyết bằng hô hào đạo đức, kêu gọi sự liêm sỉ, kêu gọi lòng tự trọng của người ta. Đó là vô vọng. Phải đi vào phân tích nguyên nhân, rồi từ đó đưa ra các biện pháp đúng, mạnh mẽ, quyết liệt mới làm được.
Chống tham nhũng, tiêu cực nói chung và chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ nói riêng không thể thành công nếu chỉ dừng lại ở hô hào, kêu gọi.
Ông Giản Tư Trung (Viện IRED): Không có lương tâm thì quy trình cũng vô hiệu
Đọc các câu chuyện về việc quan chức bổ nhiệm vợ, con và đều trả lời rằng: đó là việc “đúng quy trình” (ý nói là “đúng luật”).
Chưa bao giờ mà cụm từ này lại được sử dụng phổ biến như hiện nay. Sẽ rất tai họa nếu “đúng quy trình” nhưng lại “phản khoa học” và “vô lương tâm”. Do vậy, tôi nghĩ đến hai phương diện của vấn đề: lương tâm và khoa học. Không có lương tâm thì quy trình, luật pháp đều có thể bị vô hiệu, bị bẻ cong, thậm chí bẻ gãy.
Về lương tâm: mỗi người, mỗi vị trí có những giá trị của nó, và đi cùng với giá trị là chuẩn mực. Làm dân có giá trị và chuẩn mực của người dân. Làm quan có giá trị và chuẩn mực của quan. Tôi nghĩ rằng khi ký các quyết định bổ nhiệm ấy, chắc hẳn các vị đã biết rằng nó sẽ gây ra nhiều thị phi, cho dù có “đúng quy trình”, cho dù có hợp với lương tâm của người ký.
Về khoa học: khi trả lời báo chí “đúng quy trình”, thì thật ra nhà báo, người đọc và người dân vẫn không hề được biết quy trình ra sao và thế nào là đúng. Việc bổ nhiệm công chức trong hệ thống nhà nước thật sự như một “hội kín” đối với những người đứng ngoài quan sát như chúng tôi.
Trong các nhà nước dân chủ, người ta có thể phân biệt rất rõ ràng ba đối tượng: chính khách, quan chức và công chức. Chính khách là sản phẩm dân cử. Quan chức là sản phẩm bổ nhiệm. Công chức, viên chức là sản phẩm tuyển dụng.
Hầu hết quy trình đều có tính khoa học, khi thực hiện đều công khai, minh bạch và con người thực thi cũng yêu cầu có lương tri và lòng tự trọng. Và nếu phát hiện sai sót, vị trí một viên chức có thể bị sa thải, chức vụ một quan chức có thể bị bãi nhiệm và sự nghiệp của một chính khách có thể bị suy sụp.
Chúng ta đang nỗ lực xây dựng một xã hội dân chủ, nhà nước dân chủ. Câu chuyện bổ nhiệm trong gia đình có thể là nhỏ trong dòng thời sự nhưng là không nhỏ với mục đích dân chủ. Cần phải làm rõ câu chuyện cụ thể này để người dân có thể yên lòng với người công chức, quan chức sẽ có thể có quyết định ảnh hưởng đến mình.
Và cần hơn là xây dựng một quy trình bổ nhiệm có tính khoa học và thực thi quy trình công khai, minh bạch để những lần bổ nhiệm sau này không còn gây ra những thắc mắc, thị phi.
Ông Vũ Quốc Hùng (nguyên Phó Chủ nhiệmỦy ban Kiểm tra trung ương): Phải “soi” cả người có quyền cất nhắc cán bộ
Phải tuyển chọn cán bộ, hiền tài công khai, minh bạch. Chứ bây giờ bầu cử, tiến cử hay thi tuyển cũng chỉ là hình thức, không thực chất.
Cứ nói là đúng quy trình, nhưng quy trình là thế nào? Vì nay cứ lấy mác là dân chủ, tức lấy phiếu tín nhiệm nhưng thủ trưởng đưa người thân vào thì cơ quan có mấy người dám nói ngược? Nay xu thế nể nang, né tránh là khá phổ biến, nên khi người thân thủ trưởng được đặt vào đấy thì mấy người dám nói ngược. Mà nói ngược liệu có bình an? Ai cũng sợ.
Tuy là quy trình, đúng quy trình nhưng chất lượng không đảm bảo, không dân chủ, minh bạch, công khai. Muốn làm thì phải thực hiện công khai, dân chủ, minh bạch và phải có những cơ quan, những người làm công tác tổ chức cán bộ được tuyển chọn kỹ càng.
Bây giờ cần phải chấn chỉnh, rà soát những cơ quan và những cá nhân làm công tác cán bộ để họ phải thật sự là những người có hai phẩm chất: trong sáng, vô tư, không vụ lợi và đồng thời phải có trình độ, phương pháp đánh giá, phương pháp tiếp cận với thực tế, với quần chúng để nắm bắt những con người này.
Lúc này, hoạt động kiểm tra, giám sát là cần thiết hơn lúc nào hết. Giám sát ngay cả các thủ trưởng; những người có quyền đề bạt, cất nhắc cán bộ phải rà soát dưới “ống kính” nghị quyết trung ương 4 khóa XI. Đồng thời phải nắm lại các cơ quan chức năng, rà soát từ trung ương đến địa phương.
Theo tôi, phải rà soát từ trung ương, nhất là những người có quyền cất nhắc cán bộ, xem chính những người đó có đủ phẩm chất hay không...
Theo Tuổi trẻ