Nhận thức được tầm quan trọng của việc thực hiện Đề án 06, cấp ủy, chính quyền các cấp ở Nghệ An đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo việc thực hiện trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 23-CT/TU ngày 27/5/2023 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đẩy mạnh thực hiện Đề án 06/CP trên địa bàn tỉnh năm 2023 và những năm tiếp theo. Qua đó, đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, với vai trò nòng cốt của lực lượng Công an địa phương, tham gia triển khai tích cực, đã tạo chuyển biến rõ từ nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhân dân.
Hiện nay, một số dịch vụ công trong Đề án 06 được triển khai đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi, rút ngắn thời gian cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh như: Đăng ký thường trú, tạm trú, tạm vắng, lưu trú; cấp và cấp lại, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu; đăng ký, cấp biển số xe mô tô, xe gắn máy; cấp đổi giấy phép lái xe qua mạng; thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ…
Nghệ An cũng đã cơ bản hoàn thành việc làm sạch dữ liệu dân cư với các dữ liệu chuyên ngành với 1.505.917 trường hợp. Cấp tài khoản an sinh cho 100.172 hộ nghèo, hộ cận nghèo có đủ điều kiện. Ngoài ra, mở tài khoản và chi trả qua tài khoản cho các đối tượng người có công với cách mạng là 15.239 tài khoản với số tiền 8,443 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các nền tảng số, phần mềm dùng chung của tỉnh đều được triển khai trên các nền tảng điện toán đám mây bảo đảm vận hành hiệu quả, an toàn thông tin.
Trong tháng 7/2023, tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến toàn tỉnh đạt mức trung bình trên 51%. Các dịch vụ công thiết yếu được tiếp nhận qua Cổng Dịch vụ công đạt mức cao 62.950/80.935 hồ sơ, đạt gần 78%. Trong đó, một số lĩnh vực đạt từ 95% đến 100% như nhóm lĩnh vực cư trú, thu tiền nộp phạt hành chính, đăng ký cấp biển số xe mô tô, xe gắn máy, cấp hộ chiếu, thủ tục làm con dấu thuộc ngành Công an; lĩnh vực điện lực; đăng ký thi tốt nghiệp… Nhóm lĩnh vực Tư pháp đạt 90% với các thủ tục đăng ký khai sinh, khai tử, kết hôn.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng việc thực hiện Đề án 06 và chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế. Với một tỉnh có diện tích lớn nhất nước, dân số đông, thu nhập người dân khá thấp, ngân sách còn hạn chế thì nguồn lực đầu tư cho ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin của Nghệ An còn nhiều khó khăn.
Mặt khác, khả năng tiếp cận thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin của người dân còn hạn chế nên số lượng hồ sơ của người dân, doanh nghiệp nộp giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến chưa cao. Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện chuyển đổi số nói chung, các hoạt động sử dụng nền tảng số, hợp đồng điện tử, nộp thuế điện tử, sàn thương mại điện tử còn nhiều hạn chế.
Vì vậy, Nghệ An xác định cần phát huy tối đa vai trò của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Bộ phận Một cửa các cấp, các Tổ tuyên truyền Đề án 06, Tổ công nghệ số cộng đồng, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích trong việc hướng dẫn, hỗ trợ người dân nâng cao kỹ năng số và thực hiện dịch vụ công trực tuyến, thay đổi thói quen sử dụng hồ sơ giấy sang sử dụng hồ sơ điện tử, từng bước hình thành công dân số, xã hội số. Tập trung chỉ đạo nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, đảm bảo năm 2023 tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến trên 80%.
Từ thực tiễn triển khai dịch vụ công trực tuyến thời gian qua, có thể nhận thấy thói quen ngại thay đổi là một trong các rào cản lớn nhất. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cần gương mẫu, đi đầu, quyết liệt, sáng tạo, tự mình sử dụng dịch vụ công trực tuyến của mình làm ra. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh truyền thông và phát huy vai trò Tổ công nghệ số cộng đồng để “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, hướng dẫn từng người dân, hộ gia đình kỹ năng ứng dụng công nghệ số.
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục vận hành có hiệu quả Trung tâm Điều hành đô thị thông minh tỉnh Nghệ An (IOC) cùng với tiếp tục triển khai Đề án thí điểm xây dựng Đô thị thông minh tỉnh Nghệ An giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030. Mặt khác, tỉnh sẽ đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, đặc biệt là ở các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa. Xây dựng dữ liệu số bảo đảm tập trung, kết nối, liên thông thông qua việc đưa vào vận hành kho dữ liệu số dùng chung của tỉnh, kết nối liên thông các ngành, địa phương; thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương phát triển kinh tế số, từng bước xây dựng xã hội số.