Quyết liệt phòng, chống bệnh cúm gia cầm
(Baonghean.vn) - Trước nguy cơ xảy ra dịch bệnh cúm gia cầm (CGC) A/H5N8, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các địa phương tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh.
Nguy cơ dịch CGC rất cao
Theo thông tin của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hiệp quốc (FAO), từ năm 2014 đến nay, chủng vi rút Cúm gia cầm (CGC) thể độc lực cao A/H5N8 đã xuất hiện, gây bệnh trên gia cầm (giai đoạn đầu chủ yếu xảy ra ở chim hoang dã), sau đó lây lan nhanh, ở phạm vi rất rộng và gây dịch bệnh trên gia cầm nuôi.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An và các ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra phòng, chống dịch cúm gia cầm. Ảnh tư liệu: Kim Dung |
Tính đến tháng 6/2021, trên thế giới có tổng cộng 2.757 ổ dịch do chủng vi rút CGC A/H5N8 gây ra tại 64 quốc gia, vùng lãnh thổ, chiếm gần 70% trong tổng số các ổ dịch CGC do các chủng vi rút khác nhau gây ra. Trong tháng 02/2021, có 7 người tại Liên bang Nga được xác định nhiễm vi rút cúm A/H5N8 với các triệu chứng nhẹ (theo Tổ chức Y tế thế giới, đến nay chưa có bằng chứng về vi rút CGC A/H5N8 lây từ người sang người).
Tại Việt Nam, theo thông báo của Cục Thú y từ đầu tháng 6/2021 đến nay đã phát hiện chủng vi rút CGC A/H5N8 tại 05 tỉnh: Hòa Bình, Cao Bằng, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, TP. Hà Nội. Ngoài ra, chương trình giám sát của tỉnh Thanh Hóa tại các chợ buôn bán gia cầm sống từ ngày 12-16/7/2021 đã phát hiện 3/15 mẫu dương tính với vi rút cúm A/H5N8.
Ông Nguyễn Viết Lương - Trưởng phòng Quản lý dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An cho hay: Trong thời gian tới, nguy cơ dịch CGC A/H5N8 xảy ra trên địa bàn tỉnh Nghệ An là rất cao, do tổng đàn gia cầm toàn tỉnh lớn (hiện có trên 28 triệu con) nhưng chủ yếu chăn nuôi nông hộ, thả đồi, thả đồng, trong khi đó tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin CGC rất thấp. Cùng với đó, thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài ảnh hưởng đến sức đề kháng của gia cầm; hoạt động vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm thường xuyên, có nhiều chợ buôn bán gia cầm sống; đường truyền lây lại đa dạng, khó kiểm soát do các loài chim hoang dã có thể nhiễm vi rút CGC A/H5N8 từ địa phương khác di chuyển vào Nghệ An tiếp xúc trực tiếp gây bệnh cho gia cầm nuôi... Để chủ động ngăn chặn, hạn chế thấp nhất dịch bệnh CGC A/H5N8 xâm nhiễm và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, giảm thiểu thiệt hại cho ngành chăn nuôi, UBND tỉnh và các cấp, ngành liên quan đã triển khai các giải pháp kịp thời, cụ thể để kiểm soát, phòng, chống bệnh CGC A/H5N8 và các chủng vi rút CGC thể độc lực cao.
Thực hiện nghiêm “5 không”Thực hiện Công điện khẩn số 23/CĐ-UBND ngày 13/7/2021 của UBND tỉnh về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh cúm gia cầm A/H5N8 và các chủng vi rút cúm gia cầm thể độc lực cao khác, Sở Nông Nghiệp và PTNT, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã có các văn bản đề nghị UBND cấp huyện chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm DVNN huyện, các phòng ngành liên quan, UBND cấp xã tăng cường theo dõi, kiểm soát chặt chẽ gia cầm ra, vào địa bàn để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc; chủ động giám sát dịch bệnh, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp gia cầm ốm, chết, nghi mắc bệnh CGC; thành lập Đoàn kiểm tra về công tác phòng, chống dịch bệnh động vật; thực hiện các giải pháp chống dịch theo đúng quy định...
Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh cho gia cầm tại xã Diễn Trung (Diễn Châu). Ảnh tư liệu: Kim Dung |
Đồng thời, Chi cục Chăn nuôi và Thú y cũng đã ban hành Hướng dẫn số 604/HD-CNTY ngày 23/7/2021, hướng dẫn cụ thể các biện pháp phòng, chống bệnh CGC A/H5N8 và các chủng vi rút CGC thể độc lực cao.
Trong công tác phòng, chống bệnh cúm gia cầm, Nghệ An chú trọng việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm “5 không”: Không dấu dịch, khi có hiện tượng gia cầm bị ốm, chết bất thường phải báo ngay cho chính quyền địa phương để lấy mẫu xét nghiệm; Không bán chạy gia cầm bị bệnh; Không vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm bị bệnh; Không ăn thịt gia cầm ốm chết không rõ nguồn gốc; Không vứt gia cầm ốm chết ra ngoài môi trường xung quanh.
Một vấn đề khó khăn hiện nay trong công tác ngăn chặn, hạn chế thấp nhất dịch bệnh CGC A/H5N8 là tổng đàn gia cầm toàn tỉnh hiện có trên 28 triệu con, nhưng tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin CGC rất thấp. Trong khi đó, để phòng, chống dịch CGC hiệu quả thì công tác tiêm phòng vắc-xin CGC là quan trọng nhất, là giải pháp hàng đầu nhằm tạo miễn dịch chủ động cho đàn gia cầm.
Vì vậy, thời gian tới, sẽ tập trung rà soát, tổ chức tiêm vắc-xin CGC, bảo đảm đạt tỷ lệ trên 80% tổng đàn và thường xuyên tiêm phòng bổ sung cho đàn gia cầm mới phát sinh, chưa được tiêm phòng, hết thời gian miễn dịch. Trong quá trình thực hiện, sẽ sử dụng các loại vắc-xin CGC đang được phép lưu hành tại Việt Nam và phù hợp với chủng vi rút gây bệnh đang lưu hành trên địa bàn theo khuyến cáo của ngành Thú y.
Tập huấn kỹ thuật tiêm vắc-xin phòng bệnh cho gia cầm. Ảnh tư liệu: Kim Dung |
Song song với đó, hướng dẫn chủ chăn nuôi gia cầm tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thường xuyên vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất và tổ chức tốt tháng tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng đợt 2 để tiêu diệt mầm bệnh; tuyên truyền người dân theo dõi sức khỏe đàn gia cầm; chấp hành việc tiêm phòng theo đúng quy định; chủ động giám sát phát hiện, đấu tranh, không tiếp tay cho các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu; mua gia cầm giống tại cơ sở có uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, đã qua kiểm dịch; không ăn tiết canh gia cầm và sử dụng sản phẩm gia cầm đã qua chế biến kỹ; có biện pháp không để chim hoang dã tiếp xúc với đàn gia cầm...
Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trong việc triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh CGC A/H5N8 và các chủng vi rút CGC, nhưng công tác này luôn được các cấp, ngành, người dân quan tâm, ủng hộ, thực hiện theo đúng quy định của Luật Thú y và Quyết định số 1116/QĐ-UBND ngày 09/4/2019 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch phòng, chống bệnh CGC trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2019 – 2025, các ổ dịch xảy ra đều được bao vây, khống chế trong diện hẹp. Thời gian tới, cơ quan Thú y tiếp tục theo dõi chặt chẽ, tổng hợp tình hình bệnh gia cầm trên địa bàn tỉnh để kịp thời báo cáo, tham mưu phòng chống dịch phù hợp, hiệu quả; đồng thời chủ động vật tư, vắc-xin, hóa chất đầy đủ để xử lý ổ dịch. Căn cứ tình chất dịch tễ của các ổ dịch CGC, sẽ lựa chọn vắc-xin phù hợp hướng dẫn địa phương tiêm phòng cho đàn gia cầm hiệu quả. Tổ chức thực hiện nghiêm việc kiểm dịch tại gốc, kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm theo quy định để hạn chế lây lan dịch bệnh
Các tổ chức, cá nhân chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển gia cầm áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, con giống đảm bảo nguồn gốc, được kiểm soát của cơ quan thú y. Tự bỏ kinh phí tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh cho gia cầm theo Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT. Thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi và báo cáo ngay chính quyền địa phương khi có các trường hợp gia cầm ốm, chết nghi mắc bệnh CGC. Không tổ chức, tham gia, tiếp tay cho các hoạt động buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, nhập lậu qua biên giới. Những tổ chức, cá nhân không chấp hành kê khai hoạt động chăn nuôi, tiêm phòng vắc-xin các bệnh theo quy định tại Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT, khi dịch xảy ra buộc tiêu hủy sẽ không được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước quy định tại Nghị định 02/2017/NĐ-CP, đồng thời bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 90/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.