Ra mắt tập 2 bộ tiểu thuyết ‘Nước non vạn dặm’

Mai Lữ 01/02/2023 16:18

Ngày 1/2, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp Nhà xuất bản Văn học tổ chức cuộc gặp mặt, trao đổi về tập 2 của bộ tiểu thuyết “Nước non vạn dặm” với tên gọi “Lênh đênh bốn biển” của PSG. TS. nhà văn Nguyễn Thế Kỷ.

Bộ tiểu thuyết “Nước non vạn dặm” khắc họa hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở 3 giai đoạn quan trọng của Người: Tuổi ấu thơ và tuổi thanh niên (1890 -1911); Ba mươi năm Người “đi tìm hình của nước”, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (1911-1941); Những năm tháng Người về nước, cùng Đảng ta, nhân dân ta đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân, đưa Việt Nam trở thành biểu tượng của khát vọng đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, là lương tri, phẩm giá của loài người (1941-1969).

Lễ ra mắt sách tại Hà Nội.

Tập 2 của bộ tiểu thuyết ra mắt công chúng đúng vào dịp toàn Đảng, toàn Dân ta đang náo nức kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2023). Đông đảo nghiên cứu, phê bình văn học, nghệ thuật; các nhà văn, nhà báo và bạn đọc đã tham dự sự kiện có ý nghĩa này.

Nếu tập 3 của bộ tiểu thuyết được hoàn thành (dự kiến vào cuối 2023, đầu 2024), thì đây là bộ tiểu thuyết đầu tiên phản ánh đầy đủ, sâu sắc và sinh động về thân thế, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là hình tượng Hồ Chí Minh, con người Hồ Chí Minh, con đường cách mạng Hồ Chí Minh của văn học Việt Nam đương đại.

PGS, TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật trung ương, nguyên Tổng biên tập Báo Nghệ An cho biết, cùng với bộ tiểu thuyết 3 tập, sẽ có 3 vở sân khấu cùng tên song hành, đã và sẽ ra mắt công chúng Hà Nội, Nghệ An, Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Huế và một số địa phương khác.

Tập một của bộ tiểu thuyết mang tên “Nợ nước non” viết về những năm tháng thơ ấu của Bác ở quê nhà, ở kinh thành Huế; tuổi thanh niên của Bác ở Huế, Bình Định, Phan Thiết, Sài Gòn… Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ không chỉ khắc họa thành công hình tượng Nguyễn Sinh Cung-Nguyễn Tất Thành trong bối cảnh lịch sử, xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, mà còn đi sâu luận giải, minh chứng những yếu tố văn hóa, chính trị, tư tưởng, xã hội đã hun đúc, rèn giũa nên Nguyễn Sinh Cung-Nguyễn Tất Thành để Người có chuyến đi lịch sử vạn dặm từ quê nhà Nghệ An đến kinh đô Huế đến bến cảng Sài Gòn, cho chuyến vượt trùng khơi cứu nước ngày 5/6/1911.

Như sau này Người kể lại “Tôi muốn đi ra nước ngoài xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào ta”.

Trưng bày tập 2 "Lênh đênh bốn biển" của bộ sách tại Lễ ra mắt.

Tập 2 “Lênh đênh bốn biển” khắc họa hình tượng Văn Ba-Nguyễn Ái Quốc ở Pháp, Anh, Mỹ, các nước châu Phi, tới Liên Xô, Trung Quốc, Thái Lan... cho tới ngày Người trở về Tổ quốc, ngày 28/1/1941. So với tập 1, khối lượng tư liệu, nhất là tính tư tưởng của tác phẩm, của nhân vật, sự kiện ở tập 2 lớn hơn, rộng hơn rất nhiều.

Ở Pháp, Văn Ba-Nguyễn Ái Quốc tham gia Đảng Xã hội Pháp năm 1918; chủ động, chủ trì cùng các nhà yêu nước Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường gửi “Yêu sách của nhân dân An Nam” đến Hội nghị Véc-xây (1919); viết “Bản án chế độ thực dân Pháp” (1920); bỏ phiếu tán thành Quốc tế thứ ba (Quốc tế Cộng sản), trở thành một trong những sáng lập Đảng Cộng sản Pháp (ngày 29/12/1920) và là người cộng sản đầu tiên của Việt Nam. Năm 1922, Người sáng lập báo “Người cùng khổ” (Le Paria), ngay bài viết cho số đầu tiên, Người khẳng định sứ mệnh tờ báo là “giải phóng con người”.

Dưới ngòi bút của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, ta thấy rõ hơn những năm ở trời Tây, Nguyễn Ái Quốc vừa vất vả lao động kiếm sống, vừa khao khát tìm kiếm con đường cứu nước, cứu dân, Người nhận rõ một sự thật đầy đau xót, căm hận: chính chủ nghĩa tư bản, bè lũ đế quốc thực dân là những kẻ gây ra mọi áp bức, bóc lột, đau khổ cho công nhân, nông dân và các tầng lớp khác ở các thuộc địa và ở ngay cả chính quốc.

Với hơn 220 trang sách của tập 2, người đọc sẽ có cái nhìn thấu đáo và có tính hệ thống, tính logic về những bước biến chuyển trong nhận thức, tư duy của một con người vĩ đại, theo cách giản dị nhất. Giản dị như cách mà người sống trong suốt cả cuộc đời mình. Nhiều sự kiện, nhân vật của tập này hầu như bạn đọc có biết đến ít nhiều gắn với cuộc đời hoạt động cách mạng Nguyễn Ái Quốc.

Nhưng cũng có những nhân vật, tình tiết giống như cách mà nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã triển khai trong tập 1, là nhân vật hư cấu. Họ được xây dựng tự nhiên và sắc nét, bằng thi pháp tiểu thuyết, với những tính cách sinh động, gần gũi đời thường trong các mối quan hệ với nhân vật trung tâm là Văn Ba, Nguyễn Ái Quốc, Lý Thụy, Hồ Quang, Tống Văn Sơ, Thầu Chín, ông Vương... Bằng thi pháp như vậy, tính cách, phẩm chất, tâm hồn đẹp đẽ của Nguyễn Ái Quốc được khắc hoạ một cách giản dị, gần gũi và thuyết phục.

“Lênh đênh bốn biển” là cuốn tiểu thuyết thứ 4 của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ. Trước khi bắt tay vào bộ tiểu thuyết này, ông đã từng có “Chuyện tình Khau Vai” (kịch bản sân khấu, năm 2013 và tiểu thuyết, 2019), “Hừng đông” (kịch bản sân khấu, năm 2016 và tiểu thuyết, 2020). Ông cho biết, mình chủ trương tiểu thuyết hóa kịch bản sân khấu và ngược lại bởi vì ông nhận thấy mỗi thể loại văn học và nghệ thuật có thế mạnh riêng, giọng điệu riêng, công chúng riêng.

Bộ tiểu thuyết “Nước non vạn dặm” về Chủ tịch Hồ Chí Minh là bộ sách ông tâm huyết nhất, nung nấu lâu dài, tích lũy tư liệu rất công phu, nghiêm cẩn. Ông hy vọng với bộ sách này, chân dung Hồ Chí Minh một lần nữa được khắc hoạ rõ nét hơn, sâu sắc, chân thật và sinh động-một con người giản dị và vĩ đại, cao đẹp mà lão thực, Người luôn bên ta, trò chuyện cùng ta, cùng ta đi về phía tương lai. Người sống thật hơn, đẹp hơn, gần gũi hơn trong “Nước non vạn dặm” và trong những cuốn sách mà văn học Việt Nam đã từng có.

Tập 3 của bộ tiểu thuyết “Nước non vạn dặm” (và phần 3 vở sân khấu cùng tên) dự kiến ra mắt công chúng vào cuối năm 2023.

Theo Theo nhandan
Copy Link
Mới nhất
x
Ra mắt tập 2 bộ tiểu thuyết ‘Nước non vạn dặm’
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO