Rà soát luật, chính sách về phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số
(Baonghean.vn) – Mới đây, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc (UBDT) phối hợp cơ quan của Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức Hội thảo “Tham vấn rà soát luật và chính sách về tình hình phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số”.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Hà Hùng và bà S.I-si-ca-oa, Trưởng cơ quan UN Women đồng chủ trì hội thảo. Hội thảo có sự tham gia của đại diện một số đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam; các tổ chức quốc tế; đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương và Ban Dân tộc các tỉnh khu vực miền bắc và miền trung.
Trẻ em Piêng Cọc, Mai Sơn, Tương Dương. Ảnh tư liệu: H.P |
Mặc dù trong những năm gần đây, những chuyển biến đáng kể trong phát triển kinh tế – xã hội đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS, nhưng đồng bào vẫn còn gặp không ít khó khăn. Đặc biệt, phụ nữ và trẻ em gái DTTS là nhóm dễ bị tổn thương và chịu nhiều thiệt thòi trong tiếp cận các chính sách và hưởng thụ thành quả của sự phát triển và hội nhập xu thế chung của toàn cầu hiện nay.
Phụ nữ miền núi là đối tượng còn chịu nhiều thiệt thòi trong tiếp cận chính sách. Ảnh tư liệu: Đ.Thọ |
Báo cáo rà soát luật và chính sách về phụ nữ và trẻ em gái DTTS được nghiên cứu dựa trên việc phân tích khuôn khổ luật pháp và chính sách của Việt Nam về quyền của nhóm đối tượng này từ các quan điểm của chuẩn mực quốc tế về nhân quyền; các khuyến nghị cụ thể có tính đến tình hình Việt Nam và thực trạng phụ nữ và trẻ em gái DTTS gặp nhiều thiếu thốn và bất bình đẳng.
Dự thảo báo cáo nhìn nhận và đánh giá đối với 30 chỉ số về chính sách/pháp luật trên 5 lĩnh vực chủ yếu: Tiếp cận giáo dục; bạo lực trên cơ sở giới (tảo hôn); chăm sóc sức khỏe sinh sản; bình đẳng giới trong quan hệ hôn nhân và gia đình; tiếp cận đất đai (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất).
Các đại biểu cũng đề xuất một số giải pháp cụ thể vào nội dung của báo cáo như: Ðể nâng cao quyền tham chính của phụ nữ vùng DTTS cần phải hoàn thiện các quy định về bầu cử, xây dựng luật dân tộc để bảo đảm quyền bình đẳng chính trị giữa các dân tộc và của phụ nữ DTTS, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị cho phụ nữ DTTS để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác tại cơ sở và quan tâm các vấn đề liên quan đến quyền phụ nữ và trẻ em gái DTTS…
T.V (tổng hợp)