Rằm tháng Bảy giữa đại dịch Covid - 19
(Baonghean.vn) - Từ xưa Rằm tháng Bảy đi vào tâm thức của người Việt như một trong những ngày lễ quan trọng nhất. Năm nay, trong điều kiện dịch bệnh Covid- 19 đang diễn biến phức tạp, việc đón Rằm, ăn Rằm của người dân trong tỉnh đã có nhiều thay đổi.
Thực hiện nghiêm phòng chống dịch
Nhằm đảm bảo an toàn cho người dân trong dịp lễ Vu Lan – Rằm tháng Bảy, các địa phương đã ra nhiều văn bản hướng dẫn người dân tổ chức đón Rằm, ăn Rằm phù hợp với tình hình mới với quy mô gọn nhẹ, không tổ chức tập trung đông người, đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp chống dịch.
Đường quê vắng lặng trong ngày Rằm tháng 7 ở xã Võ Liệt, Thanh Chương. Ảnh: Huy Thư |
Anh Đậu Văn Thắng, Bí thư Đoàn xã Nghi Thiết (Nghi Lộc) cho biết: Năm nay, trên địa bàn có 1 ca nhiễm Covid – 19, tình hình phức tạp, việc đón Rằm của người dân cũng khác hơn. Các gia đình ở đây chỉ mua sắm, chuẩn bị lễ vật, thắp hương theo phong tục cổ truyền, không tổ chức rình rang như mọi năm. Không khí ngày Rằm ở làng biển im ắng trong nỗi lo dịch bệnh.
Với người dân quê lúa Yên Thành, việc đón Rằm năm nay cũng không ngoại lệ, anh Nguyễn Đại Phước ở xã Bắc Thành cho biết: Trên địa bàn xã hiện đang lập nhiều chốt phòng dịch, riêng xóm 4 nơi tôi ở có tới 9 điểm chốt. Những ngày này, tôi và mẹ đều tham gia trực chốt trong xóm, nhằm kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện chỉ thị 16 trên địa bàn – anh Phước chia sẻ.
Mâm ngũ quả cúng gia tiên cây nhà lá vườn tại xã Khánh Sơn (Nam Đàn). Ảnh: Huy Thư |
Tại huyện miền núi Thanh Chương, việc đón Rằm, ăn Rằm tháng 7 cũng được tổ chức nội bộ. Ông Hoàng Phi Hùng ở xã Võ Liệt cho biết: Năm trước con cháu về đông vui chuẩn bị thực phẩm nhiều, nay mỗi mình tôi ở nhà thì chuẩn bị ít, nhưng cũng làm đầy đủ 2 mâm cỗ lễ để cúng gia tiên đúng theo nghi thức truyền thống.
Việc tổ chức lễ tế ở nhà thờ họ cũng như cúng tế, dâng hương ở các di tích trên địa bàn đã được UBND huyện Thanh Chương quy định chặt chẽ. Tại các nhà thờ họ không tổ chức tế lễ, chỉ bố trí người đại diện đến thắp hương. Các di tích, các điểm thờ tự trong huyện đóng cửa cho đến khi có thông báo mới, ngày Rằm tháng 7, ban quản lý di tích chỉ cử 1 người đến thắp hương.
Bàn thờ đơn sơ cúng Rằm tháng 7 ở một nhà thờ họ. Ảnh: Huy Thư |
Ông Trần Hồng Phong (74 tuổi) ở xã Đại Đồng chia sẻ: Họ Trần chúng tôi có gần 1000 nhân khẩu, những năm trước, mỗi dịp Rằm tháng 7, tổ chức tế tổ đông vui, nay thực hiện đúng công văn của huyện, ngày Rằm chỉ có tôi – trưởng ban họ tộc đến dâng hương.
Được biết, trên địa bàn huyện Thanh Chương hiện đã có 9 ca nhiễm Covid 19, tất cả đều từ miền Nam về và đã được cách ly ngay khi đặt chân đến quê nhà. Trong quá trình thực hiện chỉ thị 16, Chủ tịch UBND huyện yêu cầu Ban chỉ đạo phòng chống dịch từ huyện đến cơ sở cùng lực lượng chức năng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng để bà con nhân dân thực hiện tốt chỉ thị. Đồng thời tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm minh những trường hợp cố tình vi phạm.
Một âm cơm cúng ngày Rằm mùa dịch ở Thanh Chương. Ảnh: Huy Thư |
Ông Trần Võ Hiệp – Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Đồng cho biết: “Xã thành lập 2 tổ tuần tra, riêng lực lượng Ban công an trực 100% quân số 24/24h, nhằm tuần tra, kiểm soát và nhắc nhở nhân dân thực hiện nghiêm chỉ thị 16; xử lý dứt điểm các trường hợp cố tình vi phạm. Đêm 14 và ngày 15/7 âm lịch, anh em tuần tra thường xuyên, đột xuất, liên tục. Tập trung chủ yếu việc thực hiện các quy định trong thời gian áp dụng chỉ thị 16, kiểm tra việc chấp hành tại các nhà thờ của các dòng họ trong việc tổ chức lễ Vu lan Rằm tháng 7. Giám sát nghiêm túc đối với các công dân đang cách ly tại nhà… Với quyết tâm cao, hành động quyết liệt vì sự an toàn chung của cộng đồng.
Giữ gìn phong tục trong tình hình mới
Bàn thờ Rằm tháng 7 của một gia đình tại TP Vinh. Ảnh: Nguyễn Hữu |
Các gia đình tự tổ chức đón Rằm, ăn Rằm trong khuôn khổ nội tại. Một không gian Rằm tháng 7 đặc biệt nhất từ trước tới nay đang hiện hữu trên khắp các miền quê xứ Nghệ.
Thực hiện quy định nhà thờ họ chỉ có 1 - 2 người dâng hương dịp Rằm tháng 7. Ảnh: Huy Thư |
Anh Nguyễn Văn Hữu ở xã Xuân Lam (Hưng Nguyên) cho hay: Trên địa bàn có 2 ca nhiễm Covid- 19, các cấp chính quyền tập trung cho mặt trận chống dịch, hoạt động thiện nguyện giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn… Việc đón Rằm được các gia đình tổ chức đơn giản, mang tính nghi thức, thủ tục truyền thống là chủ yếu.
Ngày lễ Vu Lan - Rằm tháng Bảy mùa dịch, nhìn chung người dân ở các địa phương đều chấp hành nghiêm các quy định phòng dịch, nhưng đâu đó vẫn còn một số công dân thực hiện chưa nghiêm chỉ thị 15, 16 đã bị các lực lượng chức năng nhắc nhở, thậm chí bị phạt nặng để răn đe mọi người.
Một gia đình ở xã Thanh Phong (Thanh Chương) nấu bánh chưng dịp Rằm tháng Bảy trao tặng lực lượng làm nhiệm vụ chống dịch tại địa phương. Ảnh: Huy Thư |
Với khẩu hiệu “ai ở đâu thì ở yên đó”, “chống dịch như chống giặc”, việc đón Rằm tháng Bảy năm nay với nhiều người con xa quê, ở cả trong và ngoài nước cũng khác mọi năm.
Tại TP Vinh, nhiều người ở lại phố phường làm mâm cỗ đón Rằm nơi phòng trọ... Anh Nguyễn Hữu Hùng (35 tuổi) quê Thanh Chương chia sẻ: “Lần đầu tiên trong đời tôi đón một Rằm tháng Bảy xa nhà. Sáng nay vợ chồng tôi tự tay làm mâm cỗ cúng đơn sơ. Trong căn nhà nhỏ ở TP Vinh, tôi tự soạn và đọc lời văn khấn thổ thần và cúng vọng ông bà, tổ tiên, cầu mong các cụ phù hộ độ trì cho sức khỏe bình an, dịch bệnh sớm tiêu trừ, tai qua nạn khỏi…".
Các lực lượng chức năng xã Thanh Đồng (Thanh Chương) sẵn sàng làm nhiệm vụ phòng chống dịch. Ảnh: Huy Thư |
Rằm tháng Bảy – Tết Trung nguyên – lễ Vu Lan báo hiếu là ngày để mọi người hướng về nguồn cội, gia đình, quê hương, dòng tộc với tình cảm thiêng liêng. Trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc làm Rằm, ăn Rằm tháng Bảy của người dân các địa phương trong tỉnh đã phải thay đổi ít nhiều, về quy mô, cách thức để phù hợp với tình hình mới, vừa góp phần gìn giữ truyền thống văn hóa, vừa bảo đảm không làm lây lan dịch bệnh, an toàn cho mọi người, cho gia đình và cộng đồng xã hội.