Kinh tế

Rau trái vụ ở Nghệ An: Trồng khó, tiêu thụ dễ

Thanh Phúc 21/08/2024 12:38

Nhiều năm nay, người dân Nghệ An đã biết khắc phục những bất lợi của thời tiết nắng nóng, khô hạn để trồng rau trái vụ, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Mùa hè nhưng vườn bà Hợi vẫn xanh mướt với các loại rau trái vụ: cần tây, su hào, cà rốt... Ảnh: T.P
Mùa Hè nhưng vườn nhà bà Cao Thị Hợi ở xã Nghi Long (Nghi Lộc) vẫn xanh mướt các loại rau trái vụ: cần tây, su hào, cà rốt... Ảnh: T.P

Với diện tích 1.000m2 đất vườn, trước đây, gia đình bà Cao Thị Hợi ở xã Nghi Long (Nghi Lộc) quen với việc trồng rau, củ “mùa nào thức nấy”. Trồng rau theo đúng mùa vụ, dễ trồng, dễ chăm sóc, rau sinh trưởng nhanh nhưng lại khó tiêu thụ, giá bán thấp. Có những năm, vụ Đông Xuân cả trăm cái bắp cải, gần 1 tạ cà rốt, su hào thu hoạch không bán được phải chặt bỏ cho gia súc ăn.

Khoảng 3 năm lại nay, xác định, phát triển kinh tế vườn hộ để có “đồng ra, đồng vào”, tăng thu nhập nên gia đình bà cải tạo lại vườn, phân ô, thửa và đầu tư hệ thống béc tưới phun tự động; tưới ngầm. Chủ động được nước tưới nên bà quyết định trồng rau trái vụ.

 mùi trái vụ có giá 4.000 đồng/bó, cao gấp 6-8 lần so với chính vụ. Ảnh: T.P
Rau mùi trái vụ có giá 4.000 đồng/bó, cao gấp 6-8 lần so với chính vụ. Ảnh: T.P

Mặc dù thời điểm này, nắng bỏng rát nhưng trên diện tích 2 sào đất vườn của gia đình bà bao phủ màu xanh mướt mát của các loại rau như cần tây, rau mùi, cải… “Mọi năm, những ngày nắng hạn này là vườn xơ xác, chỉ trồng mỗi rau ngót với rau muống cạn nhưng khó bán vì nhà nào cũng có.

Ba năm nay, chủ động được nước tưới nên tôi chuyển sang trồng các loại rau trái vụ như su hào, bắp cải, rau cải các loại… Hàng ngày, thu hoạch xong có thương lái trong xã đến thu mua toàn bộ, giá cao gấp 3 lần so với rau chính vụ”, bà Hợi phấn khởi.

Xây dựng nhà lưới với diện tích gần 1.000 m2, liên tục 2 năm nay, ông Ngô Sỹ Tuấn ở Diễn Xuân (Diễn Châu) chủ yếu trồng luân phiên rau mùi ta, rau xà lách theo hướng hữu cơ để bán ra thị trường. Mặc dù sản xuất quanh năm, song theo ông Tuấn thì khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 9 hàng năm là giai đoạn rau được giá nhất, lợi nhuận cao nhất.

Các loại rau cải chỉ thích hợp với vụ đông xuân nhưng chính vụ, giá rau chỉ khoảng 1.000-1.500 đồng/bó, trong khi đó, hiện nay, 1 bó cải có giá 8-10.000 đồng/bó. Ảnh: T.P
Các loại rau cải chỉ thích hợp với vụ đông xuân, nhưng chính vụ, giá rau chỉ khoảng 1.000-1.500 đồng/bó, trong khi đó, hiện nay, 1 bó rau cải có giá 8.000 -10.000 đồng. Ảnh: T.P

“Đúng vụ thì bó rau mùi chỉ 500-700 đồng, rau xà lách 10.000 đồng/kg nhưng trái vụ thì bó rau mùi có thời điểm lên 3.000-4.000 đồng, xà lách lên đến 30.000-40.000 đồng/kg. Làm rau trái vụ thì công chăm sóc lớn, vất vả hơn nhưng lợi nhuận cao hơn”, ông Tuấn chia sẻ.

Không riêng gì các hộ nhỏ lẻ mà ở các vùng màu trong tỉnh như: Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nam Đàn, Nghi Lộc… nông dân cũng đã tìm cách khắc chế sự khắc nghiệt của thời tiết để trồng rau trái vụ, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Hồ Mậu Tuấn - đại diện hợp tác xã Nông diêm nghiệp và Dịch vụ nông nghiệp xã Quỳnh Minh cho biết: “Quỳnh Minh là xã vùng màu trọng điểm của huyện Quỳnh Lưu, cung ứng rau cho thị trường nội tỉnh và các tỉnh miền Trung, với sản lượng lên đến 12.000 tấn rau, 95% hộ dân ở xã Quỳnh Minh sống dựa vào cây rau màu.

 Nhiều hộ sản xuất nhà màng, nhà lưới, lắp đặt hệ thống tưới ngầm, tưới béc, dùng lưới đen hạn chế nắng trồng các loại rau cao cấp trái vụ như đậu cô ve, cho thu nhập khá. Ảnh: T.P
Nhiều hộ sản xuất nhà màng, nhà lưới, lắp đặt hệ thống tưới ngầm, tưới béc, dùng lưới đen hạn chế nắng trồng các loại rau cao cấp trái vụ như đậu cô ve, cho thu nhập khá. Ảnh: T.P

Do đó, để nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây rau, tất cả các vụ sản xuất trong năm đều là vụ chính chứ không riêng gì vụ Đông Xuân. Bởi vụ Đông Xuân thời tiết thuận, dễ trồng, dễ chăm sóc nên địa phương nào cũng trồng, nhà nào cũng làm được rau, cung vượt cầu nên giá thành rẻ”.

Thời điểm khó trồng rau nhất trong năm là từ tháng 4 đến tháng 9 do nắng hạn gay gắt và vụ Đông sớm thì giá rét, sương muối. Bí quyết để sản xuất rau trái vụ vào mùa Đông là sử dụng vòm che ni-lông để giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, nhất là giai đoạn cây còn non. Do cây trồng không bị ảnh hưởng trực tiếp của mưa, sương muối, lá cây luôn khô ráo, cho nên hạn chế bệnh do nấm, vi khuẩn gây hại.

Sản xuất rau trái vụ khó khăn do bất lợi của thời tiết, sâu bệnh. Ảnh: T.P
Sản xuất rau trái vụ khó khăn do bất lợi của thời tiết, sâu bệnh. Ảnh: T.P

Còn vào mùa Hè, sau khi gieo hạt thì dùng rơm tấp lại để tạo độ ẩm cho hạt nảy mầm; sử dụng mái che, phủ lưới đen, chủ động nguồn nước tưới, kết hợp bón phân đều để cây đạt độ ẩm tuyệt đối, tránh trường hợp cây bị khô, thiếu nước, thiếu dinh dưỡng và kém chất lượng.

Nghệ An có thế mạnh về sản xuất các loại rau, với gần 38.000 ha đất canh tác chuyên canh, với hơn 20 chủng loại rau các loại; sản lượng hơn 578 nghìn tấn/năm. Trước đây, các loại rau tập trung chủ yếu sản xuất ở vụ Đông nên cung vượt quá cầu, giá thành thấp, lợi nhuận không cao. Trong khi đó, vào các vụ khác trong năm, lượng rau ít, phải nhập từ các địa phương khác về.

 Làm rau trái vụ, công chăm sóc cũng rất nhiều, phải bám ruộng, bám vườn thường xuyên. Ảnh: T.P
Làm rau trái vụ, công chăm sóc cũng rất nhiều, phải bám ruộng, bám vườn thường xuyên. Ảnh: T.P

Vì thế, việc phát triển các loại rau trái vụ tăng hệ số quay vòng sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, để các mô hình trồng rau trái vụ mang lại hiệu quả cao, bền vững thì người dân cần nghiên cứu thị trường, địa phương định hướng để sản xuất các loại rau được thị trường ưa chuộng theo hướng an toàn hiệu quả. Đồng thời, tạo điều kiện thu hút, tìm kiếm các doanh nghiệp thực hiện liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm.

Mới nhất

x
Rau trái vụ ở Nghệ An: Trồng khó, tiêu thụ dễ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO