(Baonghean.vn) - Tiết trời bắt đầu se lạnh, nước trên các cánh đồng trũng cạn dần, cũng là lúc người dân nhiều “làng cua” tất tả đi săn cua đêm.
» Độc đáo nghề 'cắm que câu cua' ở Thanh Chương
» Theo chân 'thợ săn' cua đồng
|
Ban đêm, trên những cánh đồng ở xã Công Thành (Yên Thành), Minh Sơn (Đô Lương), Thanh Lương (Thanh Chương)… loang loáng ánh đèn pin của người đi săn cua. Ảnh: Huy Thư |
|
Tầm 19h hàng ngày, người làm “nghề cua cáy” đã có mặt trên các cánh đồng để "săn" cua. Họ đi theo nhóm, mỗi nhóm có 5 - 7 người, "săn" rất kỹ trên một cánh đồng nhất định, đêm sau lại đổi sang đồng khác. Trong ảnh, người dân Thanh Lương (Thanh Chương) đi săn cua đêm. Ảnh: Huy Thư |
|
Săn cua đêm thường không đi xa, chỉ săn trên những cánh đồng làng. Ngoài dụng cụ để đựng cua (xô, thau, túi….), thứ không thể thiếu là đèn pin cầm tay hay đèn đội đầu nạp “no” điện. Thậm chí có thể dùng cả đèn của điện thoại di động. Ảnh: Huy Thư |
|
Không quá khó nhọc như đi “cắm que câu cua” phải lội ruộng sâu, nước bì bõm quá đầu gối, hay đi móc hang cua toét cả tay, người đi săn cua đêm thường chỉ đi tìm cua trên ruộng cạn. Bởi ban ngày cua trú trong hang, đêm xuống chúng rời hang đi tìm thức ăn trên ruộng. Người đi săn rọi đèn thấy cua, chỉ cần “chụp” nhanh, chính xác trước khi cua lẩn vào bùn hay nước đục. Ảnh: Huy Thư |
|
Cua bắt được lúc đi săn đêm thường không lớn bằng cua “câu que” nên kén người mua hơn, giá cả cũng thấp hơn, chỉ được khoảng 15 - 20.000 đồng/kg. Bà Nguyễn Thị Sen (50 tuổi) ở xóm Sơn Long, xã Công Thành (Yên Thành) cho biết: “Trong xóm có khoảng 50 nhà thường xuyên đi bắt cua để bán, bắt cả ngày lẫn đêm. Mỗi đêm cũng kiếm được trên dưới 100 nghìn đồng/người. Bắt cua là công việc không phải đầu tư vốn liếng mà chỉ cần ra đồng chịu khó, chăm chỉ nhặt nhạnh là có thể kiếm được tiền”. Ảnh: Huy Thư |
|
Săn cua đêm tuy vất vả, khắp người dính đầy bùn đất, nhưng tiếng cười vẫn rộn vui trên đồng ruộng. Ảnh: Huy Thư |
Huy Thư