'Ronaldo xứ Hàn' có thể gián đoạn sự nghiệp vì nghĩa vụ quân sự
Son Heung-min, cầu thủ 24 tuổi đang rực sáng tại Tottenham, sẽ phải mất gần hai năm phục vụ trong quân đội Hàn Quốc trước tuổi 28, trừ khi được miễn giảm nếu đạt thành tích cao cùng đội tuyển quốc gia.
Son Heung-min được người hâm mộ quê hương gọi là Cristiano Ronaldo của Hàn Quốc, với biệt danh “Sonaldo” từ thời còn khoác áo Leverkusen ở Đức.
Đầu mùa này, Son có phong độ rất ấn tượng, góp công lớn vào thành tích của Tottenham. Cầu thủ chạy cánh này đã ghi tới bốn bàn trong chỉ ba lần ra sân tại Ngoại hạng Anh, sau khi được thuyết phục ở lại sân White Hart Lane vào cuối phiên chợ hè. Hôm 17/9, Son còn ghi bàn hạ chủ nhà CSKA Moscow 1-0, qua đó giúp Tottenham đứng nhì bảng E Champions League qua hai lượt trận.
Son Heung-min đang có năm bàn qua năm trận ra sân cho Tottenham mùa này. |
Tổng cộng, Son ghi năm bàn trong năm trận ra sân ở hai đấu trường lớn kể từ đầu mùa. Nhưng sự nghiệp bóng đá của anh có thể gặp cản trở đúng vào thời kỳ đỉnh cao, vì luật nghĩa vụ quân sự bắt buộc khắc nghiệt ở quê nhà.
Trước tuổi 28, Son sẽ phải phục vụ trong quân đội tối đa 21 tháng, trừ khi được miễn giảm theo chế độ đặc biệt. Khi đó anh sẽ buộc phải hy sinh hợp đồng thi đấu nhiều triệu đôla, để làm nghĩa vụ quân sự với mức thù lao nhiều nhất cũng chỉ vào khoảng 168 đôla mỗi tháng cho cấp bậc trung sĩ.
Hàn Quốc là một trong những quốc gia có luật nghĩa vụ quân sự khắc nghiệt nhất thế giới. Nam thanh niên trong độ tuổi làm nghĩa vụ có quyền chọn thời điểm thực hiện, nhưng không thể tránh, vì luật không loại trừ ai, kể cả người của công chúng hay nhân vật có vị thế xã hội cao ở xứ Hàn. Nhiều diễn viên, ca sĩ và những người nổi tiếng hàng đầu Hàn Quốc cũng từng phải chấp nhận phục vụ trong quân đội một thời gian, thay vì nguy cơ ngồi tù vì tìm cách trốn tránh.
Rapper nổi tiếng MC Mong đã bị buộc tội cố tình trì hoãn thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự bằng cách nhổ răng. Anh này sau đó phải chịu án tù treo sáu tháng, một năm lao động công ích. Ca sĩ Yoo Seung Jun nhập tịch Mỹ để tránh nghĩa vụ, và anh đã bị trục xuất khỏi Hàn Quốc.
Nhưng các cầu thủ Hàn Quốc có thể được miễn giảm thời gian phục vụ quân đội, nếu góp công lớn vào thành tích cao của đội tuyển bóng đá quốc gia. Khi đó họ sẽ được ghi nhận là những nam thanh niên đã chiến đấu xuất sắc cho đất nước.
Luật nghĩa vụ quân sự Hàn Quốc áp dụng với mọi nam thanh niên nước này, và Son cũng không là ngoại lệ. Ảnh: AP. |
Tiền vệ Ki Sung-yueng của Swansea phải vắng mặt ở trận cuối của giải Ngoại hạng Anh mùa trước để bắt đầu bốn tuần thực hiện nghĩa vụ quân sự. Anh được giảm phần lớn thời gian nghĩa vụ nhờ cùng Hàn Quốc giành HC đồng bóng đá nam tại Olympic London 2012.
Cựu sao Man Utd, Park Ji-sung, và cựu cầu thủ Tottenham Lee Young-pyo đều được miễn nghĩa vụ quân sự sau khi cùng tuyển Hàn Quốc bất ngờ vào tới bán kết World Cup 2002.
HC vàng bóng đá nam ở Asian Games (Asiad), hoặc chức vô địch Asian Cup cũng là thành tích được ghi nhận để miễn giảm nghĩa vụ quân sự. Son ghi được bàn gỡ hòa vào phút đá chính cuối cùng của trận chung kết Asian Cup 2014, nhưng Hàn Quốc sau đó thua Australia ở hiệp phụ. Tại Olympic Rio 2016, Hàn Quốc bị loại ở tứ kết. Son vì thế chỉ còn cơ hội ở Asian Games (Asiad) 2018 và Olympic Tokyo 2020.
Son cũng có thể tìm cách lách luật, nhưng làm vậy sẽ chịu búa rìu dư luận và sự nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng giống một số sao giải trí. Park Chu-young, cầu thủ gia nhập Arsenal vào năm 2011 ở tuổi 26, đã xin cư trú ở Monaco trong mười năm vào năm 2012, với mục đích trì hoãn thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự. Anh sau đó cùng Hàn Quốc đoạt HC đồng tại Olympic London 2012 và được hưởng chế độ miễn nghĩa vụ, nhưng danh tiếng của anh kể từ đó bị bôi nhọ ở quê hương.
Những trường hợp trốn tránh nghĩa vụ quân sự như Park Chu-young đều trở thành cái gai trong mắt công chúng Hàn Quốc. Ảnh: AFP. |
Sự nghiệp của Son cũng có thể không bị gián đoạn đúng vào giai đoạn đỉnh cao, nếu có thay đổi chính trị. Chính trị gia Nam Kyung-pil mới đây tuyên bố ông sẽ áp dụng chính sách quân sự tự nguyện nếu được bầu làm tổng thống Hàn Quốc.
Son Heung-min trưởng thành từ tuyến trẻ của CLB Hamburg, Đức, ra mắt giải Bundesliga vào năm 2010. Năm 2013, anh chuyển tới Leverkusen. Hai năm sau đó, anh gia nhập Tottenham với phí chuyển nhượng 28,5 triệu đôla, qua đó trở thành cầu thủ châu Á đắt giá nhất trong lịch sử bóng đá. Anh lần đầu khoác áo đội tuyển quốc gia năm 2010, và đã cùng Hàn Quốc tham dự World Cup 2014.
Thành tích của Son tại các CLB:
2010-13: Hamburg (73 trận, 20 bàn)
2013-15: Leverkusen (78 trận, 26 bàn)
2015 đến nay: Tottenham (45 trận, 13 bàn)
Theo VNE
TIN LIÊN QUAN |
---|