Sách bàn thói đố kỵ, háo danh của người Việt

26/03/2016 21:47

Trong cuốn "Hệ giá trị Việt Nam", Giáo sư - Tiến sĩ Trần Ngọc Thêm dành nhiều trang phân tích thói xấu trong tính cách đặc trưng của người Việt.

Quyển sách Hệ giá trị Việt Nam - Từ truyền thống đến hiện đại và con đường tới tương lai vừa ra mắt bạn đọc tại Hội sách TP HCM lần thứ chín. Sách khổ 16x24cm, dày hơn 580 trang, là công trình nghiên cứu trong ba năm của Giáo sư - Tiến sĩ Trần Ngọc Thêm.

Sách có bốn chương. Trong đó, hai chương đầu, tác giả tập trung vào các khái niệm học thuật, các phương pháp, công cụ lý thuyết để độc giả có thể dựa vào đó tìm hiểu về các giá trị văn hóa chung. Phẩm chất tốt đẹp của người Việt Nam như: tính mực thước, lạc quan, vui vẻ, yêu đời, lòng biết ơn, trọng thể diện, trọng nữ... được đề cập chi tiết. Những giá trị phổ quát này được ông Trần Ngọc Thêm chọn lọc, đúc rút từ nền tảng truyền thống, bề dày văn hóa của dân tộc.

Sách mới của

Sách "Hệ giá trị Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại và con đường tới tương lai".

Chương ba là phần khá thú vị khi Giáo sư Trần Ngọc Thêm thẳng thắn bàn về "Những biến động của hệ giá trị Việt Nam truyền thống trong giai đoạn hiện đại". Theo đó, trước những thay đổi nhanh chóng, mạnh mẽ của không gian, thời gian, bối cảnh xã hội, tốc độ thay đổi của nền kinh tế... đã khiến cho nhiều tính cách "xấu xí" của người Việt bộc lộ rõ rệt.

Ở trang 310-311, Giáo sư viết "Tính cộng động làng xã là một trong hai đặc trưng quan trọng nhất, điển hình nhất cho văn hóa nông nghiệp - nông thôn truyền thống Việt Nam, nên cũng là một trong hai đặc trưng biến động mạnh nhất khi đi vào giai đoạn hiện đại. Những phi giá trị nảy sinh từ đặc trưng này cũng rất nhiều. Trong đó, tiêu biểu nhất là 11 thói hư tật xấu sau đây: Thói dựa dẫm, ỷ lại, thói cào bằng, đố kỵ, bệnh hẹp hòi, ích kỷ, bè phái, bệnh sĩ diện, háo danh, bệnh thành tích, bệnh phong trào, bệnh hình thức, bệnh nói xấu sau lưng, bệnh vô cảm, chặt chém, tật ham vui, thích "tám", bệnh triệu tiêu cá nhân...".

Ở từng thói tật được dẫn ra, tác giả có những lý giải kết hợp giữa tính học thuật, số liệu khoa học với những ví dụ dẫn chứng từ thực tiễn cuộc sống thông qua các vấn đề thời sự, xã hội để minh họa cho các lập luận.

Giáo sư Trần Ngọc Thêm dành chương cuối của sách để nói về "Con đường đi đến hệ giá trị Việt Nam mới". đề cao vai trò của văn hóa trong mục tiêu phát triển bền vững cho dân tộc. Mà văn hóa dân tộc không nằm ở đâu xa mà chính được hình thành nên từ văn hóa của mỗi cá nhân, sau đó nới rộng ra gia đình, cộng đồng, xã hội. Các yếu tố chính trị, kinh tế, giáo dục đều giữ vai trò trong việc nhào nặn, định hình nền văn hóa.

Bà Huỳnh Thị Xuân Hạnh (trái)

Giáo sư Trần Ngọc Thêm (phải) tại buổi giao lưu. Bà Huỳnh Thị Xuân Hạnh (trái) - Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Văn hóa, Văn Nghệ TP HCM - hy vọng cuốn sách không chỉ được người trong giới nghiên cứu quan tâm mà còn tiếp cận bạn đọc trẻ.

Ngày 25/3, Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ tổ chức buổi giao lưu giữa Giáo sư Trần Ngọc Thêm và bạn đọc nhân cuốn sách mới. Ngoài những giới thiệu chung về cuốn sách, tác giả còn dành nhiều thời gian trò chuyện xoay quanh "thói hư tật xấu" nói chung của người Việt. Ông kể chuyện có lần công tác nước ngoài cùng vài người trẻ, họ đều có học vị hẳn hoi, nhưng khi giới thiệu mình ở người bản xứ, có người vẫn muốn xưng là người Thái Lan để tránh phiền vì cho rằng người Việt không tạo được ấn tượng tốt. Giáo sư Trần Ngọc Thêm cho rằng nếu mỗi người ứng xử tốt đẹp thì thông qua mỗi cá nhân, hình ảnh, văn hóa của người dân trong nước sẽ được cải thiện. Còn chối bỏ không dám nhận hoặc phê phán không mang tính xây dựng thì chính bản thân người đó cũng là người Việt Nam "xấu xí".

Về cuốn sách của Giáo sư Trần Ngọc Thêm, Giáo sư - Tiến sĩ Phùng Hữu Phú nhận xét: "Đề tài là một công trình nghiên cứu công phu, nghiêm túc, có tính học thuật cao, có những đóng góp mới về phương pháp nghiên cứu và những khái quát về mặt lý thuyết".

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Sách bàn thói đố kỵ, háo danh của người Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO