PV: Thưa đồng chí, Nghệ An là một trong những địa phương có đóng góp vượt trội về sức người sức của trong các cuộc kháng chiến, kiến quốc, đồng thời cũng là địa phương có số lượng lớn liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hưởng chế độ có công với cách mạng. Điều này càng tô thắm thêm truyền thống yêu nước quật cường của quân và dân Nghệ An. Nhưng cũng chính vì vậy, chúng ta càng phải thực hiện thật tốt công tác đền ơn đáp nghĩa nhằm xoa dịu nỗi đau của các gia đình thương binh liệt sĩ, đồng thời cũng nhằm giáo dục cho thế hệ trẻ đạo nghĩa uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Ông có thể chia sẻ thêm về điều này?
Đồng chí Đoàn Hồng Vũ: Suốt chặng đường cách mạng vẻ vang, kiên cường bất khuất của dân tộc Việt Nam, đất và người Nghệ An đã có những đóng góp xứng đáng, viết nên những truyền thống rạng ngời của quê hương. Lịch sử của dân tộc đã trang trọng ghi nhận về một Nghệ An “đứng đầu dậy trước” làm nên Xô viết Nghệ Tĩnh anh hùng, trở thành cuộc tổng diễn tập đầu tiên góp phần đưa đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Một Nghệ An làm hậu phương lớn, cung cấp sức người, sức của bằng tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “xe chưa qua nhà không tiếc”, góp phần cùng cả nước làm nên những chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta trong thời đại Hồ Chí Minh và làm trọn nghĩa vụ quốc tế cao cả. Một Nghệ An tiền tuyến của những “tọa độ lửa” chống đế quốc Mỹ phá hoại miền Bắc với những chiến công hào hùng, bi tráng, trở thành biểu tượng cao đẹp chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Đi qua các cuộc kháng chiến, Nghệ An có hơn 45 ngàn liệt sĩ; hơn 56 ngàn thương, bệnh binh, hơn 20 ngàn người tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu bị nhiễm chất độc hóa học; hơn 2.800 Mẹ Việt Nam anh hùng, hơn 500 ngàn gia đình, cá nhân được tặng thưởng Huân, Huy chương Kháng chiến.
Phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, được sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các Bộ, ban ngành Trung ương, sự chia sẻ giúp đỡ của nhân dân trong cả nước, Nghệ An đã có những bước chuyển mình vươn lên và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực, tạo điều kiện để tỉnh ưu tiên nguồn lực thực hiện có hiệu quả các vấn đề an sinh xã hội, trong đó có công tác đền ơn đáp nghĩa.
Với lòng biết ơn sâu sắc, ghi nhớ công lao to lớn của những người con ưu tú đã anh dũng hy sinh, hiến dâng một phần xương máu cho sự nghiệp vẻ vang của dân tộc, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An luôn nỗ lực, cố gắng trong công tác đền ơn đáp nghĩa với ý thức chăm sóc người có công không chỉ là bổn phận, là đạo lý, trách nhiệm mà còn là niềm vinh dự của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị – xã hội và người dân tỉnh nhà. Thời gian qua, công tác người có công với cách mạng của tỉnh đã đạt nhiều kết quả; thực hiện tốt các chính sách chế độ, các phong trào đền ơn đáp nghĩa.
PV: Vậy thưa ông, chúng ta đã có những chương trình hành động cụ thể như thế nào trong công tác đền ơn đáp nghĩa?
Đồng chí Đoàn Hồng Vũ: Trước hết số lượng người có công của tỉnh nhiều, nhưng chúng ta đã luôn làm tốt công tác chi trả chính sách ưu đãi của Nhà nước, đầy đủ kịp thời, đúng đối tượng. Hiện nay tỉnh đang chi trả trợ cấp thường xuyên cho hơn 67 ngàn đối tượng, với số tiền trên 130 tỷ đồng/tháng; các khoản chi trả một lần; chế độ điều dưỡng cho các đối tượng đều được thực hiện đầy đủ. Bên cạnh chính sách của Trung ương, tỉnh Nghệ An đã ban hành Nghị quyết số 32/ 2020/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ đối với người có công với cách mạng thuộc gia đình hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021- 2025, nhằm hỗ trợ, giúp đỡ những người yếu thế, già cả neo đơn là người có công thuộc hộ nghèo; Nghị quyết số 30/2021/NQ–HĐND hỗ trợ cho thế hệ thứ 3 bị nhiễm chất độc hóa học trong kháng chiến, đã giúp đỡ họ có được cuộc sống tốt hơn.
Phát huy truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, toàn tỉnh Nghệ An đã triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực, tích cực vận động xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa bằng sự đóng góp tự nguyện với trách nhiệm, tình cảm của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong nước và ngoài nước để cùng Nhà nước chăm sóc người có công với cách mạng theo tinh thần Nghị định số 45/2006/NĐ-CP ngày 28/4/2006 của Chính phủ. Từ kết quả vận động xây dựng Quỹ đền ơn đáp nghĩa với 6 tháng đầu năm 2023 đạt 5,2 tỷ đồng đã góp phần hỗ trợ tu bổ nghĩa trang, đài tưởng niệm, xây dựng nhà bia ghi tên liệt sĩ, xây dựng và sửa chữa nhà ở; thăm hỏi người có công với cách mạng hoặc thân nhân khi ốm đau, khám, chữa bệnh và khi qua đời mà gia đình gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…
Các phong trào, cuộc vận động toàn dân tham gia ủng hộ xây dựng “Quỹ đền ơn đáp nghĩa”; nhận phụng dưỡng, đỡ đầu, chăm sóc các mẹ Việt Nam anh hùng, các thương, bệnh binh nặng, cha, mẹ liệt sĩ neo đơn; giúp đỡ, tạo điều kiện người có công và gia đình chính sách phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo… được tích cực triển khai và lan tỏa rộng rãi trong toàn tỉnh, trở thành một nét đẹp văn hóa của nhân dân xứ Nghệ.
PV: Đến nay vẫn còn có những người tham gia kháng chiến, bị thương vì thiếu giấy tờ hồ sơ thủ tục mà chưa được hưởng chế độ thưa đồng chí chúng ta cần có những đề xuất hướng dẫn như thế nào để kịp thời hỗ trợ những người này được tiếp cận với chế độ chính sách ưu đãi của Nhà nước?
Đồng chí Đoàn Hồng Vũ: Đã 76 năm trôi qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 20/SL “Quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất tử sĩ” – văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh, liệt sĩ. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã có chủ trương chính sách văn bản quy định chế độ ưu đãi, nhiều văn bản quy định đã ngày càng hoàn thiện. Bên cạnh đó nhiều tổ chức chính trị, các đơn vị, địa phương đã cùng đồng lòng, chung sức chăm lo và thực hiện tốt công tác chăm sóc người có công với cách mạng. Và hành trình đó đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, vì nhiều lý do; nhiều trường hợp thất lạc, không có giấy tờ chứng minh quá trình tham gia kháng chiến, có bị thương không… nên chưa giải quyết được chế độ. Đâu đó vẫn còn nhiều trường hợp chưa được tôn vinh xứng đáng với sự hy sinh của họ. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những vướng mắc, tồn đọng vẫn là nỗi niềm mà những người làm công tác chính sách luôn đau đáu tìm kiếm các giải pháp tháo gỡ khó khăn. Trong khi đó, việc xác nhận, thẩm định hồ sơ thương binh, liệt sĩ ngày càng yêu cầu chặt chẽ hơn. Theo Nghị định 131/2021/NĐ-CP của Chính phủ, chính sách mở rộng đối tượng hơn nhưng quy định cũng được chuẩn hóa hơn. Chúng tôi vẫn luôn tâm niệm rằng, những người thực sự có cống hiến, hy sinh cho đất nước phải được xem xét, xác nhận để hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước.
Vì thế, thời gian tới chúng ta cần tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan hữu quan và các tổ chức cá nhân có liên quan để thu thập giấy tờ, tài liệu hồ sơ theo yêu cầu, quy định; đồng thời đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được trong việc xác nhận hồ sơ tồn đọng trong thời gian vừa qua, bảo đảm chặt chẽ, thấu lý, đạt tình để những người có công và gia đình được thụ hưởng đầy đủ các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước và hướng tới mục tiêu bảo đảm mức sống của người có công với cách mạng bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú; Đề nghị các cơ quan, địa phương, tổ chức tiếp tục phối hợp chặt chẽ, chủ động nắm bắt thông tin từ người dân, nhân chứng, ứng dụng công nghệ và khoa học phục vụ việc tìm kiếm, quy tập, xác minh thông tin hài cốt liệt sĩ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách người có công với cách mạng, tiếp tục huy động mọi nguồn lực cùng chung sức thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa. Tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, góp phần thực hiện đúng, đầy đủ, hiệu quả, kịp thời các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.
PV: Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này !