Trở lại xã biên giới Thanh Thủy những tháng cuối năm 2022, chúng tôi cảm nhận rõ nhiều đổi thay nơi đây. Miền quê với những rừng tràm, đồi chè, cây ăn quả gồm bưởi, cam, quýt, mít, ổi… xanh mướt, trải dài tít tắp. Nhiều dịch vụ, hàng quán được mở trên đường Hồ Chí Minh và nhiều tuyến đường khác. Đến thôn Ngọc Lâm, hàng trăm người dân đang cùng máy móc giải tỏa bờ rào, cổng xây, chuồng trại để mở rộng đường. Ông Hồ Sỹ Chiến – một người dân tâm sự: “Trước đây, đường bê tông chỉ đủ lọt 2 chiều xe đạp, xe máy đi lại, đường đất đủ 2 xe bò kéo. Bây giờ, đời sống phát triển; xã, xóm chủ trương, người dân chúng tôi đồng tình hưởng ứng mở đường để thuận lợi cho sản xuất, sinh hoạt, cùng làm đẹp xóm làng”.
Đồng chí Nguyễn Văn Dương – Thôn trưởng thôn Ngọc Lâm cho biết, đường thôn chủ yếu rộng 3,5 – 4m, để mở rộng đạt 7m trở lên, người dân họp bàn, tự nguyện hiến đất ở, đất sản xuất. Nhiều hộ hiến cả trăm mét vuông đất, tự nguyện phá dỡ cả chục mét dài bờ rào, cổng xây, công trình xây dựng kiên cố, phá bỏ cây ăn quả, hoa màu. Người dân tự bàn bạc đóng góp, hộ có điều kiện thì ủng hộ thêm. Việc thu gom rác thải được người dân bàn bạc và triển khai đồng loạt ở 6/6 tổ tự quản, gắn với xây dựng quy ước, giữ gìn vệ sinh, bảo đảm an ninh nông thôn. Nhiều công việc đang tiếp tục được triển khai như xây dựng nhà văn hóa, chỉnh trang cảnh quan môi trường nông thôn, phấn đấu đưa thôn về đích nông thôn mới trong năm 2022 này.
Đồng chí Hà Hồng Thái – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thanh Thủy chia sẻ: Là xã biên giới, Thanh Thủy có những khó khăn riêng. Song với sự đổi mới cách làm, lấy địa bàn thôn để chỉ đạo; chú trọng khâu tuyên truyền người dân hiểu rõ “mình là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới”; phát huy quy chế dân chủ, những phần việc nào là do dân làm thì người dân tự bàn bạc, quyết định đã tạo sức mạnh từ nhân dân ở từng thôn. Ngoài thôn Ngọc Lâm quyết tâm về đích trong năm 2022, trước đó, năm 2021, địa phương đã chỉ đạo đưa 2 thôn Thủy Hòa và Thủy Phong về đích nông thôn mới. Hai thôn Thủy Chung, Thủy Sơn còn lại tiếp tục đạt chuẩn vào năm sau. Riêng các tiêu chí cấp xã, địa phương xây dựng lộ trình thực hiện cụ thể, quyết tâm đưa xã về đích nông thôn mới vào năm 2023.
Cũng là xã khó khăn, Đảng ủy xã Thanh Xuân ban hành 2 Nghị quyết chuyên đề về xây dựng nông thôn mới, xác định mỗi năm chỉ đạo hoàn thành nông thôn mới 1-2 xóm và 1-2 tiêu chí cấp xã. Đảng ủy giao Ban Phát triển nông thôn mới thành lập các tổ công tác và đích thân Chủ tịch, 2 Phó Chủ tịch UBND xã làm tổ trưởng chỉ đạo các xóm theo hình thức cuốn chiếu, từ xóm được chỉ đạo để lan tỏa ra các xóm khác. Hiện nay, ngoài 2 xóm Phú Lập, Ngũ Cẩm đạt chuẩn nông thôn mới thì 3 xóm Xuân Lan, Bạch Ngọc, Kim Hoa đang tập trung về đích trong năm nay.
Theo chia sẻ của đồng chí Nguyễn Khánh Thành – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã, đối với các tiêu chí cấp xã được gắn với trách nhiệm chỉ đạo cụ thể của từng tổ chức, cán bộ, công chức, đặc biệt là khơi dậy trách nhiệm của người dân. Như tiêu chí môi trường, xã tuyên truyền, vận động, tạo đồng thuận của người dân ở cả 8 xóm đóng góp tiền, hợp đồng với doanh nghiệp thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải; gắn tuyên truyền cho người dân chủ động chỉnh trang đường làng, ngõ xóm, vườn tược, tạo môi trường sạch – đẹp. Hay như tiêu chí sản xuất và thu nhập được gắn trách nhiệm cho Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách kinh tế và Chủ tịch Hội Nông dân xã chỉ đạo các mô hình kinh tế nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng mùa vụ, tạo sản phẩm nông nghiệp hàng hóa gắn với tiêu thụ…
Thanh Chương là huyện có diện tích tự nhiên lớn, số xã xây dựng nông thôn mới nhiều (37 xã), dân cư bố trí thưa, kéo theo hệ thống giao thông phải đầu tư xây dựng nhiều. Điển hình như các xã Thanh Đức, Thanh Thủy, Thanh Lâm, Thanh Xuân, Thanh Mai…, tổng tuyến nội bộ xã, liên xóm, liên gia 50 – 70 km; cá biệt như xã Thanh Xuân có hơn 140 km. Đây là tiêu chí cần nhiều nguồn lực, phải vận động Nhân dân hiến đất, hiến cây, tài sản và đóng góp kinh phí khá lớn để đầu tư. Trong khi kinh tế của đại đa số người dân đang ở mức trung bình, thời điểm cuối năm 2021, thu nhập bình quân đầu người là 43,7 triệu đồng/năm.
Chính bởi các yếu tố trên, tốc độ xây dựng nông thôn mới ở huyện Thanh Chương chậm hơn so với các địa phương khác trong tỉnh. Nhận diện khó khăn, hạn chế, bước vào nhiệm kỳ 2020 – 2025, cấp ủy, chính quyền huyện Thanh Chương đặt ra quyết tâm đổi mới tư duy, cách thức, phương pháp chỉ đạo để đạt kết quả cụ thể. Theo đó, các xã được chỉ đạo về đích trong năm, huyện ưu tiên nguồn lực đầu tư, kết hợp kêu gọi các doanh nghiệp, con em xa quê hỗ trợ thực hiện các tiêu chí khó như trường học, giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa… Với xã không chỉ đạo về đích nông thôn mới thì yêu cầu phải chỉ đạo hoàn thành 1 tiêu chí cấp xã và ít nhất có 1 xóm đạt nông thôn mới/năm. Huyện có chính sách sử dụng nguồn vượt thu, hỗ trợ xi măng cho các xã đăng ký về đích và xã khó khăn 200 – 500 tấn/xã, ngoài chính sách của tỉnh.
Để tránh tư tưởng, coi xây dựng nông thôn mới là “nấc thang” cuối cùng, đạt được rồi là thôi, không củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí; không chăm lo nâng cao đời sống người dân; đặc biệt là hướng tới xây dựng miền quê thật sự đáng sống; Thanh Chương chỉ đạo, đối với những xã đã về đích nông thôn mới, nhưng không được huyện chỉ đạo xây dựng nông thôn mới nâng cao thì phải tập trung tăng ít nhất 2 tiêu chí trong năm; xã đã đạt nông thôn mới nâng cao tiếp tục chỉ đạo, phấu đấu đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Đồng chí Trình Văn Nhã – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho rằng, quan trọng nhất là sức dân đóng góp, ủng hộ; trong đó, cán bộ là những người nêu gương, lan tỏa, truyền cảm hứng cho người dân, từ xây dựng đường giao thông, nhà văn hóa, sân vận động xóm, đến chỉnh trang nhà cửa, vườn tược, chuyển đổi và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân… Để nâng cao thu nhập cho người dân – yếu tố then chốt, mang tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới, huyện tập trung triển khai 2 đề án quan trọng: Phát triển kinh tế trang trại gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, an toàn sinh học và chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Thanh Chương, cấp ủy, chính quyền và người dân chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, bước đầu hình thành được một số mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm sạch; hệ thống sản phẩm đạt OCOP tăng lên, mở rộng thị trường, tăng thu nhập cho người dân. Huyện cũng tích cực tạo môi trường tốt để thu hút đầu tư. Trong 2 năm qua, có 4 nhà đầu tư ngành may về tìm hiểu đầu tư, trong đó, có 3 nhà máy có chủ trương đầu tư và 1 Nhà máy May Matsuoka tại xã Thanh Liên đang đầu tư xây dựng cơ sở nhà xưởng, dự kiến đi vào hoạt động vào quý II/2023, tạo việc làm, thu nhập cho khoảng 1.500 lao động địa phương. Huyện cũng tích cực kết nối để khởi động dự án lâu nay tiến độ chậm, như chuyển đổi dự án chế biến tinh dược liệu tại xã Thanh Thủy thành nhà máy chế biến chè chất lượng cao, nhằm tận dụng nguồn nguyên liệu chè lớn trên địa bàn huyện với hơn 4.700 ha; thu hút và tạo điều kiện các nhà máy chế biến gỗ nguyên liệu hoạt động ổn định; tiếp tục xúc tiến thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái, du lịch tâm linh trong thời gian tới.