Sáng tinh thần xung kích và kiến thiết trong lực lượng Thanh niên xung phong Nghệ An
Trải qua gần 40 năm xây dựng và trưởng thành, lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP) Nghệ An không chỉ là biểu tượng cho tinh thần xung kích của tuổi trẻ trong thời kỳ gian khó, mà còn giữ vai trò đặc biệt trong phát triển kinh tế, giữ vững an ninh - quốc phòng và mở ra hướng lập nghiệp bền vững cho hàng nghìn thanh niên.
Nhân kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam (15/7/1950 – 15/7/2025), phóng viên Báo và phát thanh, truyền hình Nghệ An có cuộc trò chuyện với đồng chí Hoàng Văn Đông – Chỉ huy trưởng lực lượng Thanh niên xung phong Nghệ An, Tổng đội trưởng Tổng đội Thanh niên xung phong 5.
.jpg)
P.V: Thưa đồng chí, kể từ khi Tổng đội Thanh niên xung phong đầu tiên được thành lập tại Nghệ An vào năm 1986, lực lượng TNXP đã có gần 40 năm xây dựng và trưởng thành. Theo đồng chí, đâu là những dấu ấn, thành tựu nổi bật mà lực lượng đã đạt được trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương trong thời kỳ mới?
Đồng chí Hoàng Văn Đông: Có thể khẳng định rằng, ở bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, lực lượng TNXP luôn là đội quân xung kích, tình nguyện, sẵn sàng đảm nhận những nhiệm vụ khó khăn, gian khổ nhất.
Tại Nghệ An, từ năm 1986, Tổng đội TNXP đầu tiên của tỉnh đã được thành lập. Gần 40 năm xây dựng và phát triển, toàn tỉnh đã thành lập 10 Tổng đội TNXP cấp tỉnh, 2 Tổng đội TNXP cấp huyện và 1 Cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện Phúc Sơn. Đặc biệt, lực lượng TNXP Nghệ An đã triển khai thành công 4 dự án Làng Thanh niên lập nghiệp do Trung ương Đoàn làm chủ đầu tư.
Những ngày đầu thành lập, các Tổng đội đứng chân trên những vùng đất rừng thiêng nước độc, được ví là "3 không" – không điện, không đường, không trường trạm. Với tinh thần xung kích, bền bỉ của tuổi trẻ, lực lượng TNXP đã biến những vùng đất hoang vu trở thành những vùng kinh tế trù phú với các loại cây trồng chủ lực như chè, dứa, mía, nghệ, cây lâm nghiệp; tạo việc làm và thu nhập cho hàng nghìn người dân địa phương.

Tới nay, tổng diện tích cây trồng của các Tổng đội đạt gần 760 ha chè; 18ha nghệ, mang lại giá trị sản xuất đạt hơn 25 tỷ đồng. Cùng với trồng trọt, chăn nuôi cũng được đẩy mạnh với tổng đàn gia súc đạt 2.959 con, gia cầm đạt 37.500 con, tổng giá trị sản xuất từ chăn nuôi ước đạt hơn 17,5 tỷ đồng.
Công tác bảo vệ và phát triển rừng tiếp tục triển khai hiệu quả. Năm 2024, diện tích giao khoán bảo vệ rừng của các Tổng đội đạt hơn 17.684 ha, tăng gần 1.500 ha so với năm trước.
Lực lượng TNXP Nghệ An hôm nay không chỉ kế thừa truyền thống anh hùng, mà còn từng bước khẳng định vai trò là đội quân xung kích trong phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững quốc phòng – an ninh, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
P.V: Trong những năm gần đây, tỉnh Nghệ An đã thực hiện đề án kiện toàn, sáp nhập và giải thể một số Tổng đội TNXP đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử. Sự thay đổi này có ý nghĩa như thế nào trong nâng cao hiệu quả hoạt động, hướng tới sự phát triển bền vững của lực lượng trong giai đoạn mới ?
Đồng chí Hoàng Văn Đông: Hiện nay, một số Tổng đội đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, được bàn giao về địa phương quản lý hoặc sáp nhập vào doanh nghiệp.
Sau khi tổ chức kiện toàn, hiện tại Nghệ An còn 4 Tổng đội TNXP đang hoạt động gồm: Tổng đội TNXP 5 (xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương (cũ) nay là xã Kim Bảng, tỉnh Nghệ An; Tổng đội TNXP 8, xã Huồi Tụ; Tổng đội TNXP 9 xã Tam Thái; Tổng đội TNXP 10, xã Na Ngoi. Đây là những đơn vị đóng chân ở vùng biên giới để tiếp tục đảm nhiệm “hai vai” vừa phát triển kinh tế, vừa giữ vững an ninh trật tự, an ninh biên giới.
Việc thực hiện đồng bộ Đề án 3051 đã góp phần khắc phục những tồn tại thực tiễn trong tổ chức, hoạt động của mô hình Tổng đội TNXP xây dựng kinh tế. Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý và dồn lực để tiếp tục xây dựng và phát triển lực lượng TNXP đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

.jpg)
Sự vận động, chuyển đổi mô hình hoạt động của mô hình Tổng đội TNXP đã tạo thêm động lực để thi đua lao động, sản xuất, mạnh dạn tiên phong áp dụng cái mới, mang lại nhiều kết quả. Việc dồn lực đầu tư cho các tổng đội TNXP của cấp ủy, chính quyền cùng các ngành liên quan đã tạo nên một “cú hích” giúp các tổng đội nâng cao chất lượng hoạt động.
Trong thời gian tới, các Tổng đội TNXP sẽ được chuyển giao về trực thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường quản lý để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay. Khi được chuyển giao về Sở Nông nghiệp và Môi trường quản lý, tôi tin, từ nền tảng đã có, các Tổng đội TNXP sẽ tiếp tục phát huy truyền thống của lực lượng TNXP, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
P.V: Theo đồng chí, trong bối cảnh hiện nay, nhiệm vụ của lực lượng TNXP có những điểm gì đổi mới, khác biệt so với giai đoạn trước đây?
Đồng chí Hoàng Văn Đông: Tôi cho rằng, trong tình hình mới, lực lượng TNXP không chỉ là người khai phá vùng đất mà còn phải là lực lượng dẫn dắt sự đổi mới trong tư duy sản xuất, là cầu nối giữa chính sách và người dân.
Trước đây, nhiệm vụ chính là đưa thanh niên lên lập thân, lập nghiệp trên những vùng đất mới, khai phá tiềm năng đất đai, xây dựng hạ tầng cơ bản, tạo tiền đề ổn định dân cư để phát triển kinh tế – xã hội tại các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, góp phần giữ vững an ninh trật tự và an ninh, quốc phòng. Ở giai đoạn ấy, tinh thần “đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên” được thể hiện rõ qua việc san núi, mở đường, dựng lán, trồng rừng, phát triển vùng nguyên liệu…
.png)
Tuy nhiên, bước sang giai đoạn hiện nay, trong bối cảnh đất nước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và hội nhập sâu rộng thì nhiệm vụ của lực lượng TNXP cũng có sự chuyển biến rất rõ nét. Trọng tâm hiện nay không chỉ dừng lại ở việc ổn định dân cư, phát triển sản xuất đơn thuần, mà còn là nâng cao giá trị sản phẩm, phát triển kinh tế tuần hoàn, ứng dụng khoa học kỹ thuật, tổ chức lại sản xuất theo hướng chuyên nghiệp, bền vững.
Các Tổng đội hiện nay tập trung chỉ đạo đội viên và người dân trong vùng dự án đẩy mạnh sản xuất nông – lâm kết hợp, nhưng theo hướng có chiều sâu hơn. Chúng tôi xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm; cung ứng vật tư, phân bón, cây, con giống; thực hiện các mô hình trình diễn ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất và chăn nuôi; tập huấn, chuyển giao kỹ thuật phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và tập quán địa phương. Đây là những giải pháp rất căn cơ để thúc đẩy năng suất, chất lượng sản phẩm, cải thiện thu nhập và đời sống bền vững cho người dân.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ngày càng trở nên quan trọng. Các Tổng đội vừa tổ chức trồng rừng kinh tế, vừa nâng cao trách nhiệm cộng đồng trong bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy, giữ gìn tài nguyên và hệ sinh thái. Việc giao khoán rừng cho người dân không chỉ là sinh kế mà còn là sự chuyển giao trách nhiệm và ý thức bảo vệ môi trường sống lâu dài.
.jpg)
Một điểm khác biệt nữa là chúng tôi chú trọng hơn đến việc nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho các hộ đội viên và nhân dân trong vùng. Các Tổng đội tích cực đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu như điện, đường, trường, trạm, sân chơi thể thao, điểm sinh hoạt cộng đồng... Từ chỗ chỉ đảm bảo “an cư” thì nay phải hướng đến “lạc nghiệp” bền vững cả về vật chất lẫn tinh thần.
Làm được điều đó, chúng ta không chỉ duy trì truyền thống TNXP mà còn khẳng định được vai trò tiên phong của tuổi trẻ trong phát triển nông thôn hiện đại, bền vững và giàu bản sắc.
P.V: Vừa là Chỉ huy trưởng lực lượng TNXP tỉnh, vừa từng trực tiếp làm Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP 5 - đơn vị từng khai phá vùng đất hoang hóa “3 không”, hẳn đồng chí có nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Từ những kỷ niệm đó, đồng chí rút ra bài học ý nghĩa gì cho lực lượng TNXP hôm nay?
Đồng chí Hoàng Văn Đông: Bản thân tôi sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo xã Thanh An, huyện Thanh Chương (cũ), nay là xã Hoa Quân. Từ năm 1992, tôi làm công tác tại Huyện đoàn Thanh Chương. Đến năm 2000, khi Tổng đội TNXP 5 được thành lập, tôi được điều động về công tác tại đơn vị. Từ tháng 8/2024, tôi được phân công kiêm nhiệm Chỉ huy trưởng Lực lượng TNXP tỉnh.
Trải qua gần 25 năm gắn bó với Tổng đội TNXP 5, tôi đã có biết bao kỷ niệm, vui có, buồn có. Những năm tháng đầy gian nan, khắc nghiệt nhưng cũng rất đỗi tự hào. Còn nhớ những ngày đầu, chúng tôi phải đi bộ hàng chục cây số đường rừng để khảo sát địa hình, tìm điểm lập trại, dựng nhà, bắt đầu hành trình khai phá vùng đất “3 không”.

Có những mùa Đông giá buốt, tôi cùng anh em thức trắng nhiều đêm liền để tuần tra rừng, chống lâm tặc. Hay những đợt nắng nóng trên 40 độ C, anh em phải mắc võng giữa rừng trực phòng cháy, chữa cháy. Vào mùa mưa, có những trận lũ lụt chia cắt đường sá cả tuần, đơn vị hết lương thực, mọi người phải ăn sắn, ăn khoai cầm cự. Nhưng chính trong gian khó ấy, chúng tôi càng hiểu rõ hơn giá trị của tinh thần đoàn kết, càng tôi luyện ý chí, bản lĩnh và lòng tin vào con đường mình đã chọn.
Có một kỷ niệm đặc biệt mà đến bây giờ tôi vẫn không thể quên, và cũng từ đó mà thay đổi cách nghĩ, cách làm của tôi trong quá trình xây dựng Tổng đội. Năm 2002, khi Tổng đội mới thành lập còn muôn vàn thiếu thốn, Chủ tịch UBND huyện (trước sáp nhập chính quyền địa phương 2 cấp) vào thăm đơn vị.

.jpg)
Hôm ấy, chúng tôi đưa lãnh đạo huyện đến thăm một hộ đội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gia đình sống trong căn nhà tạm lợp lá, các cháu nhỏ đang tuổi đến trường nhưng điều kiện học tập rất thiếu thốn. Khi tận tay trao phần quà và động viên cháu cố gắng học tập, ánh mắt xúc động và trong trẻo của đứa bé khiến tôi thực sự lặng người.
Từ hình ảnh ấy, tôi bắt đầu suy nghĩ khác đi. Rằng việc phát triển kinh tế là điều cần làm, nhưng nếu muốn mang lại tương lai thực sự bền vững, thì phải đầu tư cho giáo dục. Bởi chỉ có tri thức mới giúp con em đội viên, người dân vùng dự án thoát nghèo một cách căn cơ, vững chắc.
Năm nào vào dịp 15/7 - Ngày truyền thống lực lượng TNXP Việt Nam, Tổng đội cũng tổ chức trao quỹ khuyến học cho con em các hộ đội viên có thành tích cao trong học tập.
Chúng tôi rất xúc động khi mỗi năm có từ 40 - 60 cháu đạt học sinh giỏi các cấp, trong đó nhiều cháu đạt học sinh giỏi cấp tỉnh. Những năm gần đây có trên 20 cháu là con đội viên TNXP đỗ đại học. Đó là thành quả không chỉ của cá nhân các cháu và gia đình, mà còn là trái ngọt của của tập thể Tổng đội TNXP.Đồng chí Hoàng Văn Đông – Chỉ huy trưởng lực lượng Thanh niên xung phong Nghệ An
Nhìn lại hành trình đã trải qua, tôi cho rằng, chính tinh thần vượt khó, xung kích vì cộng đồng và đặt con người ở vị trí trung tâm là giá trị cốt lõi mà tôi luôn tâm niệm và mong muốn được truyền lại cho lớp lớp đội viên TNXP sau này.
PV: Cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi!