Kinh tế

Sáp nhập Ban Quản lý dự án Đê điều vào Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Nghệ An

Quang An (tổng hợp) 21/12/2024 14:33

UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành Quyết định số 3294/UBND về việc sáp nhập Ban Quản lý dự án Đê điều thuộc Chi cục Thủy lợi vào Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Nghệ An.

Theo đó, Trụ sở của Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Nghệ An đặt tại địa chỉ: Số 08 đường Trần Huy Liệu, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.

Về vị trí và chức năng: Đây là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ban quản lý dự án hoạt động theo cơ chế tự chủ về tài chính, tự đảm bảo chi thường xuyên theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10/9/2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập;.

Ban quản lý dự án chịu sự quản lý, chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ về đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật và quy định, hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền liên quan. Ban quản lý dự án có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng theo quy định của pháp luật.

sad.jpg
Máy móc thi công dự án kè Nậm Mộ, huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Quang An

Ban quản lý dự án thực hiện chức năng theo quy định tại khoản 2, Điều 63, Luật Xây dựng năm 2014 và khoản 4, Điều 21, Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng: Ban quản lý dự án được giao làm chủ đầu tư một số dự án và thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý dự án, tham gia tư vấn quản lý dự án khi cần thiết (được thực hiện tư vấn quản lý dự án cho các dự án khác hoặc thực hiện một số công việc tư vấn trên cơ sở bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ quản lý dự án được giao và đáp ứng yêu cầu về điều kiện năng lực theo quy định khi thực hiện công việc tư vấn).

Về nhiệm vụ và quyền hạn, Chủ đầu tư có các quyền sau: Lập, quản lý dự án khi có đủ điều kiện năng lực theo quy định của Luật Xây dựng; Yêu cầu cơ quan, tổ chức có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu về lập, quản lý dự án; Lựa chọn, ký kết hợp đồng với nhà thầu tư vấn để lập, quản lý dự án; Tổ chức lập, quản lý dự án; quyết định thành lập, giải thể Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng một dự án theo thẩm quyền; Các quyền khác theo quy định của pháp luật...

Chủ đầu tư có các nghĩa vụ sau: Xác định yêu cầu, nội dung nhiệm vụ lập dự án; cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết trong trường hợp thuê tư vấn lập dự án; tổ chức nghiệm thu kết quả lập dự án và lưu trữ hồ sơ dự án đầu tư xây dựng; Lựa chọn tổ chức tư vấn lập dự án có đủ điều kiện năng lực theo quy định của Luật Xây dựng; Chịu trách nhiệm về cơ sở pháp lý, tính chính xác của các thông tin, tài liệu được cung cấp cho tư vấn khi lập dự án; trình dự án với cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật...

Ban quản lý có các quyền sau: Thực hiện quyền quản lý dự án theo ủy quyền của chủ đầu tư; Đề xuất phương án, giải pháp tổ chức quản lý dự án, kiến nghị với chủ đầu tư giải quyết vấn đề vượt quá thẩm quyền; Thuê tổ chức tư vấn tham gia quản lý dự án trong trường hợp cần thiết sau khi được người quyết định đầu tư, chủ đầu tư chấp thuận. Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Ban quản lý dự án có các nghĩa vụ sau: Thực hiện nghĩa vụ của chủ đầu tư về quản lý dự án trong phạm vi được ủy quyền; + Tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng bảo đảm yêu cầu về tiến độ, chất lượng, chi phí, an toàn và bảo vệ môi trường trong xây dựng; Báo cáo công việc với chủ đầu tư trong quá trình quản lý dự án; Chịu trách nhiệm về vi phạm pháp luật trong quản lý thực hiện dự án; Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Về cơ cấu tổ chức, biên chế, số lượng người làm việc: Lãnh đạo Ban quản lý dự án: gồm giám đốc và không quá 03 phó giám đốc.

Giám đốc Ban quản lý dự án là người đứng đầu Ban, chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và trước pháp luật về toàn bộ việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban. Giám đốc Ban quản lý dự án phải đảm bảo đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn, năng lực theo quy định của pháp luật.

Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án là người giúp giám đốc chỉ đạo một số mặt công tác, chịu trách nhiệm trước giám đốc và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công. Khi giám đốc vắng mặt, một phó giám đốc được Giám đốc ủy nhiệm điều hành các hoạt động của Ban.

Các phòng chuyên môn, nghiệp vụ của Ban quản lý dự án gồm 4 phòng: Phòng Tổ chức - Hành chính - Kế toán; Phòng Kế hoạch - Đấu thầu; Phòng Dự án 1; Phòng Dự án 2.

Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Giám đốc, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án và các chức danh khác được thực hiện theo quy định của pháp luật và phân công, phân cấp theo quy định hiện hành.

Biên chế và số lượng người làm việc: Biên chế và số lượng người làm việc của Ban quản lý dự án được xác định trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, đề án vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Khi mới sáp nhập, số lượng biên chế, người làm việc của Ban quản lý dự án bằng tổng số viên chức, hợp đồng lao động của Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn (theo Quyết định số 375/QĐ- UBND ngày 20/02/2023 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An) và Ban quản lý dự án Đê điều, tối đa là 69 người (trong đó 32 viên chức, 26 hợp đồng không xác định thời hạn, 10 hợp đồng lao động có xác định thời hạn, 01 hợp đồng lao động theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ).

Việc quản lý, tuyển dụng, sử dụng công chức, viên chức, hợp đồng lao động thực hiện theo quy định của pháp luật và phân công, phân cấp quản lý hiện hành.

Lực lượng chức năng huyện Hưng Nguyên tập trung gia cố đê. Ảnh: Quang An
Huyện Hưng Nguyên tập trung gia cố đê điều mùa mưa bão. Ảnh: Quang An

Về cơ sở vật chất, tài sản, tài chính, công trình, dự án: đối với cơ sở vật chất, tài sản: Trên cơ sở quyết định sáp nhập, căn cứ cơ sở vật chất, tài sản hiện có của Ban quản lý dự án Đê điều sẽ tổ chức bàn giao cho Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn quản lý, sử dụng theo đúng tiêu chuẩn, định mức của nhà nước quy định. Việc đầu tư cơ sở vật chất, các trang thiết bị thiết yếu sẽ được Ban Quản lý dự án thực hiện từng bước nhằm đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất để hoạt động.

Tài chính, công trình, dự án: Nguồn kinh phí được sử dụng cho hoạt động của Ban quản lý dự án gồm: Thu từ chi phí quản lý dự án của dự án; Thu từ thực hiện hoạt động tư vấn của dự án; Thu từ thực hiện hoạt động tư vấn, quản lý dự án cho dự án khác ngoài dự án được giao quản lý (theo hợp đồng); Thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật (nếu có).

Ban quản lý dự án Đê điều chuyển kinh phí quản lý dự án, các dự án đã hoàn thành nhưng chưa quyết toán, các dự án đang thực hiện dở dang, dự án mới và nội dung khác có liên quan sang Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Nghệ An để tiếp tục thực hiện.

Mới nhất
x
Sáp nhập Ban Quản lý dự án Đê điều vào Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO