Sạt lở dọc sông Rộ đe dọa cuộc sống người dân

19/05/2017 14:37

(Baonghean) - Xã Võ Liệt (Thanh Chương) có 10 thôn sinh sống dọc bờ sông Rộ và sông Lam. Qua kiểm tra, rà soát dọc các bờ sông trên có một số hộ dân cư bị sạt lở đất có nguy cơ làm sạt lở đến nhà ở. Tình trạng trên khiến người dân “ăn không ngon, ngủ không yên” khi mùa mưa lũ đang đến gần.

Sạt lở dọc sông Rộ

Gia đình ông Phạm Đình Hạnh (59 tuổi), thôn Hòa Hợp, xã Võ Liệt đã sinh sống ổn định dọc sông Rộ khoảng 20 năm nay. Tuy nhiên từ tháng 8/2016, tình trạng sạt lở dọc con sông này khiến gia đình gồm 5 người của ông không khỏi lo âu. Diện tích đất phía sau vườn nhà ông bị nước sông “ăn” vào hơn 3m.

Dẫn chúng tôi ra chứng kiến trực tiếp, ông Hạnh cho biết, toàn bộ tường rào phía sau dài 15m và công trình phụ, chuồng lợn đều bị cuốn theo đất, nay chỉ còn chổng chơ bê tông, những mảng tường còn sót lại. Vị trí sạt lở gần nhất chỉ còn cách nhà ở khoảng 5m. Không khỏi bất an, ông Hạnh chia sẻ: “Cứ mỗi lần theo dõi dự báo thời tiết có trời mưa là chúng tôi lại nơm nớp. Tối nằm không dám ngủ”. Theo thống kê của chính quyền xã Võ Liệt, diện tích đất bị sạt lở của hộ ông Hạnh đã lên đến 80m2.

Sạt lở tiến sát nhà ông Nguyễn Đình Ngọ ở thôn Vận Tải, xã Võ Liệt. Ảnh: Thành Duy
Sạt lở tiến sát nhà ông Nguyễn Đình Ngọ ở thôn Vận Tải, xã Võ Liệt. Ảnh: Thành Duy

Cạnh nhà ông Phạm Đình Hạnh là gia đình anh Nguyễn Hữu Thái cũng đối mặt với tình trạng bị đe dọa do ảnh hưởng sạt lở dọc sông Rộ. Vị trí sạt lở chỉ còn cách nhà ở của gia đình 3,5m. Không giấu nổi lo lắng, anh Thái chỉ cho tôi mảng tường nhà đã bị nứt một đường dài mà theo anh là do ảnh hưởng của sạt lở. Còn phía sau nhà, tại hiện trường vẫn còn nguyên những mảng tường bê tông nằm ngổn ngang và dàn mái của chuồng lợn làm bằng kết cấu thép kiên cố nằm chổng chơ.

Anh cho biết, là gia đình trẻ, vợ chồng đầu tư chuồng lợn để chăn nuôi nhưng khi vừa kịp thả lợn giống thì toàn bộ bị sạt lở. Thậm chí cây cổ thụ phía sau vườn cũng bị cuốn theo vết sạt, trượt dài xuống gần bờ sông. Toàn bộ diện tích đất bị sạt của gia đình anh Thái vào khoảng 85m2. “Vào mùa mưa lũ, theo kinh nghiệm hàng năm thì nước sông Rộ dâng cao, có năm sát với nền nhà. Bây giờ nước còn nhỏ nhưng mùa mưa lũ đang đến gần, chúng tôi hết sức lo lắng”, anh Thái bày tỏ. Cũng tại thôn Hòa Hợp còn có trường hợp gia đình ông Phan Sỹ Đường bị sạt lở đất vườn 35m2, làm hỏng chuồng lợn.

Chung tình trạng với các gia đình trên là hộ ông Lê Văn Mão, thôn Yên Xuân. Mặc dù ở thôn khác nhưng gia đình ông Mão nằm liền kề gia đình anh Nguyễn Hữu Thái và ông Phạm Đình Hạnh và các gia đình này đều có nhà ở, vườn nằm dọc sông Rộ. Theo thông kê, ông Mão bị sạt đất vườn khoảng 30m2, vị trí sạt tính đến hiện tại cũng chỉ còn cách nhà ở 4,5m. Sống ở đây cũng khoảng 20 năm, chưa bao giờ gia đình 6 người của ông lâm vào tình trạng lo lắng như từ năm 2016 đến nay. Chỉ những hàng tre trồng san sát, che kín cả dọc bờ sông Rộ phía sau nhà, ông Mão cho biết: “Người dân cũng trồng tre để chống sạt lở, đảm bảo an toàn nhưng từ mùa mưa lũ năm 2016 đến nay cũng không chặn được tình trạng này”.

Còn tại thôn Vận Tải, gia đình ông Nguyễn Đình Ngọ (sinh năm 1954) đã sinh sống ở vị trí hiện tại từ năm 1973 và đã xây dựng nhà kiên cố. Đây là địa điểm nằm ở ngã ba sông, đoạn tiếp giáp giữa sông Rộ và sông Lam. Hàng chục năm sinh sống ổn định trên mảnh đất này, vị cựu chiến binh từng vào sinh ra tử ở chiến trường Nam Bộ không giấu được sự lo âu trong ánh mắt, câu chuyện với chúng tôi khi sông cứ lần dần vào đất ở và trực tiếp đe dọa đến ngôi nhà xây kiên cố. Ông kể: Trước đây, khoảng đất phía bên nhà giáp sông Rộ rất rộng, thậm chí mảnh đất phía trước nhà giáp ngã ba sông còn đủ diện tích làm rạp đám cưới cho con. Nhưng từ tháng 9, tháng 10/2016, đất bắt đầu sạt lở, cuốn trôi cả những dãy tre.

“Vào 19 giờ này 13/5 vừa qua, mặc dù chỉ mới mưa vừa phải nhưng đất tiếp tục sạt lở vào 1m. Vị trí sạt gần nhà nhất cũng chỉ còn chưa đầy 2m. Gia đình tôi ba thế hệ, 8 người cùng sinh sống ở đây hàng chục năm nay. Giờ cứ sạt lở thế này vô cùng lo lắng, bất an. Mỗi khi có mưa là chúng tôi gửi cháu nội về ở bên ngoại, còn cửa sau luôn mở để theo dõi tình hình. Nếu nhà cửa có bị sạt cũng kịp thoát thân, sơ tán tài sản”, ông Ngọ lo lắng kể về trận sạt lở gần nhất.

Sạt lở phía sau nhà ông Phạm Đình Hạnh ở thôn Hòa Hợp, xã Võ Liệt (Thanh Chương). Ảnh: Thành Duy
Sạt lở phía sau nhà ông Phạm Đình Hạnh ở thôn Hòa Hợp, xã Võ Liệt (Thanh Chương). Ảnh: Thành Duy

Cần có giải pháp căn cơ

Thống kê của chính quyền xã Võ Liệt cho thấy, hộ các ông: Phạm Đình Hạnh, Nguyễn Hữu Thái, Lê Văn Mão, Nguyễn Đình Ngọ có nguy cơ sạt lở mất nhà ở; cùng với đó còn có khoảng 10 hộ cũng có nguy cơ bị sạt lở đe dọa đất vườn. Ngoài ra, đoạn đường nhựa liên thôn Hòa Hợp đi Yên Xuân cũng bị sạt lở đoạn gần sông Rộ với chiều dài 100m, chiều cao sụt lún xuống 1,5m, có nguy cơ sập đường, gây ách tắc giao thông.

Trước những tình trạng trên, Phó Chủ tịch UBND xã Võ Liệt Trần Thị Thủy Long cho biết, xã đã làm các báo cáo gửi UBND huyện để có giải pháp căn cơ khắc phục, đảm bảo ổn định đời sống cho nhân dân; đồng thời tập trung theo dõi diễn biến thời tiết để kịp thông báo sơ tán người dân khi có mưa lũ. Vấn đề sạt lở này cũng đã được ông Phan Chính Tâm - Bí thư Đảng ủy xã Võ Liệt phản ánh lên các đại biểu Quốc hội và chính quyền huyện Thanh Chương tại cuộc tiếp xúc cử tri ngày 26/4 vừa qua.

Sạt lở phía sau nhà anh Nguyễn Hữu Thái, thôn Hòa Hợp, xã Võ Liệt (Thanh Chương). Ảnh: Thành Duy
Sạt lở phía sau nhà anh Nguyễn Hữu Thái, thôn Hòa Hợp, xã Võ Liệt (Thanh Chương). Ảnh: Thành Duy

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Quế - Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết đã chỉ đạo phòng Kinh tế - Hạ tầng về kiểm tra. Qua đó, đối với những vấn đề đường giao thông đã chỉ đạo phòng Tài chính trích ngân sách dự phòng của huyện để khắc phục, đảm bảo nhu cầu đi lại cho nhân dân; đồng thời giao xã theo dõi thường xuyên, kịp thời để có phương án sơ tán người dân khi khẩn cấp. Còn vấn đề khắc phục sạt lở do cần tìm hiểu nguyên nhân và kinh phí vượt quá khả năng địa phương, huyện đã có văn bản báo cáo các ngành chức năng của tỉnh và đề nghị có giải pháp giúp huyện xử lý căn cơ, đảm bảo cho nhân dân.

Có thể thấy, trước tình trạng sạt lở dọc bờ sông Rộ đang trực tiếp đe dọa đến cuộc sống, tải sản của không ít hộ dân ở xã Võ Liệt. Hiện nay, mùa mưa lũ đang đến gần, qua trao đổi với các hộ dân bị ảnh hưởng như phản ánh ở trên, bà con đều mong muốn cơ quan chức năng liên quan ở cấp tỉnh về kiểm tra, đánh giá địa chất của khu vực dân cư đang sinh sống. Qua đó, có kết luận chỉ ra nguyên nhân và giải pháp khắc phục cụ thể hoặc cho di dời, tránh tình trạng, cuộc sống cứ nơm nớp lo lắng, bất an như hiện nay.

Thành Duy

TIN LIÊN QUAN

Sạt lở dọc sông Rộ đe dọa cuộc sống người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO