Xã hội

Sâu róm tàn phá hàng trăm ha rừng thông ở Nghệ An

Tiến Hùng 23/08/2024 16:00

Khoảng 1 tháng nay, nạn sâu róm hoành hành khiến hàng trăm hecta rừng thông ở huyện Nghi Lộc bị trụi lá, nguy cơ chết khô.

Nguy cơ thành dịch

Gian nan cuộc chiến với sâu róm thông. Video: Tiến Hùng

Trung tuần tháng 8/2024, chúng tôi theo chân cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ Nghi Lộc vào rừng thông để bẫy sâu róm. Công việc này được lực lượng bảo vệ rừng triển khai từ 1 tháng nay, kể từ khi nạn sâu róm bắt đầu lan nhanh. Bẫy đèn là 1 trong 2 giải pháp mà Ban quản lý rừng phòng hộ Nghi Lộc đã triển khai để phòng trừ loài sâu róm này gây hại cho thông.

Theo cán bộ bảo vệ rừng, tình hình sinh trưởng của sâu róm thông ở huyện Nghi Lộc đang diễn biến rất phức tạp, gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của rừng. Hiện nay đang tồn tại sâu non thế hệ III/2024. Riêng khu vực phía Đông tính từ Quốc lộ 1A xuống các xã Nghi Yên, Nghi Tiến, Nghi Quang, Nghi Xá, sâu non sinh trưởng, phát triển mạnh. Cụ thể, đã có đến 300 ha diện tích rừng thông bị nhiễm nặng mật độ 350 – 400 con/cây, hiện nay đã bị cắn phá gây xơ, trụi tán lá. Ngoài ra, còn có 450 ha diện tích rừng bị nhiễm nhẹ hơn, với trung bình mật độ sâu 150 – 200 con/cây.

Cánh rừng nguy cơ bị chết khô vì sâu róm.
Cánh rừng nguy cơ bị chết khô vì sâu róm. Ảnh: Tiến Hùng

Còn tại khu vực lâm phần rừng thông các xã Nghi Đồng, Nghi Hưng, mật độ sâu 20-30con/cây, phân bố cục bộ theo vùng, không đồng đều, chủ yếu tập trung phía trên giông…

Ông Trần Văn Trường – Phó trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Nghi Lộc cho biết, từ đầu năm đến nay, điều kiện thời tiết ấm hơn trung bình nhiều năm nên thuận lợi cho một số loài sâu bệnh phát triển, đặc biệt là sâu róm thông. Diễn biến sâu róm thông phức tạp nguy cơ phát triển thành dịch nên đơn vị đã tập trung nguồn nhân lực, tài chính để phun phòng, phun trừ. Tuy nhiên, công tác điều tra, dự báo sự phát triển của các lứa sâu gặp rất nhiều khó khăn vì diện tích rừng lớn, rừng thông cấp tuổi V-VI chiếm diện tích lớn, cây có chiều cao bình quân từ 20 – 25 m, nên việc xác định mật độ sâu khó chính xác. Các nhân tố khác như khí hậu, lập địa cũng làm thay đổi sự hình thành và phát triển của các lứa sâu. Hiện trường phun thuốc đồi núi cao, dốc, chênh vênh, cây bụi, dây leo rậm rạp rất khó khăn cho công tác phun phòng. Đến nay đơn vị đã phun thuốc diệt sâu trên diện tích hơn 150 hecta.

Từ trên cao, dễ dàng nhìn thấy những cánh rừng thông bị sâu róm tàn phá.
Từ trên cao, dễ dàng nhìn thấy những cánh rừng thông bị sâu róm tàn phá. Ảnh: Tiến Hùng

Chong đèn bẫy sâu róm

Cùng với việc phun thuốc trừ sâu, những ngày gần đây, Ban quản lý rừng phòng hộ Nghi Lộc còn triển khai giải pháp bẫy sâu róm bằng đèn. Theo anh Võ Hiền Tuân – Trưởng phòng Khoa học (Ban quản lý rừng phòng hộ Nghi Lộc), cũng như nhiều loài sâu khác, sâu róm thông trưởng thành sẽ chui vào kén, sau thời gian ngắn sẽ hóa thành bướm rồi bay ra, tiếp tục đẻ trứng, sinh sôi nảy nở rất nhanh. “Bướm này chúng tôi gọi là sâu trưởng thành, chúng rất thích ánh sáng của đèn cực tím. Nên việc bẫy bằng đèn cũng rất hiệu quả”, anh Tuân nói.

Để bẫy sâu róm, những ngày gần đây, cứ chiều tối, 4 cán bộ bảo vệ rừng chia thành 2 nhóm, lỉnh kỉnh đồ đạc tiến về các cánh rừng thông đang bị sâu róm ăn trụi. Dụng cụ bẫy sâu ngoài đèn cực tím còn có các tấm bạt để chứa nước ngay phía dưới đèn. Vị trí đặt bẫy phải là nơi có không gian thoáng, để sâu róm trong cánh rừng thông nhìn thấy được ánh đèn. Để có điện thắp sáng đèn, họ phải mang theo hàng trăm mét dây điện, đấu nối với nhà dân gần đó. Vị trí đặt bẫy không chỉ phải thoáng mà phải cách không xa nhà dân, để dây điện có thể bắt tới. Với ánh đèn này, sẽ dụ được sâu róm nhìn thấy từ khoảng cách 1km trở lại.

Bẫy sâu róm được đặt ở vị trí thoáng.
Bẫy sâu róm được đặt ở vị trí thoáng. Ảnh: Tiến Hùng

Việc bẫy sâu róm thoạt nhìn tưởng dễ, nhưng cũng khá phức tạp. Tấm bạt ngoài chứa nước, còn được đổ thêm chút dầu, nhằm khiến sâu róm trưởng thành rơi xuống sẽ không thể bay lên được. Sau khi thấy ánh đèn cực tím, sâu trưởng thành sẽ bay xuống. Đèn được lắp ngay trên tấm bạt chứa nước, nên ánh đèn sẽ phản chiếu xuống đó. “Sâu sau khi bay xuống, nhìn thấy dưới nước cũng có ánh đèn phản chiếu, tưởng đó là đèn thật nên lao tới. Như thế là dính bẫy”, anh Tuân lý giải.

So với việc phun thuốc trừ sâu, việc bẫy sâu róm bằng đèn chẳng mấy nặng nhọc. Sau khi lắp đặt bẫy xong, cứ việc chờ sâu bị dẫn dụ tới. Tuy nhiên, vì sợ mất thiết bị, các cán bộ bảo vệ rừng không dám bỏ về nhà ngủ, mà nhiều đêm phải thức trắng để trông.

“Những thiết bị này cũng chẳng phải đắt đỏ gì, nhưng cứ để vậy cả đêm không ai trông cũng sợ. Đặc biệt là hàng trăm mét dây điện”, anh Tuân nói.

Thành quả sau một đêm bẫy sâu.
Thành quả sau một đêm bẫy sâu. Ảnh: Tiến Hùng

Mỗi đêm, có gần 20 bẫy đèn được lắp đặt. Mỗi bẫy đèn như thế có đêm bẫy được khoảng 3kg sâu trưởng thành. Sâu thì bạt ngàn, bẫy từng con như vậy cũng có một số người nói là chẳng thấm vào đâu. Nhưng đây là giải pháp phòng trừ khá hiệu quả. Vì mỗi con sâu trưởng thành như thế, nếu không bị bẫy, ít ngày sau sẽ đẻ hàng nghìn quả trứng, bắt đầu một chu kỳ mới.

Đặc biệt, theo những người này, việc bẫy sâu bằng đèn cũng đỡ vất vả hơn, đỡ phải len lỏi khắp các cánh rừng phun thuốc. “Việc phun thuốc không đơn giản, vì trước đó phải nghiên cứu, sâu tại cánh rừng này đang ở độ tuổi nào mới phun được. Chúng tôi chỉ phun khi sâu đang độ tuổi ăn nhiều nhất, vì thời điểm đó mới dễ ăn phải thuốc bám vào lá. Ngoài ra, cũng phải khoanh vùng để phun kịp thời, vì tốc độ sâu ăn rất nhanh, hôm nay thấy rừng thông vẫn còn xanh, nhưng có khi ngày mai đã bị chúng ăn trụi lá rồi. Những ngày đi phun thuốc trừ sâu, mỗi người phải vác trên lưng gần 30 kg, địa hình thì chủ yếu đồi núi nên rất mệt. Dù mặc đồ bảo hộ, nhưng sâu róm quá nhiều, nên không ít lần bị chúng chui vào người. Mỗi lần như thế, phải mất mấy ngày mới khỏi độc”, anh Võ Hiền Tuân nói thêm.

Việc phun thuốc trừ sâu khá vất vả.
Việc phun thuốc trừ sâu khá vất vả. Ảnh: Tiến Hùng

Để phun thuốc trừ sâu hiệu quả và đỡ vất vả cho cán bộ, Ban quản lý rừng phòng hộ Nghi Lộc cũng từng nghĩ đến phương án thuê flycam. Đơn vị cũng đã liên hệ với một số nơi, nhưng họ báo giá là 800.000 đồng đến 1 triệu đồng/1hec ta, trong khi đơn vị đang quản lý hàng nghìn hec ta rừng thông, không đủ kinh phí để thuê, chính vì vậy, anh em cán bộ vẫn phải chịu khó vào chui giữa rừng sâu để phun./.

Mới nhất

x
Sâu róm tàn phá hàng trăm ha rừng thông ở Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO