Sẽ chống ùn tắc ở các trạm thu phí BOT bằng thu phí không dừng
(Baonghean.vn) - Đó là khẳng định của đồng chí Nguyễn Hồng Trường - Thứ trưởng Bộ GTVT tại buổi làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với UBND tỉnh Nghệ An.
Sáng 21/3, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do ông Nguyễn Hữu Quang - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh về thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT. Cùng dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Hồng Trường - Thứ trưởng Bộ GTVT. Tiếp và làm việc với đoàn, có đồng chí Huỳnh Thanh Điền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh và một số địa phương. |
Giai đoạn 2011-2016 trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 2 dự án giao thông đầu tư theo hình thức BOT do Trung ương quyết định đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể: Dự án tuyến tránh TP Vinh dài 25Km do Tổng Công ty XDCTGT 4 đầu tư theo hình thức BOT, được sử dụng nguồn vốn thu phí tại trạm thu phí cầu Bến Thủy I,II và Dự án mở rộng QL1A đoạn Km368+400 (Nghi Sơn) - Km402+330 (Cầu Giát) qua tỉnh Thanh Hóa- Nghệ An có tổng mức đầu tư 3.643 tỷ đồng do Liên danh Tổng Công ty XDCTGT 4 - Tổng Công ty 319 đầu tư xây dựng. Dự án được sử dụng nguồn vốn thu phí tại trạm thu phí Hoàng Mai để hoàn vốn.
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Thanh Lê |
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Thanh Điền khẳng định: Việc đầu tư các công trình theo hình thức BOT là hết sức cần thiết trong điều kiện ngân sách còn khó khăn. Các dự án BOT đã góp phần tích cực trong việc phát triển hạ tầng giao thông, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Bên cạnh ưu điểm, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng cho rằng các dự án BOT vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc như: Một số quy định chưa cụ thể, cần bổ sung chế tài quản lý, kể cả cơ chế chính sách; Giá thu phí, lộ trình tăng phí các công trình giao thông theo hình thức BOT nhiều điểm còn chưa phù hợp; việc quản lý xây dựng, công tác bảo trì, đảm bảo giao thông vẫn còn một số tồn tại.
Đồng chí Huỳnh Thanh Điền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Trong quá trình thu phí hoàn vốn BOT, cần hài hòa lợi ích của nhà đầu tư, người dân và quá trình phát triển kinh tế của địa phương. Ảnh: Thanh Lê. |
Để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư, người dân và nhà nước, tỉnh Nghệ An kiến nghị: Cần bổ sung cơ chế chính sách liên quan đến công trình BOT; tăng cường công tác quản lý nhà nước, công tác kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện; triển khai xây dựng và có quy định mức giá, lộ trình tăng giá, thời gian thu phí phù hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng và đảm bảo được tính hiệu quả chung và lợi ích của nhân dân cũng như nhà đầu tư.
Tăng cường kiểm soát lưu lượng phương tiện qua trạm, kiểm soát doanh thu thực tế của dự án để đảm bảo tính minh bạch. Đề nghị Bộ GTVT có giải pháp giải quyết một cách lâu dài trước đề nghị của các chủ phương tiện không đi trên tuyến tránh mà vẫn phải nộp phí khi đi qua cầu Bến Thủy
Đồng chí Nguyễn Hữu Quang - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Quốc hội kết luận buổi làm việc. Ảnh: Thanh Lê. |
Liên quan đến lộ trình thu phí cầu Bến Thủy, ông Ngô Trọng Nghĩa - Phó Tổng Giám đốc Cienco4 khẳng định: Lộ trình tăng phí của cầu Bến Thủy phù hợp với Thông tư 159 của Bộ GTVT, trên cơ sở kiến nghị của tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, nhà đầu tư kiến nghị với Bộ GTVT giảm mức phí.
“Việc ý kiến một số người dân đề nghị thay đổi vị trí trạm thu phí, miễn phí là rất khó khăn cho nhà đầu tư. Nhà đầu tư kiến nghị Bộ GTVT, Bộ Tài chính sớm có giải pháp giảm thu phí cầu Bến Thủy, giải quyết bức xúc trên địa bàn. Hoàn chỉnh thể chế đầu tư dự án BOT, tinh giảm thủ tục trong thực hiện dự án. Đối với chính quyền địa phương, UBND tỉnh Nghệ An sớm quyết toán phương án GPMB. Phối hợp các cơ quan giải quyết tình trạng lấn chiếm hành lang và xe quá tải”- ông Nghĩa đề nghị.
Trạm thu phí cầu Bến Thủy I. Ảnh: Thanh Lê |
Khẳng định sự cần thiết thu hút các dự án đầu tư theo hình thức BOT là chủ trương của Đảng và Nhà nước để phát triển hạ tầng GTVT, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường làm rõ vì sao người dân không có sự lựa chọn khác ngoài dự án BOT bởi phần lớn hiện nay (65%) dự án BOT là nâng cấp còn dự án làm mới chỉ chiếm 35%.
Liên quan đến việc thu phí cầu Bến Thủy, Bộ GTVT sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan tìm giải pháp giảm phí cho người dân thường xuyên đi qua cầu Bến Thủy. Đồng thời Bộ chỉ đạo các trạm thu phí chuyển sang thu phí không dừng để chống ùn tắc và tạo minh bạch tại các trạm thu phí BOT.
“Đoàn Giám sát Quốc hội cần hiểu đúng để tuyên truyền cho người dân nhận thức rõ về dự án BOT. Đề nghị Bộ, ngành liên quan có hướng dẫn cụ thể trong việc thực hiện các dự án BOT để thu hút dự án đầu tư; có chính sách ưu đãi cho người dân, doanh nghiệp đi qua các trạm thu phí nhiều lần/ngày”- đồng chí Nguyễn Hồng Trường kiến nghị.
Tại buổi làm việc các đại biểu cũng phản ánh về tình trạng hệ thống văn bản liên quan đến đầu tư theo hình thức BOT còn nhiều bất cập, chưa huy động nhà đầu tư nước ngoài theo hình thức BOT, chất lượng đầu tư các dự án, mức thu phí, trạm thu phí, việc thực hiện thu phí không dừng,...
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Hữu Quang - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhấn mạnh vai trò các dự án đầu tư theo hình thức BOT đối với địa phương. Đồng chí đề nghị: Tỉnh cần phối hợp với Bộ GTVT có giải pháp giải quyết vấn đề kiến nghị của người dân trạm thu phí cầu Bến Thủy (vị trí, mức thu, và chính sách đối với người dân xung quanh hai đầu trạm thu phí). Địa phương, nhà đầu tư, các bộ, ngành cần tích cực phối hợp giải quyết các vấn đề còn vướng mắc.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài Chính - Ngân sách của Quốc hội nhấn mạnh: Cần tăng cường công tác truyền thông để người dân nhận thức được cần có trách nhiệm trong thực hiện đóng phí các dự án BOT.
Qua đợt giám sát này, Đoàn Giám sát tổng hợp các ý kiến đề xuất các giải pháp để khắc phục hạn chế, phát huy hiệu quả các dự án đầu tư theo hình thức BOT./.
Thanh Lê
TIN LIÊN QUAN |
---|