Sinh ra ở trại tị nạn...
(Baonghean.vn) - 5 năm nội chiến liên miên tại Syria, không biết bao nhiêu căn lều tạm bợ đã trở thành chỗ nương thân cho những mảnh đời lang thang ở trại tị nạn Zaatari của Jordan. Những bụi cây rậm rạp cũng dần hình thành những đường mòn nhỏ, chỉ thiếu mỗi tên đường. Và 1 thế hệ đã chào đời, từ những người cha, người mẹ luôn đau đáu nỗi niềm lo sợ rằng những đứa trẻ sẽ chẳng bao giờ biết đến mảnh đất quê hương.
Một thế hệ mới chào đời trong khu trại tị nạn Zaatari. Ảnh: Reuters. |
Hudhayfah Al Hariri, chạy trốn khỏi Deraa từ 4 năm trước, đã chứng kiến Zaatari nhanh chóng phát triển thành nơi cư ngụ của khoảng 85.000 người di cư, trở thành “thành phố” đông dân thứ 4 của Jordan. Những đứa trẻ chơi đùa giữa những căn nhà tạm bợ, trường học được mở ra, bác sỹ chăm lo sức khỏe cho mọi người, trẻ sơ sinh trong vòng tay những người luống tuổi.
Hariri, 26 tuổi, từng lên kế hoạch kết hôn ngay tại thị trấn quê nhà. Căn hộ tương lai của cặp đôi đã được trang hoàng cẩn thận. Nhưng khi các đợt pháo kích không ngừng tăng lên, anh buộc phải sơ tán khỏi nơi chôn rau cắt rốn. Lễ thành hôn của Hariri khởi đầu cho nhiều lễ cưới sau này được tổ chức tại khu trại hoang vắng cách biên giới Syria chỉ chừng 15 km.
Lễ cưới của vợ chồng anh Hariri tại trại tị nạn ở Mafraq, Jordan hồi tháng 9/2012. Ảnh: Reuters. |
Bức ảnh ngày cưới là hình ảnh Hariri cùng người vợ trẻ cùng ngồi trên ghế nhựa, phông nền phía sau là một tấm thảm lễ hội màu cam, anh nhìn có vẻ cứng nhắc trước ống kính, còn chị liếc mắt sang chỗ khác, chất chứa trầm tư.
Hariri giờ đây đã là cha của 2 đứa trẻ. Ảnh: Reuters. |
Giờ đây, người cha của 2 đứa trẻ lo ngại rằng những đứa con được sinh ra tại trại tị nạn - 1 đứa 2 tuổi và 1 đứa 8 tháng tuổi - có thể mất đi sự kết nối với quê nhà và gia đình đã bị bỏ lại phía sau.
Hariri nói: “Ước mơ của tôi là trở lại Syria, và nuôi dạy con cái ở đó - sống trên mảnh đất của ông cha, để con tôi được sống ở nơi tốt đẹp nhất. Quê hương của chúng tôi không phải ở đây, mà là Syria. Khi chúng lớn thêm một chút, tôi sẽ kể chúng nghe, nhưng tôi vẫn hy vọng chúng được trưởng thành ở Syria”.
Theo thống kê của Liên hợp quốc, từ khi cuộc nổi dậy chống Tổng thống Bashar al-Assad nổ ra hồi năm 2011, hơn 4,2 triệu người đã phải rời bỏ Syria. Khoảng 13,5 triệu người cần được bảo vệ và giúp đỡ trong lãnh thổ Syria, trong đó hơn 6 triệu là trẻ em.
Khu trại tị nạn Zaatari tại Jordan, chụp hôm 7/3. Ảnh: Reuters. |
Um Ahmad, 26 tuổi, cũng phải biệt xứ từ 3 năm trước sau khi ngôi nhà của cô ở Homs bị phá hủy sau những đợt pháo. Hiện người phụ nữ trẻ này đang mang thai đứa con thứ 4, và đây cũng là lần thứ 2 cô lâm bồn trong trại tị nạn.
Những đứa trẻ chỉ được sống vài năm đầu đời ở Syria, và những ký ức về quê nhà dần phai mờ trong tâm trí chúng là điều khiến Um Ahmad cảm thấy buồn bã nhất: “Khi chúng tôi mới tới đây, chúng liên tục hỏi ‘bao giờ chúng ta quay về hả mẹ?’. Nhưng giờ chúng đã quên điều đó, mải vui chơi, học hành,… Nếu ở đây thêm 2 năm nữa thôi, tất cả chúng tôi rồi sẽ quên mất Syria”.
Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) ước tính mỗi tuần lại có 50-80 trẻ được sinh ra tại Zaatari kể từ khi trại được thành lập năm 2012.
Ước tính mỗi tuần lại có thêm 50-80 trẻ sơ sinh tại đây. Ảnh: Reuters. |
Khu trại có 2 cơ sở chăm sóc sức khỏe sinh sản, một là bệnh viện dã chiến Morocco, có 60 giường bệnh, 1 phòng phẫu thuật và đội ngũ nhân viên 118 người.
Phòng khám còn lại là của Liên hợp quốc hỗ trợ, có 24 giường, 39 bác sỹ sản khoa, nhi khoa và y tá.
Bệnh viện, phòng khám dã chiến là nơi chăm sóc sức khỏe cho các bà mẹ và trẻ em ở trại tị nạn. Ảnh: Reuters. |
Bé gái Siwar chào đời hôm 7/3 trong phòng phẫu thuật thiếu sáng ở bệnh viện dã chiến Morocco, sau ca sinh mổ tại một căn lều được khử trùng để đáp ứng điều kiện phẫu thuật.
Bé gái chào đời sau ca sinh mổ trong căn lều được khử trùng phục vụ phẫu thuật tại Zaatari hôm 7/3. Ảnh: Reuters. |
Mẹ của bé, Um Rimas, 22 tuổi, cho biết nỗi buồn lớn nhất của cô là cha mẹ mình không được gặp cháu ngoại. Cất giọng yếu ớt sau khi sinh đứa con thứ 2 ở Zaatari, cô nói: “Mọi chuyện ở đây thật khó khăn. Nếu ở quê nhà, xung quanh là gia đình, tôi sẽ cảm thấy khác, còn ở trại tị nạn tôi chẳng có lấy một người thân”.
Thu Giang
(Theo Reuters)
TIN LIÊN QUAN |
---|