Chanh Thiên Nhẫn ở xã Nam Kim (Nam Đàn) thuộc dòng chanh giấy, vỏ khá mỏng, có hạt, quả màu xanh, tròn, mọng nước, có mùi thơm đặc trưng. Đặc biệt, là trời phú cho cây chanh Thiên Nhẫn ra trái vụ tự nhiên mà không cần đến tác động từ con người và chất kích thích. Mặc dù là cây hàng hóa, nhưng do chưa có thị trường tiêu thụ ổn định nên đầu ra cho cây chanh rất bấp bênh, thường xuyên “được mùa, mất giá”.
Năm 2020, Dự án “Chanh Thiên Nhẫn – Hành trình theo dấu chân Người” của anh Đặng Văn Hóa – Giám đốc HTX Chanh Nam Kim đạt giải Nhất Cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, do UBND tỉnh và Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An tổ chức.
Sau 3 năm, dự án đạt được một số thành công nhất định. HTX đã xây dựng được vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn VietGAP để tạo ra những quả chanh sạch, chất lượng; xưởng sản xuất chế biến chanh dần được hoàn thiện với hệ thống máy móc hiện đại, công suất chế biến hơn 1.000 tấn chanh/năm; HTX đã ứng dụng công nghệ hiện đại, với sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, địa phương và sự tư vấn của các chuyên gia hàng đầu để sản xuất, chế biến nhiều sản phẩm đa dạng từ chanh phục vụ người tiêu dùng trong nước và định hướng xuất khẩu, tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương. Đặc biệt, đã khôi phục, phát triển vùng chanh giấy Thiên Nhẫn ở xã Nam Kim và các xã phụ cận.
Với anh Nguyễn Hữu Hạnh ở xã Tân Thắng (Quỳnh Lưu), trăn trở trước những cánh đồng dứa bạt ngàn ở huyện Quỳnh Lưu sau mỗi mùa thu hoạch, lá dứa ngổn ngang trên đồng, người dân phải dùng thuốc cỏ để xử lý, chờ khô rồi đốt, vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa làm đất trồng chai cứng, tốn kém và ảnh hưởng sức khỏe của nông dân, anh đã mày mò, nghiên cứu, tìm hiểu việc tách tơ sợi lá dứa bằng máy để phục vụ ngành dệt may, thủ công mỹ nghệ. “100 kg lá dứa thì làm ra 5 kg sợi tơ thô, bán với giá 800.000 đồng/kg. Mỗi ha dứa, nông dân có thêm 60 – 70 triệu đồng tiền từ lá dứa mà trước đây bà con phải tốn công, tốn của để xử lý”, anh Hạnh cho biết.
Năm 2021, Dự án “ECOSOI – nguyên liệu bền vững – thời trang cao cấp” của Nguyễn Hữu Hạnh đạt giải Nhì tại Chương trình phát triển Dự án Khởi nghiệp Quốc gia. Trong quá trình tìm kiếm đầu ra cho tơ sợi dứa, anh kết nối được với 2 đối tác thành lập Công ty ECOSOI nghiên cứu, phát triển và kinh doanh sợi lá dứa, quảng bá sản phẩm đến với các nước trên thế giới. Đây chính là “bước đệm” để anh Hạnh hiện thực hóa ý tưởng lập đề án thuê đất, xây dựng nhà máy chế biến sợi lá dứa, thu mua nguyên liệu lá dứa cho người dân trong vùng, các tỉnh phụ cận, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động địa phương.
5 năm trở lại đây, ở Nghệ An xuất hiện rất nhiều người trẻ khởi nghiệp thành công như: Trần Thị Hà Nhung với sản phẩm lươn ăn liền NAP hiện xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới; Trần Thị Hồng Thắm với Dự án muối Nanosalt, Đặng Thị Tâm với Dự án mỳ rau củ;… Những dự án này, đã khai phá được tiềm năng tại các địa phương, đưa những nông sản, đặc sản, tài nguyên bản địa thành hàng hóa, vươn xa trên thị trường, từ đó, tạo việc làm và thu nhập ổn định, sinh kế bền vững cho người dân địa phương.
Ngay từ năm 2015, khi Chính phủ khuyến khích và quan tâm chỉ đạo tạo mọi điều kiện thúc đẩy khởi nghiệp, hướng tới xây dựng một quốc gia khởi nghiệp, Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An đã chủ động tham mưu kế hoạch, trình UBND tỉnh phê duyệt, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo.
Giai đoạn 2017-2020, tỉnh Nghệ An đã hình thành một số tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo như: Thành lập Trung tâm Nghiên cứu – Khởi nghiệp sáng tạo trực thuộc Trường Đại học Vinh (2017), Công ty CP Đầu tư và Hỗ trợ khởi nghiệp Nghệ An (2017).
Đặc biệt, UBND tỉnh phê duyệt “Kế hoạch hỗ trợ phát triển khởi nghiệp sáng tạo đến năm 2025”, khai trương không gian làm việc chung để hỗ trợ đào tạo, huấn luyện startup và kết nối với các nhà đầu tư, quỹ đầu tư trong nước và quốc tế. Mặt khác, tổ chức nhiều hoạt động về khởi nghiệp như: Techfest vùng Bắc Trung Bộ; Ngày hội đầu tư – Demo Day, Cuộc thi Hackathon Nghệ An; Ngày hội khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo tỉnh Nghệ An, Cuộc thi “Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo Nghệ An mở rộng”, các talk show chia sẻ về kinh nghiệm khởi nghiệp…
Phong trào khởi nghiệp từng bước được lồng ghép vào kế hoạch, chương trình hoạt động của từng ngành, địa phương; tạo sự nối kết mật thiết giữa các doanh nghiệp khởi nghiệp với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp dẫn đầu trong tỉnh đồng hành với các dự án khởi nghiệp, hướng dẫn, hỗ trợ và sử dụng các sản phẩm khởi nghiệp. Đáng quý hơn, rất nhiều người con Nghệ An xa quê là những doanh nhân thành đạt đã quay trở lại hỗ trợ, dẫn dắt, truyền lửa cho các bạn trẻ quê nhà khởi nghiệp như “Vua quạt đất Bắc” Trần Văn Lê (quê Thanh Chương); CEO Phan Bảo Long (quê Thanh Chương)…
Bên cạnh đó, tỉnh còn tạo điều kiện, cơ hội giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp khởi nghiệp thông qua các hoạt động, chuỗi sự kiện như: Các phiên chợ, hội chợ, triển lãm ngoài tỉnh và ở nước ngoài, thành lập các trung tâm giới thiệu hàng hóa, ký kết giao thương với các hệ thống siêu thị lớn; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp từ ý tưởng, phát triển sản phẩm, thành lập doanh nghiệp, đăng ký nhãn hiệu, nâng chất lượng, cải tiến bao bì…
Năm 2022, Nghệ An vinh dự được nhận danh hiệu “Địa phương tiêu biểu xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo bình chọn.