Vào ngày 15/2/2023, UBND tỉnh có Tờ trình số 898/TTr-UBND “Về việc xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ cho chủ rừng để thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Nghệ An” gửi Thường trực HĐND tỉnh. Tại đây, UBND tỉnh báo cáo Thường trực HĐND tỉnh đặc điểm tình hình công tác quản lý, bảo vệ rừng và sự cần thiết ban hành Nghị quyết.
Cụ thể, Nghệ An là địa phương có diện tích rừng lớn nhất cả nước với 1.008.740,67 ha. Trong đó, rừng tự nhiên 788.991,10 ha, rừng trồng 173.905,87 ha, rừng trồng chưa thành rừng 45.843,70 ha; độ che phủ rừng đạt 58,41%. Hiện nay, công tác quản lý và bảo vệ rừng được phân thành 4 nhóm. Nhóm các chủ rừng có lực lượng Kiểm lâm trực thuộc (Vườn Quốc gia Pù Mát và 2 Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống và Pù Hoạt) được giao quản lý 277.435,64 ha; nhóm các chủ rừng là hộ gia đình cá nhân, cộng đồng dân cư thôn bản, UBND các xã quản lý 550.625,85 ha; nhóm các chủ rừng là lực lượng vũ trang, tổ chức kinh tế khác được giao quản lý 31.999,31 ha. Nhóm còn lại, gồm 19 chủ rừng là tổ chức nhà nước được các lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng quản lý bảo vệ 427.698,67 ha.
427.698,67 ha do 19 chủ rừng là tổ chức nhà nước quản lý, bảo vệ chiếm 35% diện tích rừng và đất lâm nghiệp cả tỉnh, tập trung tại các khu rừng trọng điểm, giàu tài nguyên có mức độ đa dạng sinh học cao, gồm 2.995,97 ha rừng đặc dụng; 293.115,08 ha rừng phòng hộ; 121.153,51 ha rừng sản xuất; 10.434,11 ha rừng và đất ngoài quy hoạch ba loại rừng. Về nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, được quy định rõ tại Điều 14, Nghị định số 01/2019/NĐ-CP của Chính phủ với 6 nhiệm vụ cơ bản như sau: Tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng, đất rừng quy hoạch cho lâm nghiệp; phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi phá rừng, lấn chiếm rừng, khai thác lâm sản và các hành vi vi phạm pháp luật khác về quản lý, bảo vệ rừng; Tổ chức thực hiện phương án, biện pháp phòng cháy và chữa cháy rừng; tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng; kiểm tra, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, quản lý lâm sản; lập biên bản kiểm tra ban đầu, bảo vệ hiện trường, bảo quản tang vật vi phạm, kịp thời báo cáo với người, cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật…
“Như vậy, có thể khẳng định lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng là lực lượng nòng cốt giúp chủ rừng thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, vừa là lực lượng trực tiếp tuần tra, kiểm tra bảo vệ và phát triển rừng, vừa tuyên truyền, vận động nhân dân, hộ nhận khoán bảo vệ rừng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng. Do đó, chủ rừng sẽ không thể tổ chức quản lý, bảo vệ rừng nếu không tổ chức được lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng để thực hiện các nhiệm vụ nêu trên” – UBND tỉnh đánh giá về vai trò của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng.
Về thực trạng khó khăn hiện hữu, UBND tỉnh báo cáo, phần đa các chủ rừng đều chưa được bố trí đủ kinh phí trên diện tích rừng được giao. Mặt khác, định mức hỗ trợ để giao khoán chưa được quy định cụ thể, thường thấp và thiếu ổn định. Vì vậy, các chủ rừng không cân đối được nguồn thu để đảm bảo cho việc duy trì hoạt động của lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách. Thời gian qua, tình trạng bỏ việc và xin thôi việc của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của các chủ rừng trên địa bàn tỉnh đang có chiều hướng gia tăng. Thống kê trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2022 đã có 130 lao động xin thôi việc, nghỉ việc, trong đó riêng năm 2022 đã có 12 người xin thôi việc, nghỉ việc, bộ phận còn lại thì chưa thật sự an tâm công tác và gắn bó với nghề.
Trong khi đó, yêu cầu công tác quản lý bảo vệ rừng ngày càng cao, công tác phòng chống nạn khai thác, chặt phá rừng trái phép ngày càng phức tạp. Vì vậy, cần hỗ trợ đủ kinh phí khép kín diện tích được giao cho các chủ rừng để các chủ rừng sử dụng kinh phí được hỗ trợ đảm bảo đời sống cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, góp phần thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ diện tích rừng được giao.
“Việc ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định chính sách hỗ trợ cho chủ rừng nhà nước, để góp phần thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong giai đoạn tới là hết sức cần thiết” – UBND tỉnh nhấn mạnh.
Rà soát 19 chủ rừng là tổ chức nhà nước, UBND tỉnh xác định hiện nay diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất là rừng tự nhiên do lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng đang trực tiếp quản lý bảo vệ, nhưng chưa được bố trí nguồn kinh phí quản lý bảo vệ hoặc đã được bố trí nhưng đơn giá thấp khoảng 136.166,88 ha. Vì vậy, tại Tờ trình số 898/TTr-UBND, UBND tỉnh nêu cụ thể điều kiện hỗ trợ, nội dung hỗ trợ và mức hỗ trợ như sau:
“Điều kiện hỗ trợ: Các chủ rừng sử dụng lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng là lao động hợp đồng để thực hiện quản lý bảo vệ rừng đối với diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất là rừng tự nhiên chưa được bố trí nguồn kinh phí quản lý bảo vệ rừng hoặc đã được bố trí nhưng đơn giá thấp hơn 300.000 đồng/ha/năm. Mức hỗ trợ: Đối với diện tích chưa được bố trí nguồn kinh phí quản lý bảo vệ rừng thì hỗ trợ mức 300.000 đồng/ha/năm. Đối với diện tích đã được bố trí kinh phí bảo vệ rừng từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, các chương trình dự án, nguồn vốn hợp pháp khác nhưng tổng đơn giá đã hỗ trợ nhỏ hơn: 300.000 đồng/ha/năm thì hỗ trợ bổ sung để đạt mức 300.000 đồng/ha/năm. Nội dung hỗ trợ: Hỗ trợ kinh phí phục vụ công tác bảo vệ rừng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng theo quy định tại Nghị định số 01/2019/NĐ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ và Thông tư số 12/2022/TT-BNNPTNT ngày 20/9/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn”.
UBND tỉnh cũng xác định nguồn vốn thực hiện Nghị quyết: “Nguồn vốn ngân sách tỉnh đảm bảo mỗi năm tối thiểu 15,0 tỷ đồng; số còn lại huy động các nguồn vốn khác bao gồm: Nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng, sự nghiệp kinh tế Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững, các chương trình dự án khác”.
Sở NN&PTNT là cơ quan được UBND tỉnh giao chủ trì xây dựng dự thảo Nghị quyết “Về việc xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ cho chủ rừng để thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Nghệ An”. Trao đổi với Báo Nghệ An ngày 15/2/2023, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, bà Võ Thị Nhung cho biết, dự thảo Nghị quyết được xây dựng theo quy trình 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 thực hiện lập đề nghị xây dựng Nghị quyết quy định chính sách, gồm 9 bước; giai đoạn 2 thực hiện soạn thảo Nghị quyết quy định về chính sách, gồm 5 bước.
Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết đã được lấy ý kiến của các sở, ngành có liên quan và các đối tượng chịu tác động của Nghị quyết, đăng tải xin ý kiến tại Cổng thông tin điện tử của tỉnh; đã được Sở Tư pháp thẩm định. Đồng thời, Sở NN&PTNT đã báo cáo tiếp thu giải trình ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp; được các thành viên của UBND tỉnh thông qua tại cuộc họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 1/2023 ngày 30/01/2023, và được UBND tỉnh thống nhất tại Thông báo số 67/TB-UBND ngày 3/2/2023. Hiện nay, hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết đã được gửi lên Thường trực HĐND tỉnh. Sau khi được Thường trực HĐND tỉnh có ý kiến thống nhất thông qua, Sở NN&PTNT sẽ thực hiện tiếp giai đoạn 2 xây dựng Nghị quyết.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, bà Võ Thị Nhung thông tin thêm: “Ở giai đoạn 1 lập đề nghị xây dựng Nghị quyết quy định chính sách, Sở NN&PTNT cũng đã cơ bản bắt tay vào xây dựng dự thảo Nghị quyết, và cũng đã được các địa phương, các sở, ban, ngành góp ý. Vì vậy, ngay sau khi có ý kiến thống nhất của Thường trực HĐND tỉnh, Sở NN&PTNT sẽ chỉ đạo cơ quan chuyên môn là Chi cục Kiểm lâm hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trong thời gian sớm nhất để trình HĐND tỉnh thông qua…”.