10 quốc gia dẫn đầu về nghiên cứu và phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo
(Baonghean.vn) - Trí tuệ nhân tạo (AI) đang phát triển với tốc độ chóng mặt, thay đổi cách chúng ta sống, làm việc và tương tác với thế giới xung quanh. Các quốc gia trên toàn cầu đang đổ nguồn lực vào nghiên cứu và phát triển AI, với mục tiêu trở thành người dẫn đầu trong lĩnh vực này.
Nghiên cứu AI là một nỗ lực toàn cầu. Trong khi các cường quốc như Mỹ và Trung Quốc đang thu hút được sự chú ý vì những đóng góp của họ vào lĩnh vực AI, thì các quốc gia khác trên thế giới đang thử nghiệm công nghệ này, khám phá những đột phá mới và thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư tư nhân.
Báo cáo “Trí tuệ nhân tạo năm 2023” của Đại học Stanford ước tính rằng đầu tư tư nhân vào AI trên toàn cầu đã đạt 91,9 tỷ USD trong năm 2022, nhưng đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Trong khi đó, Ngân hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs (Mỹ) cho rằng, đầu tư vào AI toàn cầu đạt 110,2 tỷ USD trong năm 2023 và dự báo sẽ tăng lên 158,4 tỷ USD vào năm 2025.
Sau đây là 10 quốc gia hàng đầu về nghiên cứu và phát triển AI dựa trên xếp hạng từ “Chỉ số AI toàn cầu”, kết quả Khảo sát đầu tư vào AI toàn cầu của Tập đoàn Tài chính Mirae Assets (Hàn Quốc) và Báo cáo Chỉ số AI của Đại học Stanford (Mỹ).
1. Mỹ
Ngày nay, Mỹ là quốc gia năng động nhất trong lĩnh vực nghiên cứu AI. Theo tổ chức nghiên cứu chuyên sâu Macro Polo (Mỹ), gần 60% các nhà nghiên cứu AI hàng đầu làm việc cho các trường đại học và công ty Mỹ, trong khi đó, Tập đoàn Tài chính Mirae Assets cho biết đến nay đã có 249 tỷ USD tiền đầu tư tư nhân đã được huy động.
Chỉ riêng Thung lũng Silicon đã là nơi đặt trụ sở của một số nhà cung cấp nổi bật nhất trong lĩnh vực AI, bao gồm OpenAI, Google, Meta và Anthropic, những công ty đã đóng góp vào việc tạo ra các sản phẩm hàng đầu, bao gồm mô hình ngôn ngữ lớn GPT-4, DALL-E 3, Bard, Llama 2 và Claude 2.
Ở giai đoạn phát triển hiện tại của thị trường, GPT-4 nghiễm nhiên là “con gà đẻ trứng vàng” của cuộc đua AI, đạt được 100 triệu người dùng hoạt động hàng tuần.
Nghiên cứu của Goldman Sachs cho thấy, đầu tư vào AI trong khu vực cũng đang tăng trưởng mạnh, với tổng đầu tư tư nhân vào AI đạt 47,4 tỷ USD trong năm 2022, chiếm hơn một nửa tổng đầu tư toàn cầu vào AI trong năm đó.
Chính phủ Mỹ cũng đang tích cực đầu tư vào nghiên cứu và phát triển AI, theo đó họ đã chi 3,3 tỷ USD cho công nghệ này trong năm 2022.
2. Trung Quốc
Theo Tập đoàn Tài chính Mirae Assets, Trung Quốc là quốc gia đóng góp đáng kể thứ hai cho nghiên cứu AI, với 11% các nhà nghiên cứu AI hàng đầu và đã huy động được 95 tỷ USD đầu tư tư nhân trong khoảng thời gian từ năm 2022 đến năm 2023.
Các công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc như Tencent, Huawei và Baidu đang dẫn đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo AI của đất nước với các bản phát hành mới, bao gồm mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) Hunyuan của Tencent, một giải pháp thay thế tiếng Trung cho ChatGPT, Pangu của Huawei, một mô hình ngôn ngữ lớn với 1.085 nghìn tỷ tham số và mô hình AI Ernie của Baidu, mà công ty này tuyên bố cung cấp các tính năng ngang bằng với mô hình ngôn ngữ lớn GPT-4 của OpenAI.
Chính phủ Trung Quốc cũng đang đầu tư mạnh mẽ vào cuộc đua vũ trang trí tuệ nhân tạo. Theo dự báo của Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDC), khoản đầu tư của Trung Quốc sẽ đạt 38,1 tỷ USD vào năm 2027, tương đương 9% tổng đầu tư của thế giới.
3. Vương quốc Anh
Trong nhiều năm, Vương quốc Anh vẫn là một trong những quốc gia đóng góp hàng đầu cho cuộc đua AI. Trên thực tế, theo Cục Quản lý thương mại quốc tế (ITA), Vương quốc Anh là thị trường AI lớn thứ ba trên thế giới, sau Mỹ và Trung Quốc, với giá trị hiện tại là 21 tỷ USD, dự kiến sẽ đạt 1 nghìn tỷ USD vào năm 2035.
Quốc gia này tự hào có nhiều công ty khởi nghiệp về AI trong khu vực, bao gồm DeepMind và Darktrace, đây là những công ty sử dụng AI để cung cấp cho các doanh nghiệp khả năng phát hiện các mối đe dọa dựa trên đám mây theo thời gian thực.
Chi tiêu của Chính phủ Anh cho nghiên cứu và phát triển cũng đang tăng lên, với việc Thủ tướng Rishi Sunak đang lên kế hoạch tăng chi tiêu cho lĩnh vực chíp và siêu máy tính lên 400 triệu bảng Anh, bao gồm khoản đầu tư 100 triệu bảng Anh vào một cơ sở siêu máy tính đặt tại thành phố Bristol (Vương quốc Anh), hợp tác với Tập đoàn Công nghệ đa quốc gia Hewlett Packard Enterprise (Mỹ) và Đại học Bristol.
Các nhà lãnh đạo của Vương quốc Anh cũng đã chia sẻ suy nghĩ của họ về tương lai của AI tại Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) tại Davos (Thụy Sĩ) diễn ra vào tháng 1 vừa qua, trong đó thừa nhận sức mạnh của AI đồng thời kêu gọi các biện pháp bảo vệ toàn cầu.
4. Israel
Theo Mirae Assets, ngành công nghệ địa phương của Israel đã khẳng định vị thế tiên phong trong lĩnh vực phát triển AI và đã đạt được 11 tỷ USD đầu tư tư nhân trong giai đoạn 2013-2022, đứng thứ tư trên thế giới.
Theo tờ Tin tức về công nghệ và khởi nghiệp của Israel (Ctech), tính đến năm 2023, có 144 công ty khởi nghiệp liên quan đến AI tạo sinh tại Israel, với tổng đầu tư vào lĩnh vực này đạt 2,3 tỷ USD. Chính phủ Israel cũng đã công bố kế hoạch đầu tư 8 triệu USD để thúc đẩy phát triển các ứng dụng AI bằng tiếng Do Thái và tiếng Ả-rập.
Khu vực này là nơi đặt trụ sở của các tổ chức tiên phong ứng dụng AI, bao gồm nền tảng an ninh mạng dựa trên AI Deep Instinct, công ty tạo ra công cụ AI Wordtune, AI21 Labs và nhà cung cấp AI bảo mật doanh nghiệp SentinelOne.
5. Canada
Canada đã lặng lẽ nổi lên như 1 trong 5 quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu AI. Trong khoảng thời gian từ năm 2022 đến năm 2023, 2,57 tỷ USD đã được đầu tư vào nghiên cứu AI trong nước, nâng tổng đầu tư AI lên 8,64 tỷ USD.
Chính phủ Canada cũng cam kết đầu tư vào phát triển AI có trách nhiệm (Responsible AI) trên khắp đất nước, với khoản đầu tư hơn 124 triệu USD cho Đại học Montreal vào tháng 6 năm 2023 thông qua quỹ phát triển các lĩnh vực nghiên cứu trọng điểm của chính phủ.
Một số công ty AI hàng đầu hoạt động tại Canada bao gồm nhà cung cấp mô hình ngôn ngữ lớn doanh nghiệp Cohere, nền tảng AI tạo sinh Scale AI và nhà cung cấp dịch vụ tìm kiếm AI Coveo.
6. Pháp
Theo Mirae Assets, Pháp không chỉ là một trong những cường quốc kinh tế quan trọng nhất của Liên minh châu Âu mà còn là đầu tàu trong lĩnh vực nghiên cứu AI của khu vực, với 338 công ty khởi nghiệp và 7 tỷ USD đầu tư tư nhân thu được trong giai đoạn 2013-2022.
Chi tiêu của chính phủ dành cho AI cũng đang được mở rộng, với việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cam kết đầu tư 500 triệu euro, tương đương khoảng 533 triệu USD để tạo ra các “nhà vô địch” AI mới.
Quốc gia này là nơi đặt trụ sở của một loạt các công ty khởi nghiệp AI, bao gồm nền tảng lưu trữ AI mã nguồn mở Hugging Face, Mistral AI, nhà phát triển mô hình ngôn ngữ lớn mã nguồn mở Mistral 7B và nhà cung cấp an ninh mạng AI Armis.
7. Ấn Độ
Ấn Độ là quốc gia lớn nhất ở Nam Á và là quốc gia đóng góp đáng kể nhất cho nghiên cứu AI trong khu vực. Năm ngoái, Ấn Độ đã huy động được 3,24 tỷ USD, trở thành quốc gia đứng thứ 5 về đầu tư AI trên thế giới. Ước tính Ấn Độ cũng có tỷ lệ thâm nhập kỹ năng AI cao nhất trong số các nước G20 và các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).
Bộ trưởng Bộ Điện tử và Công nghệ Thông tin Ấn Độ, ông Rajeev Chandrasekhar gần đây đã tuyên bố Chính phủ Ấn Độ sẽ sớm khởi động chương trình “AI Ấn Độ” để khuyến khích sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp AI trong nước.
Một số công ty khởi nghiệp AI nổi bật của Ấn Độ đáng chú ý bao gồm nền tảng AI hội thoại Avaamo, nền tảng kiểm tra sức khỏe AI HEAPs, nhà cung cấp sàng lọc thông minh bằng rô-bốt và AI SigTuple, và nền tảng tự động hóa dựa trên AI Yellow.ai.
8. Nhật Bản
Là một trong những nền kinh tế lớn của khu vực châu Á, Nhật Bản cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển AI trên toàn cầu. Tập đoàn Tài chính Mirae Assets ước tính, Nhật Bản có 294 công ty khởi nghiệp về AI và đã huy động được 4 tỷ USD đầu tư tư nhân vào lĩnh vực AI trong giai đoạn 2013-2022.
Quốc gia này cũng đã công bố kế hoạch đầu tư 2 nghìn tỷ yên, tương đương 13 tỷ USD vào việc phát triển chất bán dẫn và AI tạo sinh, do đó có tiềm năng trở thành một người chơi lớn trên thị trường này trong tương lai.
Một số công ty khởi nghiệp AI đáng chú ý có trụ sở tại Nhật Bản bao gồm nhà cung cấp rô-bốt hàng đầu SoftBank Robotics, nhà cung cấp công nghệ học sâu và xe tự lái Preferred Networks và nhà cung cấp công cụ chăm sóc sức khỏe và kiểm tra triệu chứng dựa trên AI Ubie.
9. Đức
Theo Mirae Assets, Đức là một đối thủ quan trọng khác trên thị trường AI toàn cầu, với 245 công ty khởi nghiệp và đã huy động được 7 tỷ USD đầu tư tư nhân vào lĩnh vực AI trong giai đoạn 2013-2022.
Chính phủ Đức cũng đang có kế hoạch đầu tư, vào tháng 8 vừa qua, họ tuyên bố sẽ tăng gấp đôi ngân sách cho nghiên cứu AI và cam kết gần 1 tỷ euro để phát triển các giải pháp AI.
Các công ty khởi nghiệp AI có trụ sở tại Đức bao gồm nhà cung cấp máy bay không người lái tự động và dịch vụ di động hàng không Volocopter, nhà phát triển mô hình ngôn ngữ lớn Aleph Alpha, công ty dịch thuật DeepL và nền tảng AI hội thoại Parloa.
10. Singapore
Cuối cùng, Singapore là một trong những quốc gia dẫn đầu về AI ở khu vực Đông Nam Á, với hệ sinh thái khiêm tốn gồm 165 công ty khởi nghiệp về AI và 5 tỷ USD đầu tư vào AI được tạo ra từ năm 2013 đến 2022.
Năm 2021, Chính phủ Singapore cam kết đầu tư khoảng 500 triệu đô la Singapore, tương đương 362 triệu USD vào AI trong 5 năm, như một phần của Chiến lược trí tuệ nhân tạo quốc gia. Quốc gia này cũng thành lập Văn phòng Trí tuệ nhân tạo quốc gia để hợp tác với các công ty khởi nghiệp và viện nghiên cứu trong khu vực nhằm thúc đẩy tăng trưởng.
Một số công ty khởi nghiệp AI đáng chú ý ở Singapore bao gồm nhà cung cấp giám sát bệnh nhân từ xa Biofourmis, nền tảng trí thông minh dữ liệu Near, nền tảng AI hội thoại Active.Ai và nền tảng kế toán dựa trên AI Osome.
Tóm lại, 10 quốc gia được đề cập trong bài viết này là những quốc gia dẫn đầu về nghiên cứu và phát triển công nghệ AI trên thế giới. Mỗi quốc gia đều có những thế mạnh và điểm nhấn riêng trong lĩnh vực AI, và họ đang đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Sự phát triển mạnh mẽ của AI mang đến nhiều tiềm năng to lớn cho sự phát triển kinh tế, xã hội và khoa học kỹ thuật của các quốc gia. Tuy nhiên, nó cũng đặt ra một số thách thức như vấn đề đạo đức, việc làm, an ninh mạng,... Do đó, các quốc gia cần hợp tác chặt chẽ với nhau để phát triển AI một cách có trách nhiệm và bền vững, đảm bảo lợi ích cho toàn nhân loại.