Sông Lam Nghệ An và chuyện cạnh tranh nhóm đáy bảng
Sau 9 vòng đấu V-League 2024/2025, 3 vị trí cuối bảng xếp hạng được dành cho Hải Phòng 7 điểm (1 thắng, 4 hòa, 4 thua, hiệu số -3), Sông Lam Nghệ An 5 điểm (0 thắng, 5 hòa, 4 thua, hiệu số -11) và Đà Nẵng 4 điểm (0 thắng, 4 hòa, 5 thua, hiệu số -12).
Đây chính là nhóm 3 đội đứng trước nguy cơ phải đua tranh để tránh xuống hạng ngay từ lúc này và đáng nói thay, cuộc đua tranh “một mất, một còn” đó trước hết ở chính 3 đối thủ “cùng khổ” này với nhau và đội nào giành được lợi thế về đối đầu, về các chỉ số phụ sẽ có cơ hội thoát đáy hơn cả.
Trước hết, nhìn vào những “thông số” cơ bản nói trên, Đà Nẵng đang là đội ít lợi thế hơn so với Sông Lam Nghệ An và Hải Phòng. Nhưng thực ra, chặng đường phía trước còn tới 17 vòng đấu nữa nên mọi việc chưa thể khẳng định chắc chắn lúc này. Vấn đề là quãng nghỉ để thi đấu ASEAN Cup 2024 trong tháng 12, ba đội bóng này bổ sung lực lượng như thế nào, các ông bầu vạch ra các chính sách gì để động viên, khuyến khích cầu thủ… để thi đấu tốt hơn giai đoạn tới, thì chính đội bóng đó hoàn toàn có cơ hội thay đổi vị thế không mong muốn lúc này.
Có một câu hát rất hay về Hải Phòng - thành phố hoa phượng đỏ “Hải Phòng đó hiên ngang chỉ biết ngẩng đầu” hiện đang được nhiều người nói đến để khích lệ đội bóng đất cảng sau khi họ có trận thắng đầu tiên ở V-League trước “người anh em” Hoàng Anh Gia Lai.
Người am tường có thể hình dung điều gì sau đó của nội tình những đội bóng lâu nay có nhiều quan hệ bền chặt với nhau. Để rồi, nỗi lo về chất lượng thực sự của Hải Phòng vẫn canh cánh trong lòng ban huấn luyện và người hâm mộ cuồng nhiệt đất Cảng. Vì không dư dả nên Hải Phòng mới “đánh mất” át chủ bài Mpande. Vì không may Việt Hưng chấn thương nên đội bóng mới lận đận, long đong ở nhóm cuối bảng như lâu nay. Và nếu ông bầu đội bóng đất Cảng không “ngẩng đầu hiên ngang” để bổ sung, thay thế đội hình cũng như các trụ cột chấn thương trở lại, thì e mọi việc sẽ buộc tất cả phải… cúi đầu không mong muốn mà thôi?
Trong khi đó, Đà Nẵng dù chơi cực tốt ở V-League 2 để nhanh chóng trở lại sân chơi cao nhất như thường lệ nhưng rốt cuộc mọi việc lại khó hơn, lại lặp lại như mùa giải đội bóng phải chịu cảnh trắng tay và xuống hạng.
Dàn trẻ Đà Nẵng từng rất được hy vọng ngày nào, nào ngờ càng chơi càng tệ mà lý do không khó hiểu là thiếu đàn anh dìu dắt, hỗ trợ, ngoại binh chơi cùn mằn không khác gì câu chuyện của đội bóng cùng khổ Sông Lam Nghệ An.
Với Đà Nẵng, thiên hạ từng chứng kiến câu chuyện ngược đời thua trận nhưng được thưởng nóng sau trận đấu với Hà Nội FC là đội bóng cùng “hệ sinh thái” của bầu Hiển. Vấn đề cốt lõi của đội bóng miền Trung này là chủ trương của ông bầu, rằng sẽ tập trung cao hay thấp, sẽ duy trì hay nhỏ giọt đầu tư? Chắc chắn ông bầu mạnh mẽ này tập trung cao nhất cho Hà Nội FC, đến Quảng Nam như cách để một loạt cầu thủ loại 2 về thi đấu ở đây, rồi mới đến Đà Nẵng. Cũng không biết được người ta sẽ làm gì để Đà Nẵng thoát đáy, chỉ biết rằng đội bóng đang lộ diện là túi điểm, là nơi các đội khác nhẹ nhàng vượt qua để về đích mà thôi?
Rõ ràng, lợi thế có một trận thắng lấy đà có thể giúp Hải Phòng thi đấu tốt hơn ở chặng tới nếu mọi công đoạn được tiếp sức cụ thể, đúng yêu cầu. Không thắng nhưng vẫn được thưởng cũng có thể giúp cầu thủ Đà Nẵng yên tâm hơn khi vượt khó? Còn với Sông Lam Nghệ An, không và chưa thắng, chưa bao giờ thấy chuyện thưởng phạt từ lãnh đạo, nợ cũ chồng nợ mới (như với Thể Công Viettel mùa trước?).
Rất tiếc Sông Lam Nghệ An đã đi qua lâu rồi thời “nói có người nghe, đe có người sợ”, nên bây giờ chỉ có một con đường là đứng lên bằng thực lực của mình, dù vô vàn gian khó. Sự im lặng đáng sợ lâu nay từ phía lãnh đạo báo hiệu không có hoặc rất ít có thay đổi, bổ sung nào về lực lượng cho đội bóng, dù chính huấn luyện viên trưởng Như Thuật và dư luận đã lên tiếng khẩn thiết. Tới đây, chỉ cần đối thủ cạnh tranh trực tiếp tạo được biến chuyển có lợi thì khó khăn sẽ càng đè nặng lên Sông Lam Nghệ An như một tất yếu và lúc đó, con đường thoát đáy càng bị bịt kín từ mọi ngả!