Thể thao

Khi Sông Lam Nghệ An nhạt nhoà bản sắc

Châu Phú 26/11/2024 19:31

Giới chuyên môn và người hâm mộ gần xa không khó để gọi tên bản sắc được định hình qua thời gian, nhất là qua những lần đoạt ngôi vô địch bóng đá quốc gia 2001, 2011 của Sông Lam Nghệ An.

Đó là ý chí vượt khó, là độ máu lửa, khát vọng của tinh thần Nghệ, bản lĩnh Nghệ, mỗi trận đấu là “cuộc chơi của những người đàn ông” tức không ngại va chạm, vào trận với hơn 100 % khả năng, khiến không ít đối thủ chưa đến sân Vinh đã …thua trận! Tất nhiên, cũng có lúc thiên hạ chê Sông Lam Nghệ An chơi “chém đinh, chặt sắt”, nhưng đó là những năm tháng đầu gia nhập làng bóng đá đỉnh cao, thực lực và kinh nghiệm còn hạn chế, đường đi nước bước chưa rõ rành…

slna-an-mung-20361779.jpeg
SLNA từng là đội bóng đáng gờm trên đấu trường V-League. Ảnh: tư liệu

Thật đáng tiếc, sau khi đón tiếp không biết bao nhiêu là đoàn công tác của tỉnh bạn, đội bạn về Vinh học hỏi, xem và ngưỡng mộ phòng truyền thống, nhất là công tác đào tạo trẻ, Sông Lam Nghệ An dần đánh mất bản sắc vốn có khi bóng đá trong nước và thế giới bước vào thời kỳ xã hội hóa cao độ. Bóng đá các địa phương như Long An, Gia Lai, Bình Dương rồi Hà Nội, Nam Định…lần lượt lên ngôi qua các mùa giải V-League. Tuy không chịu cảnh xuống hạng nhưng giờ đây, Sông Lam Nghệ An thật khó so kè được với người hàng xóm Thanh Hóa hay Hà Tĩnh, mà 2 mùa giải gần đây là minh chứng.

Suy đi tính lại thì thấy rõ một điều, bóng đá thời nay cần có một chủ đầu tư mạnh, có tham vọng, sẵn sàng đi đường dài với đội bóng, như các ông bầu ở Hà Nội FC, Thép Xanh Nam Định, Công an Hà Nội,,. hay các mô hình công ty với nhiều nhà đầu tư như ở Bình Dương, Hoàng Anh Gia Lai, Bình Định…Sông Lam Nghệ An khi chuyển sang xã hội hóa cũng gắn liền với các nhà đầu tư nhưng không thấy “ông bầu” hay ông chủ đội bóng thực sự, dám “chiềng mặt” ra thi thố với thiên hạ, rụt rè công bố mục tiêu trước mùa giải, tuyên bố đầu tư nửa khép, nửa mở, chưa bao giờ dám công bố công khai mức thưởng cho một trận thắng…, nghĩa là không có sức mạnh và tham vọng thực sự, khiến cho đội bóng bị xem thường từ khi chưa vào giải.

699-202411221436132.jpg
SLNA chỉ có lực lượng “tự có” là chính. Ảnh: tư liệu Chung Lê

Một đội hình thi đấu V-League mà chỉ có lực lượng “tự có” là chính, cộng với ngoại binh yếu, thì cố gắng đến mấy cũng lực bất tòng tâm. Truyền thống là đội bóng có thể cho cầu thủ hết hợp đồng thi đấu được chuyển đi theo quy định nhưng phải bồi dưỡng, phải “chăm chút” các trụ cột là cầu thủ đầu đàn, trụ cột ở các tuyến, có lực lượng kế cận, dự bị hùng hậu sẵn sàng thế chỗ. Hơn nữa, việc mua sắm ngoại binh vốn được coi là “mát tay” thì nay chỉ thấy “nóng tay bắt tai”, đến cuối mùa mới mua vội, sắm vội dẫn đến buồn nẫu ruột khi nhìn các ngoại binh đỡ bóng bung ra cả mét. Đội bóng càng thi đấu càng mất ổn định vì chấn thương, thẻ phạt, vì bài vở bị phơi bày, vì thiếu may mắn, chưa kể nếu có ý chí mà không thắng, chỉ hòa và thua thì cũng thật khó để ra sân với tinh thần nhẹ nhõm, thoải mái, thăng hoa?

Không có thủ lĩnh trên sân thì cầu thủ, nhất là dàn trẻ chân ướt chân ráo lên chơi V-League biết nhìn vào ai? Ngày nào, cầu thủ Sông Lam nhìn vào đàn anh Hà Thìn, Bùi Đình Đài, Hữu Thắng, Quang Trường, Trọng Hoàng… để thi đấu lăn xả trong từng pha bóng. Nay cầu thủ trẻ Long Vũ liệu được nghe điều gì từ Olaha mang băng đội trưởng để có thể phát huy tài năng của một cầu thủ được đánh giá cao nhất lứa U17, U18 hiện thời? Đàn anh Đình Hoàng thì luôn ngồi ghế dự bị, Xuân Tiến cũng không thể là người chỉ đạo đồng đội. Rõ ràng, dàn trẻ nếu nói là “mất phương hướng ngay từ đầu” cũng không có điều gì là quá mức hay sai lệch, dù ông Anh Tuấn hay Như Thuật hay Huy Hoàng có hò hét khản cổ đến đâu ở ngoài đường biên?

Hơn nữa, trong quá khứ Sông Lam Nghệ An thường xuất trận với những điểm tựa vững chắc sau lưng. Đó là đông đảo khán giả cổ vũ khắp mọi nơi, từ sân nhà tới sân khách, là sự ủng hộ nhiệt thành của lãnh đạo tỉnh, ngành. Phía sau ban huấn luyện là một “bộ sậu” quản lý, lãnh đạo có chuyên môn, có thừa kinh nghiệm sân cỏ và trận mạc luôn khuyến khích, hỗ trợ. Thử hỏi, hiện nay, những điều đó còn, mất đến đâu, tại sao và cách giải quyết như thế nào? Rất khó trả lời nếu không nói là không thể trả lời!

Tất nhiên, nói đi thì phải nói lại. Bóng đá chuyên nghiệp khác bóng đá thời bao cấp. Nhưng câu hỏi là tại sao các địa phương khác luôn tìm được nhà tài trợ mạnh cho đội bóng, cho cuộc chơi tốn kém là bóng đá, còn đội bóng chủ sân Vinh thì cho đến nay vẫn “vũ như cẩn”? Nghe nói, nhà tài trợ mới trong khó khăn này đang học cách làm của Nhật Bản, tức là kêu gọi nhiều nhà tài trợ chung tay cùng đội bóng? Người Nhật đã thành công với cách làm này, còn chúng ta mới bắt đầu? Chỉ nên nhớ rằng, người Nhật thành công từ bóng đá học đường, còn chúng ta đào tạo trẻ từ tiền ngân sách? Hơn nữa, liệu nhà tài trợ chính có đủ uy tín, kinh nghiệm để các nhà tài trợ khác yên tâm để chung sức hay không cũng là chuyện không dễ nói hiện nay?

Sông Lam Nghệ An đang “xoàng” đi về mọi mặt ở V-League, bắt đầu từ nhà tài trợ non yếu, mặc dù đội bóng luôn có thế mạnh về truyền thống, về đào tạo trẻ. Đơn giản vẫn là câu chuyện “có thực mới vực được đạo”, không có tiền không thể làm bóng đá chuyên nghiệp, đỉnh cao. Bản sắc hay truyền thống có được gìn giữ và phát huy hay không nói cho cùng bắt đầu từ chuyện đầu tiên muôn thuở là tiền đâu? Lương thấp thì không có thành tích cao và ý chí, bản sắc là câu chuyện cuộc sống chứ không ở …trên trời. Không ai bất ngờ hay tiếc nuối khi đỉnh cao bóng đá Thể Công, rồi Công an Hà Nội, Công nghiệp Hà Nam Ninh, Hải quan TP Hồ Chí Minh, Cảng Sài Gòn, Cảng Hải Phòng, Than Quảng Ninh, Đồng Tháp…lần lượt rời võ đài và phải chờ rất lâu mới có một vài cái tên trong số đó xuất hiện trở lại ở V-League?

Sông Lam Nghệ An không thể trượt ra ngoài con đường tất yếu đó, thành tích đội bóng chưa một lần xuống hạng V-League đang mong manh hơn bao giờ hết, nếu không có một sự thay đổi, tiếp ứng cụ thể về lực lượng, cách làm từ chính nhà đầu tư-tài trợ hiện nay?

Mới nhất

x
Khi Sông Lam Nghệ An nhạt nhoà bản sắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO