Chị Trần Thị Như Hoa sinh năm 1979 trong một gia đình có 4 người con gái ở Vinh. Có khuôn mặt xinh xắn, đôi mắt sáng, sống mũi cao, mẹ chị đặt tên chị là Như Hoa với mong muốn cuộc đời chị sẽ rạng rỡ như một đóa hoa, yên ả. Nhưng cuộc sống không may mắn bởi 5 tuổi, sau một cơn ốm “thập tử nhất sinh”, đôi chân của chị không thể đi lại được nữa. Lớn lên trong mặc cảm nhưng là chị cả trong gia đình và một trí tuệ hoàn toàn bình thường, chị không cho phép mình sống trong ủy mị.
Trong 12 năm học phổ thông, chị luôn có thành tích học tập tốt, lớp 12 cô nữ sinh của trường Vinh 3 còn từng đạt học sinh giỏi Văn của tỉnh. Học chuyên văn, thích truyện, thích thơ, chị thi đậu vào Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và chọn ngành Thư viện vì chị biết, công việc này phù hợp với hoàn cảnh của chị. Nhưng rồi, những mộng mơ và những rung động của tuổi mới lớn đã khiến chị có lúc sai lầm, chị mang thai khi đang học năm thứ 2.
Đầu những năm 2000, việc một sinh viên đang đi học và mang thai quả thực là một điều khó có thể chấp nhận. Chị biết điều đó, khi mỗi ngày phải nhận lời trách móc của bố mẹ, cái nhìn ái ngại của mọi người và cả tương lai đang mờ mịt phía trước. Tuy vậy, chị lại nghĩ đơn giản “một người khuyết tật như tôi, rất khó lấy chồng. Nếu đã có một đứa con thì tôi xem như may mắn, để bù đắp phần nào khiếm khuyết”…
Những năm tháng nuôi con một mình, chị “lay lắt” với đủ nghề mưu sinh từ buôn hoa quả ở chợ đầu mối, đi làm thuê. Trong khó khăn, run rủi, dẫn chị đến nghề may, dù rằng ban đầu chị chỉ làm thuê với những công việc đơn giản như bơm vá, sửa đồ cũ và may gia công cho các tiểu thương. Nhận được tháng lương đầu tiên, chị còn nhớ, biết bao sung sướng bởi chị biết rằng chị có thể tự làm để nuôi con, trả tiền trọ, trang trải cho hai mẹ con qua ngày.
Từ một người làm công, sau này chị Hoa gắn bó với nghề may như nghiệp của mình. Thời điểm mới vào nghề, chị thuê một ki ốt nhỏ ở đường Phong Đình Cảng để vừa làm nơi tá túc của hai mẹ con, vừa làm tiệm may để sinh sống. Chọn nghề may, chị cũng mới nhận ra năng khiếu của mình bởi chị càng làm càng say mê, những thiết kế mà chị tự tay may được nhiều khách hàng đón nhận.
Khi đã bắt đầu quen khách, quen công việc, chị nhận giúp đỡ những phụ nữ khó khăn, trong đó phần lớn là những chị em bị tật nguyền hoặc nhỡ nhàng như chị. Làm nghề được khoảng 10 năm, chị thấy rằng một ki ốt nhỏ, khó có thể mở rộng sản xuất, cũng khó đáp ứng được số lượng nhân viên ngày càng nhiều nên chị quyết định chuyển về Hội Khuyết tật thành phố Vinh tại đường Hải Thượng Lãn Ông. Xưởng may của chị có tên là Như Hoa, vốn chỉ là một căn ốt nhỏ, nằm bên cạnh các gian hàng của nhiều anh chị đồng cảnh ngộ. Nhưng “trụ sở chính” lại nằm ở dãy nhà cấp 4 phía sau, mỗi ngày có ít nhất 5 lao động làm việc. Ngoài ra có 5 người khác, do đi lại khó khăn nên nhận thêm công việc ở nhà.
“Vươn lên mạnh mẽ” là chủ đề của cuộc gặp mặt mà chị Trần Thị Như Hoa vừa được tham dự. Từ thành phố Vinh, để chuẩn bị cho chuyến đi dài 3 ngày này, chị Hoa khá tất bật bởi chị vừa tổ chức lễ ra mắt hợp tác xã Sen Vàng (thiết kế kinh doanh thời trang) mà chị vừa là giám đốc, vừa là Chủ tịch Hội đồng quản trị. Người phụ nữ ấy cũng phải sắp xếp lại công việc, lên kế hoạch cho gần 10 thợ ở xưởng may của chị có địa chỉ tại Hội khuyết tật thành phố Vinh, tham gia đứng lớp cho một lớp dạy nghề. Trong lúc bận rộn, chị vẫn tranh thủ đơm lại hàng cúc áo cho chiếc áo vest để trả hàng đúng hẹn, kiểm tra lại đường kim mũi chỉ cho từng sản phẩm đã hoàn thành…
Hiện chị Hoa cũng là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phụ nữ và Trẻ em gái khuyết tật tỉnh Nghệ An. Cuộc sống dẫu bận rộn, nhưng trên khuôn mặt của chị luôn toát lên sự tự tin, lạc quan bởi ở đó chị tìm được niềm vui và sự chia sẻ với mọi người.
Nói về công việc hiện nay, chị Hoa chia sẻ rằng chưa hết khó khăn bởi mỗi tháng làm sao để lo tiền lương cho 10 lao động (tháng ít từ 6 – 7 triệu đồng, tháng cao điểm từ 12 – 13 triệu đồng/người) là điều không đơn giản. Đặt câu hỏi về đầu ra của sản phẩm may mặc, chị Hoa cũng kể rằng khi mới bắt đầu “khởi nghiệp”, để có thể tiêu thụ sản phẩm, chị đến từng cửa hàng bán quần áo ở Vinh để giới thiệu và xin gửi sản phẩm để bán. Không ít lần, hàng mang ra rồi vài tháng sau lại nhận về và không thu hồi được vốn. Sau này, để hàng bán ra ngày một chất lượng và thời trang hơn, chị quyết định đi nâng cao tay nghề ở Viện đào tạo thời trang Paris tại Hà Nội và không ngừng đổi mới mẫu mã, chất lượng. Nhờ đó, hiện nay, ngoài đơn hàng thường xuyên, chị còn có thể nhận may đồng phục cho trường lớp, cho các công sở và đã tạo được uy tín trên thị trường. Đầu năm nay, chị được hãng Unilever đặt hàng may 200 chiếc túi để làm quà tặng cho khách hàng.
Khởi nghiệp từ nghề may, nuôi con trưởng thành, chị Hoa lại trăn trở nhiều về đồng nghiệp, về những người cùng hoàn cảnh. Năm 2020, chị triển khai dự án khởi nghiệp gian hàng giới thiệu sản phẩm cho người khuyết tật và dự án đã đạt 3 giải thưởng trong cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp năm 2020” do TW Hội LHPN Việt Nam tổ chức, bao gồm: Giải clip xuất sắc nhất, Giải Cánh én vàng và Giải ứng dụng công nghệ nhằm thích ứng, bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, chị cũng vinh dự được làm khách mời truyền cảm hứng và chia sẻ kinh nghiệm tại một số diễn đàn lớn do TW Hội LHPN Việt Nam tổ chức.
Khép lại cuộc thi Khởi nghiệp năm 2020, chị cũng được nhà tài trợ hỗ trợ 100 triệu đồng và là nguồn vốn hỗ trợ quan trọng để chị tiếp tục đầu tư mở rộng hoạt động kinh doanh của mình. Tiếp tục những thành công, năm 2022, chị lại triển khai dự án khởi nghiệp sản phẩm tái chế và vừa được Hội liên hiệp Phụ nữ thành phố Vinh trao giải xuất sắc và là một trong ba dự án được chọn tham dự phụ nữ khởi nghiệp cấp tỉnh. Nói về dự án này, chị tràn đầy lạc quan bởi dù chỉ bắt đầu triển khai nhưng hàng trăm sản phẩm làm thủ công từ các vật liệu tái chế như túi xách, hàng lưu niệm, đồ tái chế, đồ dùng dạy học trong nhà trường đã “làm đến đâu bán đến đấy”. Hơn nữa dự án khả thi bởi chị tận dụng toàn bộ nguyên vật liệu dư thừa trong quá trình sản xuất các mặt hàng thời trang nhưng vẫn đảm bảo được sự độc đáo, thẩm mỹ, an toàn và phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng.
Mong ước lớn lao hơn, chị hi vọng nếu dự án thành công sẽ tạo nhiều việc làm hơn nữa cho những người khuyết tật, giúp họ tạo ra thu thập, tự tin để làm chủ bản thân, làm chủ cuộc đời. Với chị, phụ nữ là để yêu thương và như những đóa hoa, cứ tự tin tỏa sáng, tỏa ngát hương cho đời…