Sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua

(Baonghean.vn) - Iraq mở cuộc tổng tấn công tái chiếm Mosul; Ứng viên Tổng thống Mỹ có cuộc chiến "sinh tử" lần 3; Nga dồn tổng lực cho cuộc chiến cuối cùng ở Aleppo, Bình Nhưỡng lại phóng tên lửa đạn đạo làm tăng nhiệt trên bán đảo Triều Tiên;... là những sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua.

1 - Ứng viên Tổng thống Mỹ có cuộc chiến "sinh tử" lần 3

 Phản ứng của 2 ứng cử viên sau cuộc tranh luận
Phản ứng của 2 ứng cử viên sau cuộc tranh luận

Đây là cuộc tranh luận trực tiếp thứ ba và cũng là cuộc tranh luận trực tiếp cuối cùng giữa hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ. Cuộc tranh luận lần này diễn ra vào 21 giờ ngày 19/10 theo giờ miền đông ở Bắc Mỹ (tức 8 giờ sáng 20/10, giờ Việt Nam) tại trường Đại học Nevada, thành phố Las Vegas, bang Nevada.

Thời gian tranh luận là 90 phút, được chia thành 6 phần cho 6 chủ đề khác nhau, mỗi phần kéo dài khoảng 15 phút. Các chủ đề tranh luận gồm: chính sách nhập cư, điểm nóng trên thế giới, kinh tế, nợ và các quyền hạn, tòa án tối cao và khả năng phù hợp làm tổng thống của các ứng viên.

Hai ứng cử viên có hai phút để trả lời câu hỏi từ người điều phối lúc mở đầu mỗi phần tranh luận. Sau đó, họ sẽ đưa ra ý kiến phản bác đối phương. Cuối cùng, người điều phối sẽ đưa ra các câu hỏi khác để mở rộng chủ đề tranh luận. Ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton đang tiếp tục chiếm thế thượng phong trong các cuộc thăm dò dư luận trước thềm cuộc tranh luận thứ ba.

2 - Iraq mở cuộc tấn công lớn nhất tái chiếm Mosul

Lực lượng người Kurd dưới sự yểm trợ của liên quân quốc tế đang nỗ lực tái chiếm thành phố Mosul từ trong tay IS.
Lực lượng người Kurd dưới sự yểm trợ của liên quân quốc tế đang nỗ lực tái chiếm thành phố Mosul từ trong tay IS.

Hôm 17/10, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đã tuyên bố bắt đầu mở cuộc tấn công tái chiếm Mosul - nơi được coi là thủ đô của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Iraq.

Cuộc tấn công vào Mosul có sự yểm trợ của liên minh do Mỹ dẫn đầu và đây có thể là một trong những hoạt động quân sự lớn nhất tại Iraq kể từ năm 2003, khi Mỹ xâm lược nước này và lật đổ Saddam Hussein.

Mosul là thành trì lớn cuối cùng của IS ở Iraq. Các tay súng IS đã đồn trú tại đây và đe dọa, buộc dân thường ở lại trong các trận chiến trước đó.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua cho biết, ông hy vọng Mỹ và các đồng minh nỗ lực hết sức mình để tránh gây thương vong dân sự khi mở cuộc tấn công vào thành phố Mosul.

Với dân số trước chiến tranh khoảng 2 triệu người, hiện thành phố phía bắc Iraq này là thành phố lớn nhất mà IS kiểm soát. Năm 2014, thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi đã tuyên bố Mosul là thủ đô của đế chế Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và nước láng giềng Syria.

3 - Nga, Syria dồn tổng lực cho cuộc chiến cuối cùng ở Aleppo

Máy bay Nga tham gia các chiến dịch không kích quân khủng bố tại Syria. Ảnh: Sputnik
Máy bay Nga tham gia các chiến dịch không kích quân khủng bố tại Syria. Ảnh: Sputnik

Quân đội Nga và Syria đang ráo riết chuẩn bị cho trận chiến tổng tấn công Aleppo, nút quan trọng trong chiến lược đánh bại IS.

Đại sứ Syria ở Nga, ông Riyad Haddad cho biết trên tờ Gazzeta, sẽ có giao tranh dữ dội khi quân đội Syria tiến vào trận quyết chiến giải phóng Aleppo, thành phố lớn thứ hai của Syria từ tay phiến quân IS.

Đại sứ Riyad Haddad cho biết, chiến dịch không kích của Nga đã đem lại kết quả tức thời như phá hủy nhiều thành trì, kho vũ khí đạn dược của phiến quân  IS cũng như cắt đứt nhiều tuyến tiếp tế của chúng.

“Một kết quả quan trọng khác của các cuộc không kích là nhiều phần tử thánh chiến đã hạ vũ khí đầu hàng quân đội Syria ,trong khi những tên khác đang rút chạy về phía biên giới Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Haddad nói.

Thông tin Moscow và Damacus đang ráo riết chuẩn bị cho trận quyết chiến giải phóng Aleppo càng được củng cố hơn khi Nga cũng có một loạt động thái gây chú ý.

4 - Triều Tiên lại phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm

Một vụ phóng tên lửa từ tàu ngầm Triều Tiên hồi tháng 4. Ảnh: Reuters
Một vụ phóng tên lửa từ tàu ngầm Triều Tiên hồi tháng 4. Ảnh: Reuters

Reuters dẫn thông báo từ Bộ Tổng tham mưu Hàn Quốc cho biết, vụ phóng tên lửa của Triều Tiên diễn ra lúc 5h30 (giờ địa phương) tại vùng biển ngoài khơi thành phố Sinpo, miền đông Triều Tiên. Trước đó, các hình ảnh vệ tinh cho thấy một tàu ngầm đã đậu ở khu vực này.

Yonhap cho biết tên lửa của Triều Tiên tiếp tục rơi vào bên trong vùng biển thuộc Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) của Nhật Bản.

Việc Triều Tiên phóng tên lửa diễn ra 2 ngày sau khi quân đội Hàn Quốc và Mỹ bắt đầu cuộc tập trận thường niên, mà Bình Nhưỡng lên án là cái cớ để chuẩn bị cho một cuộc xâm lược và đã đe dọa trả thù.

Đây cũng là lần phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên sau hàng loạt vụ việc tương tự xảy ra trong năm nay, chứng tỏ rõ sự thách thức của Bình Nhưỡng trước các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc.

5- Tổng thống Philippines thăm Trung Quốc

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tối 18/10, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã đến Bắc Kinh bắt đầu chuyến thăm 4 ngày tới Trung Quốc.Đây là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên tới Trung Quốc của một nhà lãnh đạo Philippines kể từ năm 2011. Phát biểu với báo giới trước khi ông Duterte đặt chân tới Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao nước chủ nhà Vương Nghị nhấn mạnh đây là chuyến thăm "lịch sử" và sẽ trở thành "điểm khởi đầu mới" để quan hệ ngoại giao song phương quay trở lại lộ trình đối thoại. 

Chuyến thăm của Tổng thống Duterte diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ Trung Quốc-Philippines xấu đi sau vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc liên quan đến tranh chấp trên Biển Đông.

Trung Quốc là nước đầu tiên, ngoài các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), mà Tổng thống Duterte đến thăm kể từ khi ông lên cầm quyền hồi tháng 6 vừa qua. Trước đó, ông Duterte đã có chuyến công du đến một số nước ASEAN như Brunei, Indonesia, Lào và Việt Nam.

6 - Khai mạc Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 8 tại Ấn Độ

Lãnh đạo 5 quốc gia thành viên tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 8 tại Ấn Độ - Nguồn: TTXVN
Lãnh đạo 5 quốc gia thành viên tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 8 tại Ấn Độ - Nguồn: TTXVN

Tối 15/10 (theo giờ địa phương), tại bang Goa của Ấn Độ, Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 8 của Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) đã bắt đầu bằng bữa tiệc xã giao với sự tham gia của lãnh đạo 5 quốc gia thành viên là Tổng thống Brazil Michel Temer (Mi-xen Tê-mê), Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (Na-ren-đa Mô-đi), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin (Vla-đi-mia Pu-tin) và Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma (Gia-cốp Du-ma).

Với vai trò Chủ tịch BRICS trong năm nay, Ấn Độ đã đề ra chủ đề “Xây dựng các giải pháp phản ứng nhanh, nhiều thành phần tham gia và mang tính tập thể”. Theo dự kiến trong hai ngày hội nghị, các nhà lãnh đạo BRICS sẽ thảo luận về những triển vọng và thách thức đối với tăng trưởng toàn cầu, vai trò của BRICS trong việc dẫn dắt sự tăng trưởng toàn cầu, hợp tác trong BRICS, cũng như các vấn đề toàn cầu và khu vực khác.

7 - Hải quân Mỹ tiến hành hoạt động tự do hàng hải trên Biển Đông

Tàu khu trục của USS Lassen của Mỹ. (Nguồn: Sputniknews)
Tàu khu trục của USS Lassen của Mỹ. (Nguồn: Sputniknews)

Ngày 21/10, Nhà Trắng tuyên bố hoạt động mới nhất của hải quân Mỹ trên Biển Đông là nhằm mục đích thể hiện quyền tự do đi lại ở vùng biển quốc tế được UNCLOS cho phép và Trung Quốc không nên xem đây là một hành động khiêu khích.

Phát biểu trong cuộc họp báo, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cũng khẳng định Mỹ không phải là bên tranh chấp tại Biển Đông và quan điểm của Washington là tranh chấp tại đây cần phải được giải quyết thông qua thương lượng chứ phải cưỡng ép, sử dụng vũ lực hay hăm dọa.

Trước đó cùng ngày, Lầu Năm Góc cũng xác nhận tàu khu trục USS Decatur của Hải quân Mỹ đã di chuyển gần quần đảo Hoàng Sa và thực hiện hoạt động này một cách bình thường và hợp pháp mà không có sự hộ tống hay xảy ra sự cố nào. 

Bộ Quốc phòng Trung Quốc cùng ngày đã ngay lập tức phản đối, cho rằng hoạt động tuần tra của một tàu chiến Mỹ tại Biển Đông là bất hợp pháp và mang tính "khiêu khích," đồng thời cho biết đã bày tỏ sự phản đối với phía Mỹ.

8 - Bế mạc Hội nghị thượng đỉnh EU: Tập trung chính sách thương mại

Ảnh minh họa. (Nguồn: theparliamentmagazine.eu)
Ảnh minh họa. (Nguồn: theparliamentmagazine.eu)

Ngày 21/10, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh Châu Âu (EU) đã kết thúc ngày làm việc thứ hai tại Brussels với chương trình nghị sự tập trung chủ yếu vào chính sách thương mại của khối.

Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo châu Âu tái khẳng định sự ủng hộ đối với tự do thương mại toàn cầu đồng thời tuyên bố việc bảo vệ các tiêu chuẩn về môi trường và xã hội ở châu Âu là một phần của lợi ích thương mại của EU.

Hội nghị nhấn mạnh sự cần thiết đấu tranh "một cách hiệu quả và mạnh mẽ" chống gian lận thương mại và dự kiến dự thảo luật hiện đại hóa các công cụ phòng vệ thương mại của EU sẽ được thông qua vào cuối năm 2016.
Tại cuộc họp báo kết thúc hội nghị, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker đã thông báo kết quả các cuộc thảo luận liên quan đến chính các sách thương mại của EU và những cản trở khiến thỏa thuận kinh tế thương mại EU-Canada (CETA) chưa được thông qua.
Trong khi ông Tusk đã lấy làm tiếc vì hình ảnh và vị thế của châu Âu có thể bị suy giảm trong các cuộc đàm phán thương mại với các đối tác tiếp theo, thì ông Juncker bày tỏ tin tưởng rằng sẽ sớm tìm được giải pháp cho thỏa thuận này vài ngày tới.

Thái Bình

(Tổng hợp)

tin mới

 Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực nếu Tel Aviv đáp trả

Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực giữa Iran - Israel nếu Tel Aviv đáp trả vụ tấn công 13/4

(Baonghean.vn) - Bình luận về khả năng có một cuộc chiến tổng lực và toàn diện giữa Iran - Israel sau sự kiện 13/4, PGS.TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an cho rằng, cuộc chiến sẽ bùng lên nếu Israel có các hành động đáp trả vào các căn cứ của Iran.

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

(Baonghean.vn) - Lần đầu tiên kể từ năm 1945, Đức đưa vài nghìn binh lính tiến sát tới biên giới Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Đức gọi những gì đang diễn ra là “một ngày tuyệt vời đối với Quân đội Đức”. Lữ đoàn Đức này đi đâu, và sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng nào đối với lợi ích của Nga?

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

(Baonghean.vn) - Cựu Giám đốc Tổng cục An ninh Đối ngoại Pháp Alain Jouillet cho biết, nếu Nga và Ukraine không thể đạt được thỏa thuận trong những tháng tới, do áp lực từ các thế lực bên ngoài, thì một thỏa thuận ngừng bắn sẽ đạt được sau khi ông Donald Trump trở lại nắm quyền.

Cựu chuyên gia Lầu Năm Góc: Phương Tây 'đánh mất' sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao cho Tổng thống Zelensky

Cựu chuyên gia Lầu Năm Góc: Phương Tây 'đánh mất' sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao cho Tổng thống Zelensky

(Baonghean.vn) - Cựu chuyên gia phân tích của Lầu Năm Góc, Trung úy Không quân Mỹ đã nghỉ hưu Karen Kwiatkowski cho rằng, phương Tây đã đánh mất sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao phó cho Tổng thống Volodymyr Zelensky trong cuộc bầu cử tổng thống 5 năm trước đó.