Sức sống nơi đầu sóng
(Baonghean) - Đất trên đảo dạng cát san hô, nên hầu như không trồng được các loại cây ăn quả, chỉ phù hợp với các loại cây nước lợ như: Mù u, bàng quả vuông, phong ba, dừa và các loại cây dây leo, cỏ dại.
Đồng chí Hồ Phúc Hợp (giữa) - Trưởng đoàn công tác tỉnh Nghệ An làm Lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ đã anh dũng hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo. Ảnh: Sỹ Thành |
Rời Đá Thị, chúng tôi đến đảo Nam Yết, hòn đảo được gọi là “thiên đường xanh” ở Trường Sa... Đảo Nam Yết có hình dáng bầu dục, hơi hẹp bề ngang, nằm theo hướng Đông – Tây. Khi thủy triều thấp nhất đảo cao khoảng từ 3-4m.
Đất trên đảo dạng cát san hô, nên hầu như không trồng được các loại cây ăn quả, chỉ phù hợp với các loại cây nước lợ như: Mù u, bàng quả vuông, phong ba, dừa và các loại cây dây leo, cỏ dại. Thế nhưng, với công sức, nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ trên đảo đã có thể trồng được một số loại rau xanh như rau muống, bầu, bí...
Dẫn chúng tôi đi thăm đảo, Trung tá Nguyễn Văn Thọ, quê ở huyện Diễn Châu, Nghệ An, là chỉ huy đảo, tự hào giới thiệu: “Công sức của bộ đội đã biến đảo từ san hô và cát thành một hòn đảo trù phú với nhiều cây xanh và cây ăn quả như dừa, đu đủ, bàng vuông, bàng ta, rau xanh và nỗ lực xây dựng đảo trở thành pháo đài phòng thủ vững chắc để bảo vệ lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc”. Trên đảo còn có trung tâm văn hóa được xây dựng khá khang trang; đèn hải đăng hướng dẫn tàu thuyền qua lại; chùa Nam Huyên phục vụ đời sống văn hóa tâm linh, nhất là đối với các ngư dân đi biển. Rời đảo Nam Yết lúc 4 giờ sáng, toàn bộ các chiến sĩ trên đảo tiễn chúng tôi tận âu tàu. Trung tá Nguyễn Văn Thọ đã gửi tặng đoàn chúng tôi cây bàng vuông, cây mù u và lá cờ Tổ quốc có chữ ký của chỉ huy và con dấu của đảo Nam Yết để nhằm gửi gắm tấm lòng và những kỷ niệm của người lính đảo về với đất liền và quê hương xứ Nghệ.
Rời đảo Nam Yết chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình đến đảo Sinh Tồn, qua các khu đảo chìm khác: Đảo Tiên Nữ, đảo Đá Đông A, đảo Đá Núi Le B, Cô Lin…, tất cả đều có trạm gác uy nghiêm, mọi hướng nhìn đều bắt gặp màu xanh của trời biển, còn màu của đất nâu chỉ vỏn vẹn trong những chiếc khay nhỏ dùng để trồng rau xanh, một gốc hoa phong lan đặt ở phòng làm việc mang lại cảm giác sinh thái cho đảo. Chúng tôi chia tay đảo với món quà là những con ốc biển, cành san hô lung linh sắc màu và chan chứa tình yêu của những người mang sứ mệnh gác biển.
Khi đoàn chúng tôi dừng lại tại vùng biển đảo Gạc Ma - Cô Lin nơi cách đây tròn 30 năm, vào ngày 14/3/1988, đã diễn ra cuộc chiến đấu và hy sinh anh dũng của cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam vì sự vẹn toàn chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã hy sinh trên quần đảo Trường Sa được tổ chức thành kính, trang nghiêm trên bong tàu KN-491. Có những người con anh hùng của đất mẹ Việt Nam đã vĩnh viễn nằm lại nơi biển sâu hàng ngàn mét trong lòng đại dương mênh mông, trong sóng vỗ gầm gào, trong nước biển mặn chát như máu và nước mắt …
Điều khiến tôi ngỡ ngàng ngay khi bước chân lên thị trấn Trường Sa (thường gọi là đảo Trường Sa lớn) là một màu xanh mướt mát và sầm uất các công trình quốc phòng và dân sinh. Trải qua hơn 4 thập kỷ sau ngày giải phóng, với ý chí và nghị lực, quân và dân nơi đây đã cải tạo đảo Trường Sa lớn từ hòn đảo toàn cát trắng trở thành một vùng rợp bóng cây xanh và nhiều công trình được xây dựng hiện đại, tạo dáng dấp một đô thị đặc trưng của huyện đảo Trường Sa. Những công trình kinh tế kết hợp với quốc phòng phục vụ dân sinh như sân bay, trạm thu phát tín hiệu điện thoại qua vệ tinh, đài khí tượng thủy văn, trạm hải đăng, trạm thu phát truyền hình vệ tinh, hệ thống năng lượng sạch, trạm xá… được xây dựng góp phần nâng cao đời sống của quân và dân trên đảo, thực hiện thắng lợi chương trình “vươn ra biển xa” mà Đảng và Nhà nước đề ra.
Cuộc sống yên bình của người dân ở đảo Sinh Tồn. Ảnh: Sỹ Thành |
Các công trình nhà khách, nhà tưởng niệm Bác Hồ, đài tưởng niệm liệt sĩ, chùa, nhà truyền thống, trường tiểu học là nơi sinh hoạt giao lưu văn hóa, giáo dục truyền thống cho quân và dân thị trấn đảo Trường Sa. Hiện nay đời sống văn hóa tinh thần của quân và dân ở đây được đảm bảo khá tốt. 100% hộ dân và các đầu mối đơn vị bộ đội được trang bị ti vi, hệ thống thu tín hiệu vệ tinh, hệ thống karaoke kỹ thuật số hiện đại được trang bị đến các phân đội. Trên đảo có phòng đọc sách, báo với gần 5.000 đầu sách và trên 30 đầu báo các loại, một tủ sách pháp luật.
Cư dân trên đảo là những cặp vợ chồng vẫn còn trong độ tuổi thanh xuân tình nguyện ra đây lập xóm. Khu xóm là những dãy nhà liền kề được xây dựng kiên cố, đường được đặt tên với hàng cây bàng thẳng tắp; có khu trồng rau và nuôi gia cầm. Chúng tôi đến thăm gia đình anh Tô Hoài, quê ở xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu, Nghệ An. Cả gia đình anh Hoài hồ hởi ra tận cổng đón khách đồng hương đến chơi; những câu chuyện kể về cuộc sống thường nhật, những nếp sinh hoạt xen lẫn nỗi đau đáu về quê nhà làm cho không khí cuộc trò chuyện thật sôi động, ấm tình quê hương nơi đảo xa.Cán bộ, chiến sĩ đảo Nam Yết đón đoàn công tác đến thăm và làm việc. Ảnh: Sỹ Thành |
Chúng tôi rời Trường Sa lớn sau chương trình văn nghệ "cháy hết mình" giữa anh, chị em văn công và quân dân trên đảo. 21 giờ, khi con tàu KN -491 rúc còi rời bến, chúng tôi hết sức xúc động với hình ảnh và quân dân đảo Trường Sa lớn đứng hai hàng dọc theo thân tàu và hát vang... Ở trên boong, các thành viên đoàn công tác hô to "cả nước vì Trường Sa", và nhận lại tiếng đồng thanh từ dưới cảng "Trường Sa vì cả nước".
Ngày 16/4/2018, chuyến hải trình Trường Sa kết thúc bằng lễ tổng kết, trao Kỷ niệm chương và tặng Huy hiệu chiến sĩ Trường Sa cho các thành viên trong đoàn. Trong mỗi chúng tôi vẫn đọng mãi hình ảnh những người lính đứng gác đảo, tiếng trẻ em học bài, yên bình hình ảnh sư thầy cho chữ giữa Trường Sa...