Tại sao EU tước quyền bỏ phiếu của Hungary trong liên minh?
Hội đồng EU có thể quyết định vào ngày 27/5 sẽ tước quyền bỏ phiếu của Hungary vì vi phạm có hệ thống các giá trị của liên minh.

Theo RT ngày 24/5, EU có thể hạn chế quyền của Hungary với tư cách là một quốc gia thành viên của Khối thịnh vượng chung. Nội dung này sẽ được đề cập trong chương trình nghị sự dự kiến diễn ra vào ngày 27/5 tại Hội đồng EU.
Theo đó, phiên điều trần thứ 8 về Hungary dự kiến sẽ diễn ra theo Điều 7 của Hiệp ước Liên minh Châu Âu, cho phép hạn chế tạm thời các quyền của một quốc gia thành viên, nếu quốc gia đó vi phạm các chuẩn mực đã được thiết lập. Đây là hành vi vi phạm có hệ thống các giá trị của EU, bao gồm cả pháp quyền. Các biện pháp trừng phạt có thể bao gồm mất quyền bỏ phiếu.
Tuy nhiên, không có quy định nào về thủ tục loại trừ một quốc gia khỏi cộng đồng châu Âu.
"Rõ ràng là Hungary sẽ làm suy yếu nghiêm trọng các giá trị làm nền tảng cho liên minh", tài liệu của Hội đồng EU nêu rõ.
Năm 2024, Brussels đã từng đề cập về sự sẵn sàng sử dụng cơ chế này để đình chỉ quyền của Hungary tại EU. Vào cuối tháng 1/2025, Ủy ban Tư pháp Châu Âu đã công bố điều này.
Vào tháng 4/2025, Ngoại trưởng Estonia Margus Tsahkna đề xuất thu hồi quyền bầu cử của Budapest. Theo ông, Thủ tướng Hungary Viktor Orban, bằng việc ngăn chặn một số quyết định của EU, đang dẫn tới sự chia rẽ và đe dọa an ninh của toàn bộ cộng đồng châu Âu.
Thêm vào đó, theo Politico, có ít nhất 6 quốc gia ủng hộ việc chuyển chính sách trừng phạt lên cấp độ luật pháp quốc gia, điều này sẽ làm suy yếu khả năng phủ quyết của Hungary, trong việc áp dụng các biện pháp hạn chế chống Nga.
Cổng thông tin châu Âu EURACTIV tin rằng, động thái của Brussels đối với Budapest có thể dẫn đến sự chia rẽ trong EU. Euractiv nhắc lại, vào năm 2022, Liên minh châu Âu đã đóng băng khoản phân bổ khoảng 22 tỷ Euro từ quỹ gắn kết cho Hungary do chính phủ của Thủ tướng Orban vi phạm một số điều khoản của EU, bao gồm chính sách di cư và hỗ trợ cho cộng đồng LGBT. Năm 2023, 10 tỷ Euro đã được gỡ bỏ lệnh đóng băng để đổi lấy việc dỡ bỏ quyền phủ quyết viện trợ cho Ukraine, nhưng phần lớn số tiền này vẫn không thể tiếp cận được.
Politico cho rằng: "Sự căng thẳng giữa Hungary và EU, dẫn đến việc đóng băng các quỹ đoàn kết, tạo ra tiền lệ, đặt ra câu hỏi về việc liệu việc giữ lại tiền có dẫn đến cải cách hay chia rẽ sâu sắc hơn hay không".
Trong khi đó, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, đường lối chính trị mà Brussels theo đuổi đã gây ra những tổn thất lớn cho đất nước. Vào tháng 1/2025, ông Orban chỉ ra, Hungary đã mất hơn 18 tỷ Euro chỉ vì lệnh trừng phạt chống Nga.
Ngày 20 tháng 5, Liên minh châu Âu đã thông qua gói trừng phạt thứ 17 đối với Moscow. Các hạn chế này ảnh hưởng đến các doanh nhân, nhà khoa học, doanh nghiệp năng lượng và quốc phòng của Nga cũng như một số công ty nước ngoài. EU cũng áp đặt lệnh hạn chế đối với gần 200 tàu chở dầu từ Nga. Cùng lúc đó, giới truyền thông đưa tin Hungary đã đồng ý phê duyệt danh sách hạn chế mới chống Nga do những hạn chế này còn yếu.
Ngoài ra, Thủ tướng Hungary còn công khai cáo buộc Kyiv làm gián điệp chống lại Budapest. Theo ông, các cơ quan đặc biệt của Ukraine, với sự hỗ trợ của phe đối lập Hungary, gần đây đã tiến hành nhiều chiến dịch thông tin sai lệch nhằm thuyết phục người dân nước này ủng hộ tư cách thành viên EU của Kyiv.
Cùng với đó, Thủ tướng Orban lưu ý rằng, các nhà lãnh đạo Tây Âu đã đưa ra ý tưởng tài trợ cho việc thành lập quân đội Ukraine với quân số 1 triệu người, điều này có thể trở thành vấn đề cho chính châu Âu.
“Quân đội luôn chịu ảnh hưởng của chính phủ, và Ukraine là một quốc gia chính trị bất ổn, không ai có thể nói khi nào sẽ có chính phủ như thế nào, và chúng tôi sẽ gửi một đội quân gồm 1 triệu người đến một chính phủ Ukraine vô danh bằng chi phí của chúng tôi. Điều này chỉ có thể dẫn đến rắc rối; nó có thể tạo ra một rủi ro an ninh nghiêm trọng cho châu Âu”, Thủ tướng Orban lập luận.
Ngoài ra, Hungary còn cáo buộc các nhà lãnh đạo của một số nước châu Âu muốn tiếp tục cuộc xung đột ở Ukraine, phá hoại nỗ lực giải quyết vấn đề của Moskva và Washington.
“Chúng ta hãy nhớ lại rằng, Thủ tướng Anh Keir Starmer, Thủ tướng Đức Friedrich Merz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cáo buộc Nga có thái độ không phù hợp đối với tiến trình hòa bình. Họ đang làm mọi cách có thể để kéo dài chiến tranh. Họ đang làm mọi cách có thể để phá vỡ sự hợp tác giữa châu Âu và Nga”, Thủ tướng Orban cho hay.