Chuyển đổi số

Tại sao người dùng cần cẩn trọng khi cấp quyền cho ứng dụng Android?

Phan Văn Hoà 14/08/2024 10:16

Điện thoại thông minh đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là từ các ứng dụng độc hại. Việc cấp quyền không cẩn thận cho các ứng dụng có thể mở ra cánh cửa cho tin tặc xâm nhập và đánh cắp thông tin cá nhân.

Việc tải và cài đặt ứng dụng trên thiết bị Android, dù từ cửa hàng Google Play uy tín hay từ các nguồn khác như tệp được sử dụng để phân phối và cài đặt các ứng dụng trên hệ điều hành Android (hay còn gọi là tệp APK: Android Package Kit), đều tiềm ẩn nguy cơ nhiễm phần mềm độc hại. Đây là mối đe dọa mà hầu hết người dùng Android đều phải đối mặt.

So với người dùng iPhone, người dùng Android thường đối mặt với nhiều rủi ro hơn từ phần mềm độc hại. Điều này không phải do hệ điều hành Android kém an toàn hơn, mà chủ yếu là do hệ sinh thái Android rộng lớn hơn với vô số thiết bị và cách cài đặt ứng dụng đa dạng, tạo điều kiện thuận lợi cho tội phạm mạng.

Ảnh minh họa...
Ảnh minh họa.

Trong số nhiều quyền mà ứng dụng Android có thể yêu cầu, có 3 quyền quan trọng nhất mà ứng dụng Android thường yêu cầu là quyền truy cập, quyền truy cập thông báo và quyền đọc tin nhắn SMS. Việc hiểu rõ và quản lý chặt chẽ các quyền này là chìa khóa để bảo vệ thiết bị của người dùng khỏi phần mềm độc hại.

Điều gì khiến Android dễ bị tấn công bởi phần mềm độc hại hơn các hệ điều hành khác?

Hệ điều hành Android và iOS có nhiều điểm tương đồng về trải nghiệm người dùng, cả 2 hệ điều hành đều cung cấp những trải nghiệm tương tự và hỗ trợ hầu hết các ứng dụng phổ biến.

Tuy nhiên, một sự khác biệt chính nằm ở cách tiếp cận cài đặt ứng dụng. Trong khi iOS hạn chế cài đặt ứng dụng chỉ thông qua App Store thì Android cho phép người dùng cài đặt ứng dụng từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm cả tải trực tiếp qua các tệp APK. Sự mở cửa này là con dao 2 lưỡi, nó mang lại cho người dùng nhiều quyền tự do và linh hoạt hơn nhưng cũng khiến họ phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn.

Sự đa dạng của hệ sinh thái Android, cả về thiết bị và sự sẵn có của ứng dụng, khiến nó trở thành mục tiêu hấp dẫn đối với kẻ tấn công. Với số lượng thiết bị lưu hành trên thị trường lớn hơn nên khả năng thiết bị bị tội phạm mạng tấn công cũng tăng lên. Ngoài ra, việc cho phép cài đặt ứng dụng từ bên ngoài Cửa hàng Google Play chính thức cũng tạo ra nhiều cơ hội hơn cho phần mềm độc hại tìm đường vào thiết bị của người dùng.

Tầm quan trọng của việc cấp quyền cho ứng dụng trong việc ngăn chặn phần mềm độc hại

Mỗi khi người dùng cài đặt một ứng dụng trên thiết bị Android, cho dù từ cửa hàng Google Play hay thông qua tệp APK, người dùng đều phải cấp cho nó một số quyền nhất định. Những quyền này cho phép ứng dụng truy cập vào các tính năng và dữ liệu khác nhau trên thiết bị. Mặc dù một số quyền là cần thiết để ứng dụng hoạt động đúng, nhưng những quyền khác có thể bị khai thác bởi phần mềm độc hại.

Phần mềm độc hại thường ngụy trang dưới dạng một ứng dụng hợp pháp, yêu cầu các quyền cho phép nó thực hiện các hoạt động độc hại chạy nền mà không được sự đồng ý của người dùng. Điều này có thể bao gồm việc đánh cắp thông tin cá nhân, chèn quảng cáo hoặc thậm chí ủy quyền giao dịch mà không có sự đồng ý của người dùng. Do đó, hiểu rõ và quản lý việc cấp quyền truy cập ứng dụng là rất quan trọng để bảo vệ thiết bị của người dùng khỏi phần mềm độc hại.

3 quyền quan trọng mà người dùng cần chú ý nhằm tránh trở thành nạn nhân của phần mềm độc hại

1. Quyền truy cập

Quyền truy cập (Accessibility Permission) là một tính năng đặc biệt trên các hệ điều hành di động, bao gồm cả Android và iOS. Khi một ứng dụng được cấp quyền truy cập, nó có thể tương tác với các phần tử giao diện người dùng khác trên thiết bị, như đọc nội dung trên màn hình, mô tả các hành động đang diễn ra, hoặc thậm chí thực hiện các hành động thay mặt cho người dùng.

Quyền truy cập được thiết kế để giúp người dùng khuyết tật tương tác với thiết bị Android của họ dễ dàng hơn. Tuy nhiên, nó cũng trở thành mục tiêu phổ biến của phần mềm độc hại. Cấp quyền truy cập cho một ứng dụng độc hại có thể cho phép nó kiểm soát thiết bị của người dùng một cách rộng rãi, bao gồm khả năng đọc và tương tác với các ứng dụng khác.

Mặc dù không phải tất cả các ứng dụng yêu cầu quyền truy cập đều là phần mềm độc hại, nhưng người dùng nên thận trọng. Nếu một ứng dụng yêu cầu quyền này, hãy xem xét xem nó có thực sự cần thiết để hoạt động hay không. Nếu người dùng không chắc chắn hoặc nếu ứng dụng không tạo được sự tin tưởng, tốt hơn hết là từ chối yêu cầu.

2. Quyền truy cập thông báo

Quyền truy cập thông báo (Notification Access Permission) là một loại quyền đặc biệt mà người dùng có thể cấp cho các ứng dụng trên thiết bị Android của mình. Quyền này cho phép ứng dụng đọc tất cả các nội dung thông báo của người dùng, bao gồm các ứng dụng tin nhắn, email, mạng xã hội,…

Phần mềm độc hại có thể lợi dụng điều này để lấy thông tin như mã một lần được gửi cho quá trình xác thực hai yếu tố (2FA). Bằng cách truy cập vào các mã này, phần mềm độc hại có thể ủy quyền các hành động như giao dịch ngân hàng hoặc dịch vụ đăng ký mà không cần sự đồng ý của người dùng.

Để bảo vệ bản thân, hãy theo dõi cẩn thận các ứng dụng có quyền truy cập thông báo. Chỉ cấp quyền này cho các ứng dụng mà người dùng tin tưởng và cần nó để ứng dụng hoạt động đúng.

3. Quyền đọc tin nhắn SMS

Quyền truy cập tin nhắn SMS (SMS Reading Permission) là một loại quyền đặc biệt mà người dùng có thể cấp cho các ứng dụng trên thiết bị Android của mình. Khi một ứng dụng được cấp quyền này, nó có thể đọc, gửi và xóa các tin nhắn SMS trên điện thoại.

Tin nhắn SMS thường được sử dụng để gửi mã bảo mật và các thông tin nhạy cảm khác. Một ứng dụng độc hại có quyền đọc tin nhắn SMS có thể chặn các tin nhắn này và sử dụng thông tin để thực hiện các giao dịch trái phép hoặc các hoạt động độc hại khác.

Mặc dù các phiên bản Android mới hơn đã ngừng sử dụng quyền này để ưu tiên cho các Giao diện lập trình ứng dụng (API) an toàn hơn, nhưng vẫn phải kiểm tra xem ứng dụng nào có quyền truy cập SMS. Nếu người dùng gặp một ứng dụng có quyền này mà không có nhu cầu rõ ràng, hãy cân nhắc thu hồi quyền này ngay lập tức.

Các bước đơn giản để bảo vệ thiết bị Android khỏi phần mềm độc hại

1. Chọn ứng dụng một cách khôn ngoan

Việc lựa chọn và sử dụng ứng dụng đúng cách là một trong những yếu tố quan trọng để bảo vệ thiết bị Android khỏi những mối đe dọa từ phần mềm độc hại. Theo đó, người dùng nên sử dụng nguồn an toàn, tức là tải các ứng dụng từ Cửa hàng Google Play hoặc những nơi đáng tin cậy khác. Tránh tải xuống ứng dụng từ các trang web không xác định.

Bên cạnh đó, người dùng cần kiểm tra đánh giá và xếp hạng trước khi cài đặt, điều này giúp người dùng hiểu rõ hơn về tính năng, hiệu quả và những vấn đề mà ứng dụng có thể gặp phải.

Đồng thời, người dùng cần xem xét các quyền truy cập mà ứng dụng yêu cầu, tránh cấp quyền truy cập quá nhiều cho một ứng dụng, đặc biệt là các quyền nhạy cảm như quyền truy cập vào danh bạ, tin nhắn, vị trí hoặc camera.

2. Kiểm soát quyền truy cập ứng dụng

Việc cấp quyền cho ứng dụng trên điện thoại Android là điều cần thiết để chúng hoạt động đúng chức năng. Tuy nhiên, nếu không cẩn trọng, việc cấp quyền quá mức có thể khiến thiết bị của người dùng trở nên dễ bị tấn công bởi phần mềm độc hại. Vì vậy, việc kiểm soát quyền truy cập của ứng dụng là vô cùng quan trọng để bảo vệ thiết bị.

Theo đó, người dùng không nên cấp quyền cho ứng dụng nếu không chắc chắn về lý do tại sao nó cần quyền đó. Chỉ cho phép các ứng dụng quan trọng gửi thông báo. Cẩn thận với các ứng dụng yêu cầu quyền truy cập vào tin nhắn SMS, chỉ cấp quyền gửi tin nhắn SMS cho các ứng dụng mà người dùng tin cậy, như ứng dụng ngân hàng hoặc ứng dụng nhắn tin.

3. Luôn cập nhật các phiên bản mới cho điện thoại

Việc cập nhật thường xuyên là một trong những cách hiệu quả nhất để bảo vệ điện thoại Android. Các bản cập nhật mới không chỉ mang đến những tính năng mới mà còn vá các lỗ hổng bảo mật, giúp thiết bị của người dùng an toàn hơn trước các mối đe dọa từ phần mềm độc hại.

Ngoài ra, người dùng cần sử dụng các ứng dụng bảo mật hiệu quả, tức là tải các ứng dụng bảo mật tốt để quét phần mềm độc hại nhằm bảo vệ điện thoại an toàn.

4. Giữ an toàn khi trực tuyến

Để bảo vệ thiết bị Android an toàn khi truy cập trực tuyến, người dùng không nên nhấp vào các liên kết hoặc mở tệp đính kèm từ những người không quen biết. Bên cạnh đó, người dùng cần sử dụng một lớp bảo mật bổ sung cho tài khoản trực tuyến của mình bằng cách sử dụng bảo mật xác thực hai yếu tố (2FA) và tạo bản sao dữ liệu trên điện thoại để phòng trường hợp có sự cố xảy ra.

Tóm lại, việc bảo vệ điện thoại Android bắt đầu từ việc hiểu rõ và kiểm soát quyền truy cập của các ứng dụng. Mỗi quyền mà người dùng cấp cho một ứng dụng đều là một cánh cửa mở ra cho tội phạm mạng có thể truy cập vào dữ liệu cá nhân của bạn. Hãy cẩn trọng lựa chọn những gì bạn chia sẻ. Bằng cách thường xuyên rà soát và điều chỉnh quyền truy cập, bạn đang tự mình xây dựng một bức tường lửa vững chắc để chống lại các cuộc tấn công từ phần mềm độc hại. Nhớ rằng, bạn là người chủ động bảo vệ thiết bị của mình.

Theo Gizchina
Copy Link
Mới nhất
x
x
Tại sao người dùng cần cẩn trọng khi cấp quyền cho ứng dụng Android?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO