Tại sao phụ nữ mang thai không nên đi máy bay?

10/03/2016 17:27

Trên máy bay, áp suất không khí thay đổi khiến dòng máu nuôi dưỡng thai trong cơ thể thai phụ thay đổi theo gây kích thích tử cung, dễ sinh non.

Mới đây một phụ nữ mang thai ở tuần 32 bất ngờ chuyển dạ sinh con trên máy bay từ TP HCM đi Đà Nẵng. Nhiều người đặt ra câu hỏi: Tại sao thai phụ không nên đi máy bay? Nếu phải đi thì bà bầu cần lưu ý những gì?

tai-sao-thai-phu-khong-nen-di-may-bay

Thai phụ vượt cạn thành công trên máy bay. Ảnh: Nguyễn Đông.

Bác sĩ Nguyễn Cảnh Chương, Trưởng phòng Nghiên cứu Khoa học, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, khuyến cáo phụ nữ không nên đi máy bay khi đang mang thai, nhất là thai phụ đang ở quý 3 của thai kỳ. Nếu bất đắc dĩ phải di chuyển bằng máy bay thì cần kiểm tra sức khỏe của cả mẹ và thai nhi trước khi xuất hành. Giấy xác nhận của bác sĩ cần ghi rõ số tuần có thai và hành khách đủ sức khỏe để thực hiện chuyến bay. Phụ nữ mang thai trên 36 tuần không được đi máy bay.

Bác sĩ Chương giải thích, lý do thứ nhất là do áp suất thay đổi theo độ cao khiến sự lưu thông máu trong cơ thể bị thay đổi, dòng máu nuôi dưỡng thai nhi chảy không đồng đều, gây kích thích tử cung và dễ sinh non. Lý do thứ hai, trên máy bay mọi người thường phải ngồi. Với thai phụ, ngồi nhiều trong môi trường áp suất thay đổi sẽ gây ứ đọng máu ở phần dưới cơ thể. "Máu về tim ít hơn sẽ gây ra nhiều vấn đề huyết áp, hình thành cục máu đông. Thai càng to thì nguy cơ càng trầm trọng", bác sĩ Chương lý giải.

Bác sĩ Chương nhấn mạnh, thai phụ có vấn đề về sức khỏe tuyệt đối không nên đi máy bay. "Thai phụ hay bị tăng huyết áp, tim mạch trong thai kỳ, mắc bệnh tiểu đường, có vấn đề về nước ối, nhau thai hoặc hảy máu âm đạo, tiền sử sinh non, hoặc có tiền sử máu vón cục kể cả trước khi mang thai, đã từng sinh đôi sinh ba... không nên di chuyển bằng máy bay", nam bác sĩ nói.

Ngay cả khi quá trình mang thai diễn ra hết sức nhẹ nhàng, bác sĩ khuyên bà bầu cũng không nên bay vào tháng cuối, nhất là khi đang dồn sức chuẩn bị vượt cạn. Các hãng hàng không thường có quy định những bà bầu mang thai ở tuần thứ 27 trở đi phải khai báo trước khi lên máy bay. "Nếu như thai phụ bắt buộc phải di chuyển bằng phương tiện này thì nên khám thai trước khi đi để kiểm tra thai nhi trong bụng, sau đó phải trình báo bộ phận liên quan để họ sắp xếp vị trí ngồi phù hợp trên máy bay", bác sĩ Chương khuyến cáo.

Ngoài ra sản phụ nên ăn uống đầy đủ khi lên máy bay, tránh ăn những thức ăn và đồ uống có ga. Đối với những chuyến bay dài, bà bầu nên co duỗi hai chân để giảm nguy cơ phù chi dưới và huyết khối tĩnh mạch. Để tránh chấn thương do rung lắc máy bay, thai phụ cần thắt dây an toàn bên dưới hai xương hông.

Chiều 4/3, hành khách Nguyễn Thị Ngọc Nga mang thai tuần thứ 32 bất ngờ chuyển dạ khi đang trên chuyến bay BL590 từ TP HCM đi Đà Nẵng. Bác sĩ Fiona Sutton - lúc đó là hành khách - đã tình nguyện thực hiện ca đỡ đẻ ở độ cao 10.000 m. Bé trai nặng 2,7 kg chào đời mạnh khỏe, được bố mẹ đặt tên là Dương Bảo Minh.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Tại sao phụ nữ mang thai không nên đi máy bay?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO