Chuyển đổi số

Tại sao TikTok trở thành ứng dụng gây tranh cãi nhất thế giới?

Phan Văn Hòa 06/04/2025 11:26

TikTok, nền tảng video ngắn nổi tiếng toàn cầu, không chỉ thu hút hàng tỷ người dùng mà còn vướng vào hàng loạt tranh cãi liên quan đến quyền riêng tư, an ninh quốc gia và ảnh hưởng xã hội. Vậy điều gì khiến TikTok trở thành ứng dụng gây tranh cãi nhất thế giới hiện nay?

Hôm 4/4 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức gia hạn thêm thời gian cho TikTok được ở lại Mỹ. Đây là lần thứ hai ông Trump ra tay can thiệp nhằm thúc đẩy một thỏa thuận chuyển giao quyền sở hữu ứng dụng đang gây tranh cãi này.

Thông báo được đưa ra qua nền tảng mạng xã hội Truth Social, nơi ông Trump nhấn mạnh rằng, thương vụ TikTok "cần thêm thời gian để hoàn tất các bước phê duyệt cần thiết".

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Với quyết định mới này, TikTok sẽ có thêm 75 ngày để tiếp tục hoạt động tại Mỹ, đồng nghĩa với việc thời hạn chót sẽ được đẩy lùi đến giữa tháng 6 tới.

Mỹ không phải là thị trường lớn đầu tiên ra lệnh "đóng sập cánh cửa" với TikTok. Trước đó vào năm 2020, Ấn Độ đã ra lệnh cấm hoàn toàn nền tảng này, loại bỏ khoảng 200 triệu người dùng với lý do tương tự là lo ngại về chủ quyền và an ninh dữ liệu.

Nhiều quốc gia và khu vực khác, như Vương quốc Anh và Liên minh Châu Âu, cũng đã áp dụng các biện pháp hạn chế một phần, cấm cài đặt TikTok trên thiết bị của nhân viên chính phủ và quân đội.

Tại Mỹ, nhiều bang và cơ quan liên bang đã ra lệnh cấm tương tự, dù TikTok vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Năm ngoái, ứng dụng đạt 52 triệu lượt tải xuống tại Mỹ và tổng cộng 733 triệu lượt toàn cầu, nâng tổng số người dùng lên hơn 2 tỷ người.

Dù từng bị chặn ở Ấn Độ, thị trường đông dân nhất của mình nhưng TikTok chỉ chững lại đôi chút, rồi nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng.

Theo một cuộc khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew của Mỹ vào năm ngoái, TikTok đã vươn lên trở thành nền tảng phát triển nhanh nhất tại Mỹ, khi ngày càng nhiều người trưởng thành, ngoài nhóm tuổi thanh thiếu niên vốn chiếm ưu thế trước đây bắt đầu sử dụng ứng dụng này.

Đáng chú ý, khoảng 1/3 người Mỹ từ 18 đến 29 tuổi đã dùng TikTok như một nguồn tin tức thường xuyên vào năm 2023, biến nền tảng chia sẻ video này thành một công cụ thông tin quan trọng đối với thế hệ trẻ.

Tuy nhiên, sự phổ biến của TikTok cũng kéo theo làn sóng lo ngại ngày càng gia tăng từ phía chính phủ. Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) cảnh báo rằng, mối quan hệ giữa ByteDance - công ty mẹ của TikTok và chính phủ Trung Quốc có thể tạo điều kiện cho việc thao túng nội dung, tiềm ẩn nguy cơ lan truyền thông tin tuyên truyền gây hại.

Tranh luận về TikTok không chỉ xoay quanh an ninh quốc gia, mà còn chạm đến các vấn đề nhạy cảm về quyền tự do ngôn luận. Tổ chức Biên giới điện tử (EFF) nhận định lệnh cấm TikTok là "một mối lo ngại thực sự về an ninh được bọc trong lớp kiểm duyệt dày đặc".

Trong khi đó, nhóm Tự do Kỹ thuật số Mỹ cũng lên tiếng kêu gọi công chúng phản đối việc chính phủ can thiệp vào phương tiện truyền thông đang được sử dụng rộng rãi.

Ảnh minh họa2
Lệnh cấm TikTok đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng. Ảnh: Internet

TikTok đã chính thức đệ đơn lên Tòa án Tối cao Mỹ vào tháng 1, cáo buộc rằng việc cấm ứng dụng đồng nghĩa với việc "đóng cửa" một trong những nền tảng phát biểu công khai lớn nhất đúng vào thời điểm chính trị nhạy cảm.

"Đạo luật này sẽ bịt miệng hàng triệu người Mỹ vào ngay trước lễ nhậm chức tổng thống", TikTok cảnh báo trong hồ sơ gửi tòa, nhấn mạnh rằng người dùng của họ đang sử dụng nền tảng để thảo luận về chính trị, thương mại, nghệ thuật và các vấn đề xã hội khác.

Một số công ty lớn đang bày tỏ sự quan tâm đến TikTok, bao gồm Oracle, AppLovin. Amazon cũng vừa đưa ra đề nghị phút chót mua lại ứng dụng video ngắn.

Một ứng cử viên đáng gờm khác trong cuộc đua này là liên minh giữa Andreessen Horowitz, Blackstone và nhóm các doanh nghiệp vốn tư nhân. Họ muốn nắm một nửa cổ phần TikTok tại Mỹ sau khi tách ra khỏi ByteDance.

Các nhà đầu tư hiện tại như General Atlantic, Susquehanna, KKR sẽ nắm 30% cổ phần, còn ByteDance giữ phần còn lại, dưới 20%. Thuật toán vẫn thuộc về công ty Trung Quốc nhưng nhóm nhà đầu tư Mỹ có thể sử dụng thông qua thỏa thuận cấp phép.

Thương vụ phải được sự phê duyệt của Chính phủ Trung Quốc mới có thể hoàn thành.

Vẫn trên Truth Social, ông Trump khẳng định: "Thuế quan là công cụ kinh tế quyền lực nhất và rất quan trọng với an ninh quốc gia của chúng ta. Chúng tôi không muốn TikTok dừng hoạt động. Chúng tôi mong muốn làm việc với TikTok và Trung Quốc để khép lại giao dịch".

Theo Independent, CNBC
Copy Link

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Tại sao TikTok trở thành ứng dụng gây tranh cãi nhất thế giới?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO