Tại sao Triều Tiên là 'hố đen' đối với tình báo Mỹ?

12/09/2017 06:17

Triều Tiên là một trong những mục tiêu tình báo không thể thâm nhập, điều mà một điệp viên hàng đầu của Mỹ hồi đầu năm nay gọi là 'một trong những thứ khó nhất'.

Những nỗ lực của Mỹ nhằm thâm nhập vào Triều Tiên đã thất bại trong một thời gian dài, đến nỗi quân đội Mỹ dường như không có đủ thông tin tình báo chính xác về các cơ sở hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng, ngay cả khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh.

Hôm 7/9, ông Trump tuyên bố rằng "hành động quân sự chắc chắn sẽ là một lựa chọn", đó sẽ là "một ngày rất buồn đối với Triều Tiên”.

Quốc gia bí ẩn

Bình luận trên tờ Politico mới đây, phóng viên an ninh quốc gia Jacqueline Klimas cho rằng cái gọi là “Quốc gia ẩn giật” (Hermit Kingdom) - ám chỉ Triều Tiên - là một trong những mục tiêu tình báo không thể thâm nhập, điều mà một điệp viên hàng đầu của Mỹ hồi đầu năm nay gọi là "một trong những thứ khó nhất, nếu không muốn nói rằng đây là điều khó nhất".

Triều Tiên, tình hình Triều Tiên, tình báo Mỹ

Binh sĩ Triều Tiên tham dự một buổi lễ quy mô lớn tại Bình Nhưỡng vì các nhà khoa học tham gia thực hiện vụ thử hạt nhân mới nhất của nước này ngày 6/9. Ảnh: Politico

Douglas Paal, Phó Chủ tịch phụ trách các nghiên cứu tại Tổ chức Carnegie về Hòa bình Quốc tế và là cựu nhân viên của Hội đồng An ninh Quốc gia thời Tổng thống Mỹ George H.W. Bush, nói: "Nếu bạn đề xuất các lựa chọn cho Tổng thống... Một trong những điều đầu tiên cần phải nói là chúng ta có thể tấn công những gì chúng ta có thể nhìn thấy, chúng ta không thể tấn công những gì chúng ta không thể nhìn thấy. Nói chung, tôi không quá phóng đại khi nói rằng chúng tôi vẫn đang mò mẫm trong bóng tối”.

Khó khăn trong việc thu thập và phân tích tình báo về Triều Tiên là một trong những lý do tại sao các cơ quan tình báo Mỹ lại có những kết luận khác nhau về khả năng của Triều Tiên và đã nhiều lần phải “ngạc nhiên”, kể cả vụ thử bom nhiệt hạch hồi đầu tuần này của Bình Nhưỡng. Ví dụ, năm 2013, Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) cho biết họ có "sự tự tin vừa phải" rằng Triều Tiên đã phát triển một đầu đạn hạt nhân có thể gắn trên tên lửa đạn đạo.

Ngay sau đó, Giám đốc Tình báo Quốc gia James Clapper khi đó nói rằng đánh giá trên không phải là sự đồng thuận của toàn bộ cộng đồng tình báo Mỹ. Nhưng vào mùa hè năm nay, một phân tích tình báo quân sự về chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên đã phải sửa đổi, kết luận Bình Nhưỡng có thể tích hợp một quả bom nguyên tử trên một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng tấn công lục địa Mỹ vào cuối năm 2018 – sớm hơn 2 năm so với dự tính. Vài tuần sau, các cơ quan tình báo khác của Mỹ kết luận rằng Triều Tiên đã bắt đầu chế tạo đầu đạn hạt nhân.

Mỹ thu thập thông tin tình báo về các nước và các nhóm khủng bố chủ yếu bằng cách sử dụng điệp viên, nghe trộm điện tử, gián điệp mạng và vệ tinh gián điệp. Và điều này là đặc biệt khó khăn ở Triều Tiên vì nhiều lý do.

Theo Bruce Klingner, người đã làm việc 20 năm tại CIA và DIA trước khi gia nhập Heritage Foundation, đầu tiên là do thiếu các mối quan hệ ngoại giao hoặc thương mại. Ông Klingner nói: "Chúng tôi rõ ràng là khó xâm nhập vào Triều Tiên, và thậm chí cả Hàn Quốc cũng gặp khó khăn trong việc điều hành các điệp viên vì sự khác biệt về phương ngữ và cách phát âm. Bất kỳ người lạ nào cũng bị chú ý".

Điều đó có nghĩa là bất cứ thông tin tình báo nào từ những người đào tẩu Triều Tiên đều không phải là hoàn toàn chính xác. Có một số nhưng không nhiều, và thường không phải là những cá nhân có nhiều thông tin trực tiếp về những hoạt động bên trong nhạy cảm nhất của chính quyền Bình Nhưỡng.

Ông Paal cho biết những người đào tẩu cũng thường phóng đại thông tin họ chia sẻ để được đối xử tốt hơn và thường không đáng tin cậy. Về phần mình, Andrew Peek, cựu sĩ quan tình báo quân đội và là thành viên của Trung tâm nghiên cứu an ninh quốc gia Clements, một trung tâm nghiên cứu phi đảng phái thuộc Đại học Texas nhận định: "Tôi nghĩ rằng chúng tôi có ít thông tin chi tiết về Triều Tiên hơn là Syria hoặc Iran”.

Bên cạnh đó, việc thu thập thông tin thông qua các phương tiện điện tử cũng bị hạn chế vì công nghệ, truy cập Internet và sử dụng điện thoại di động ở Triều Tiên bị hạn chế. Và những người sử dụng mạng máy tính ở Triều Tiên, kể cả các quan chức chính phủ, đều được mã hóa và bảo mật cao. Dan Coats, Giám đốc cơ quan tình báo quốc gia Mỹ phát biểu tại cuộc hội thảo Senate rằng: "Băng thông rộng của họ (Triều Tiên) rất hạn chế. Vì vậy, chúng tôi nhận được kết quả rất hạn chế khi sử dụng nó như là một cách tiếp cận để thu thập tin tức”.

Nhiều chuyên gia cho rằng sử dụng vệ tinh để chụp ảnh là thủ thuật thu thập thông tin thành công nhất ở Triều Tiên. Nhưng nó cũng có những hạn chế. Theo ông Klingner, trong khi vệ tinh có thể giúp theo dõi các hoạt động quân sự hoặc phân tích hoạt động hay công tác chuẩn bị thử nghiệm tại các địa điểm hạt nhân hoặc tên lửa, nó vẫn cung cấp hình ảnh không đầy đủ. Vệ tinh giám sát cũng rất khó thu thập vì nhiều cơ sở quân sự và kho chứa của Triều Tiên được đặt dưới lòng đất, cả vì lý do an ninh và vì khu vực miền núi bị hạn chế về không gian.

Điểm mù của tình báo Mỹ

Khó khăn trong việc theo dõi các hoạt động quân sự bí mật của Triều Tiên đã được thể hiện khi vụ thử nghiệm dưới lòng đất gần đây mà Triều Tiên tuyên bố là một quả bom hydro khiến nhiều nhà quan sát bất ngờ.

Jon Wolfsthal, người từng là Giám đốc cao cấp về kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí hạt nhân tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nói: "Phần khó nhất là khẳng định họ đã làm gì khi thử nghiệm hạt nhân. Liệu có phải họ đang lừa gạt hay không? Bởi vì chúng tôi không có mối liên kết chặt chẽ về chương trình thử nghiệm hạt nhân của họ, và họ đã thực hiện tốt việc đảm bảo không để bị lộ địa điểm thử nghiệm”.

Các chuyên gia khác cũng đồng ý rằng, trên thực tế rất nhiều tài sản hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên và các thiết bị hạt nhân nằm dưới lòng đất, trong các hang động hoặc đường hầm đã khiến các nhà lập kế hoạch quân sự không có nhiều sự lựa chọn. Cựu sĩ quan tình báo quân đội Andrew Peek nêu rõ: "Tôi nghĩ rằng nhân tố bí ẩn đối với tôi là làm thế nào mà họ đã phát triển được những khu phức hợp dưới lòng đất này”.

Tất cả điều trên cho thấy “một điểm mù tương đối” đối với các cơ quan tình báo Mỹ và liên minh. "Nếu bạn nhìn vào bức ảnh vệ tinh chụp vào ban đêm, có một khu vực tối mà không có ánh sáng, và đó là Triều Tiên", chuyên gia Coats kết luận.

Theo tin tưc

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Tại sao Triều Tiên là 'hố đen' đối với tình báo Mỹ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO