Tắm nắng trước 9 giờ sáng có thể gây hại cho trẻ
Mới đây, bác sĩ Lê Quang Hào, Viện Dinh dưỡng Quốc gia đưa ra một thông tin khiến các bà mẹ hết sức quan tâm. Theo bác sĩ Hào, tắm nắng cho trẻ trước 9h sáng và sau 4h chiều là phản khoa học, có thể gây ung thư da, sẫm màu da và lão hóa da.
Vì sao tắm nắng đầy đủ vẫn bị còi xương?
Theo bác sĩ Lê Quang Hào, từ hàng chục năm nay, các y bác sĩ cũng như các phương tiện truyền thông vẫn hướng dẫn cách tắm nắng cho mọi người, đặc biệt cho trẻ em để phòng bệnh còi xương dinh dưỡng (còi xương do thiếu vitamin D (vitamin D3) trước 9 giờ sáng và sau 4-5 giờ. Thế nhưng khoa học thế giới đã chứng minh rằng, việc tắm nắng vào thời gian này là hoàn toàn sai lầm. Nó không những không tạo được vitamin D mà một dạng tia cực tím (tia UVA) chiếm phần lớn trong ánh nắng mặt trời xuyên xuống trái đất có tác dụng gây nên bệnh ung thư da và hại mắt.
Bác sĩ Lê Quang Hào cho biết, thực tế trong quá trình khám dinh dưỡng cho trẻ cũng cho thấy, mặc dù không ít trẻ được tắm nắng đầy đủ nhưng vẫn bị bệnh còi xương. Ngay cả người lớn, nhiều người có nhiều thời gian phơi mình dưới nắng, hoặc chủ ý tắm nắng một cách đầy đủ, đúng giờ nhưng vẫn thiếu vitamin D, ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe. Nguyên nhân là bởi, cách tắm nắng được phổ biến lâu nay không những không phòng, điều trị được thiếu vitamin D nói chung, bệnh còi xương trẻ em mà còn làm giảm lượng vitamin D trong cơ thể, làm tăng nguy cơ ung thư da, các bệnh về mắt.
Tắm nắng cho trẻ không đúng cách có thể gây những “tác dụng ngược”, ảnh hưởng xấu cho sức khỏe của con. |
Cụ thể, đối với mắt, tia UV gây đục thủy tinh thể, ung thư da xung quanh mi mắt, thoái hóa điểm vàng, viêm kết mạc giác mạc. Đối với da, tia UV gây ung thư da. Số liệu thống kê năm 2008 ở Mỹ cho thấy: Số người bị ung thư da nhiều hơn số người bị ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư phổi, ung thư đại tràng cộng lại. Có đến 90% những thay đổi trên da mà chúng ta vẫn thường nghĩ là do tuổi tác như da sẫm màu, da nhăn nheo, chấm đen trên da… thực chất là do tiếp xúc quá mức với ánh nắng mặt trời.
Nguy hại khi tắm nắng không đúng cách
Theo bác sĩ Lê Quang Hào, có một sự sai lầm trong cách tắm nắng lâu nay ở Việt Nam mà giới chuyên môn đã nhận ra nhưng người dân lại chưa mấy người biết. Đó là sai lầm trầm trọng về thời gian tắm nắng. Cách tắm nắng phổ biến ở Việt Nam hiện nay là trước 9 giờ sáng và sau 4 giờ chiều. Tuy nhiên, tắm nắng trong khoảng thời gian này không những không có tác dụng tạo được vitamin D để chống tình trạng còi xương ở trẻ mà còn là nguyên nhân gây nên bệnh ung thư da, sẫm màu da và lão hóa da.
Lê Quang Hào cho biết, vitamin D không phải là một vitamin mà là một hormone steroid. Nó được cơ thể tự sản xuất ra khi chúng ta tắm nắng, dưới tác động trực tiếp của tia cực tím B (Ultra Violet B-UV B) trên da, hoặc cơ thể có được vitamin D từ thực phẩm bổ sung vitamin D hoặc các chế phẩm vitamin D.
Vitamin D là rất quan trọng với sức khỏe. Vitamin D đã được chứng minh là ảnh hưởng đến khoảng 3.000 gene trong cơ thể, thậm chí còn nhiều hơn thế. Vitamin D ảnh hưởng đến rất nhiều bệnh. Cụ thể hiện nay các nhà khoa học đã tìm ra ít nhất 68 bệnh có thể phòng và điều trị hiệu quả bằng vitamin D như: Bệnh ung thư, tâm thần, tự kỷ, tim mạch, tiểu đường, cao huyết áp, béo phì, viêm khớp dạng thấp, tất cả các rối loạn về răng… và đương nhiên phòng và điều trị hiệu quả 100% bệnh còi xương dinh dưỡng. Chính vì tầm quan trọng của vitamin D nên hiện nay vấn đề thiếu vitamin D được coi là một vấn đề sức khỏe cộng đồng không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới.
Theo bác sĩ Hào, nên cho trẻ tắm nắng sau 9 giờ sáng đến trước 3 giờ chiều để có tác dụng. Tùy thuộc vào độ tuổi của trẻ, thời gian tắm nắng có thể từ 10-30 phút mỗi ngày. Những ngày đầu, mẹ có thể cho con tắm nắng trong bóng râm trong khoảng 10 phút và tăng dần thời gian tắm nắng khoảng 20, 30 phút cho những ngày tiếp theo. |
Để bổ sung vitamin D cho cơ thể, ngoài việc dùng thuốc và thực phẩm thì phơi da trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời được coi là phương pháp tạo vitamin D một cách hữu hiệu. Thế nhưng như ta đã biết, ánh sáng mặt trời là điều cần thiết mang lại sự sống cho muôn loài trên trái đất, nó cần thiết cho sức khỏe nhưng cũng mang lại một số rủi ro khi cơ thể tiếp xúc với nó không đúng cách.
Cách tắm nắng cho bé
Đặt bé nằm duỗi như tư thế nằm trên giường sao cho ánh nắng mặt trời tiếp xúc với lưng đầu tiên, sau đó là hai bên thân mình, cuối cùng mới là bụng và ngực. Khi mới cho bé tắm nắng, chỉ nên để ánh nắng chiếu vào từng phần (như đã chia ở trên) trong khoảng 1 phút, lâu dần mới tăng thời gian lên. Vào mùa hè, tỉ lệ tia cực tím trong ánh nắng thường cao hơn các mùa khác nên bạn phải chú ý bảo vệ đầu và mắt cho bé. Tốt nhất là cho bé đội mũ làm bằng chất liệu vải sợi tự nhiên, thoáng mát, thấm mồ hôi và đặc biệt phải rộng vành để che ánh nắng chiếu trực tiếp vào mắt.
Cho bé mặc ít quần áo khi tắm nắng
Khi bắt đầu, bạn cứ cho bé mặc quần áo như bình thường. Phơi nắng được một lúc, nếu cảm thấy nhiệt độ cơ thế bé tăng lên, bạn mới dần dần cởi bớt áo quần cho bé. Làm như vậy sẽ khiến bé cảm thấy rất sảng khoái mà lại đảm bảo sức khỏe cho bé. Sau khi tắm nắng xong, nên mặc thêm quần áo cho bé luôn bởi trong lúc phơi nắng, các lỗ chân lông nở to ra nên khi bạn đưa bé vào nhà hoặc nơi râm mát, các khí lạnh sẽ dễ dàng thâm nhập qua lỗ chân lông khiến cơ thể bé ngấm lạnh nhanh, thậm chí dẫn đến cảm lạnh.
Với những trẻ đang điều trị các bệnh cấp tính, trẻ bị bệnh nội tiết: basedow, trẻ bị eczema, herpes, đang dùng kháng sinh nhóm Quinolon thì nhất thiết không được cho trẻ tắm nắng. |
Nên tắm nắng vào thời gian nào?
Theo khuyến cáo của bác sĩ Lê Quang Hào, Viện Dinh dưỡng Quốc gia:
- Chỉ tắm nắng khi độ dài bóng nắng cơ thể bạn ngắn hơn chiều cao của bạn. Tức là khoảng sau 9 giờ sáng cho đến trước 3 giờ chiều. Ở châu Âu, châu Mỹ tắm nắng vào buổi trưa. Những ngày đầu tiên mới tắm nắng, chỉ tắm nắng 3 -5 phút (đặc biệt khi đang giữa mùa hè) để cơ thể làm quen với ánh nắng. Các tế bào Melanocyte sẽ sản xuất các sắc tố tránh cho làn da tiếp xúc với quá nhiều ánh nắng, để bảo vệ cơ thể. Khi cơ thể đã làm quen với ánh nắng, vào mùa hè chúng ta tắm nắng 5 -10 phút, vào mùa đông 15-20 phút. Giờ tắm nắng càng gần buổi trưa càng ngắn hơn. Đeo kính có khả năng chống tia UV, đội mũ rộng vành khi tắm nắng.
- Quan sát màu da, khi thấy da ửng hồng là chúng ta đã tắm nắng đủ. Tránh ánh nắng chiếu vào khu vực mặt, xung quanh mắt vì làn da mỏng nhất trong cơ thể. Có thể bôi kem dưỡng ẩm lên vùng da chiếu nắng để tạo điều kiện thuận lợi cho cơ thể tạo vitamin D.
- Trong suốt những ngày không có ánh nắng, hoặc mùa đông, lựa chọn tốt nhất của chúng ta là nên bổ sung vitamin D theo đường uống. Liều bổ sung không khác biệt nhiều với các lứa tuổi: từ 400 – 600 đơn vị vitamin D mỗi ngày.
Bác sĩ Lê Quang Hào cho biết, thực tế sai lầm về mặt khoa học này diễn ra trên toàn thế giới chứ không chỉ riêng gì ở Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi phát hiện ra sự thật về sự xuất hiện các tia cực tím B có lợi cũng như có hại trong ánh nắng mặt trời vào từng thời điểm khác nhau trong ngày, các nước đã “sửa sai” bằng việc công bố ngay sự thật đó. Hiện nay nhiều nước trên thế giới không khuyến khích người dân tắm nắng vào trước 9 giờ sáng hay sau 3 giờ chiều nữa. |
Theo Gia đình & Xã hội
TIN LIÊN QUAN |
---|