Tân Trào - nơi khởi nguồn Cách mạng Tháng Tám

17/08/2016 11:07

(Baonghean.vn) - Với địa thế hiểm yếu, phong trào cách mạng vững chắc, nhân dân một lòng đi theo Đảng, Tân Trào trở thành trung tâm căn cứ địa của cách mạng Việt Nam, là Thủ đô khu Giải phóng, Thủ đô Kháng chiến. Tại Tân Trào đã có nhiều địa điểm được chọn làm nơi ở, làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh như: Lán Nà nưa, Lũng Tẩu, Khấu Lấu, lán Hang Bòng...

Tháng 5/1945, trước những chuyển biến mau lẹ của tình hình và yêu cầu của cách mạng, Bác Hồ quyết định rời Pác Bó (Cao Bằng) về Tân Trào, Sơn Dương (Tuyên Quang). Tân Trào - Kim Long không những là nơi có cảnh thiên nhiên đẹp mà còn là nơi dễ cơ động “tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ”, vì thế có câu ca: “Kim Long đất hiểm tứ bề/Kẻ địch muốn chết thì về Kim Long”.

Bác Hồ thăm đình Tân Trào (3-1961).
Bác Hồ thăm đình Tân Trào (3-1961).

Sau cuộc hành trình 16 ngày, ngày 21/5/1945 - một ngày đã đi vào lịch sử cách mạng nước ta, Bác Hồ về tới Tân Trào. Bác đi cùng đồng chí Võ Nguyên Giáp. Bác mặc áo chàm, vai vắt chiếc khăn mặt trắng, dáng người mảnh dẻ, nước da rám nắng. Nhân dân trong vùng gọi Bác là “Ông Ké áo chàm”. Bốn tiếng “Ông Ké áo chàm” như tiếng vang của một huyền thoại. Bác Hồ dừng chân nghỉ ở đình Hồng Thái. Bác bước vào đình, nhìn bao quát khung cảnh và các đồng chí xung quanh với đôi mắt ấm áp. Bác bắt đầu câu chuyện bằng những lời hỏi thăm ân cần.

Lán Nà Lưa - nơi Bác Hồ ở và làm việc trong thời kỳ kháng chiến.
Lán Nà Lưa - nơi Bác Hồ ở và làm việc trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.


Tại Tân Trào, đầu tháng 6/1945, Bác Hồ chỉ đạo thành lập Khu giải phóng, lấy Tân Trào làm trung tâm, xây dựng chính quyền và quân đội cách mạng. Tân Trào trở thành Thủ đô Khu giải phóng và sau đó là Thủ đô lâm thời của nước Việt Nam mới, trái tim và khối óc cách mạng của cả nước. Từ Tân Trào, những chủ trương, chỉ thị của Bác, của Đảng đã tỏa đi khắp miền đất nước. Tại đây, Trung ương Đảng và Bác Hồ đã có những quyết định quan trọng, lãnh đạo thành công cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tháng 8/1945. Sau khi nghỉ chân ở đình Hồng Thái một tiếng, Bác về ở nhà ông Nguyễn Tiến Sự, thôn Tân Lập.

Một tuần sau, Bác chuyển lên ở trên lán Nà Nưa. Chính trong lán Nà Nưa lịch sử này, cuối tháng 7/1945, trong lúc đang ốm thập tử nhất sinh, Bác đã nói một câu sắt đá: “Lúc này, thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.

Bữa cơm của Bác Hồ và các chiến sỹ ở Tân Trào trong những ngày kháng chiến chống thực dân Pháp
Bữa cơm của Bác Hồ và các chiến sỹ ở Tân Trào trong những ngày kháng chiến chống thực dân Pháp

Người chủ trì Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng họp từ ngày 13 đến ngày 15/8/1945, quyết định chớp thời cơ Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, cử ra Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc. Quốc dân đại hội Tân Trào - tiền thân của Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (họp tại đình Tân Trào ngày 16, 17/8/1945), đã thảo luận nhất trí thông qua chủ trương của Việt Minh và cử ra Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam tức Chính phủ lâm thời do Bác Hồ làm Chủ tịch. Bác xuất hiện với cái tên Hồ Chí Minh ở Tân Trào từ ngày ấy.

Ngày 17/8/1945, trước đình Tân Trào, đứng bên Hòn đá thề, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc lời thề kiên quyết lãnh đạo nhân dân chiến đấu chống quân thù, giành lại độc lập cho Tổ quốc. Quốc dân đại hội Tân Trào thể hiện lòng tin sâu sắc của nhân dân cả nước đối với Đảng, Bác Hồ, sự đoàn kết nhất trí của toàn dân trong giờ phút quyết định vận mệnh đất nước.

Bác Hồ ở Hang Bòng (Tân Trào, Sơn Dương) trong thời kỳ kháng chiến
Bác Hồ ở Hang Bòng (Tân Trào, Sơn Dương) trong thời kỳ kháng chiến.

Tháng 12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, một lần nữa Chủ tịch Hồ Chí Minh trở lại Tuyên Quang để lãnh đạo toàn dân kháng chiến kiến quốc. Trong thời gian từ năm 1948 đến năm 1949, Bác làm việc tại Lũng Tẩu. Tân Trào - Thủ đô Khu giải phóng xưa đã trở thành Thủ đô kháng chiến, là nơi ở, làm việc của Trung ương Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận, các bộ ngành, cơ quan trung ương. Vinh dự là nơi chở che cho cách mạng, Tân Trào cũng vinh dự là nơi ra đời nhiều quyết sách quan trọng, nhiều bài viết, bài phát biểu về đạo đức cách mạng, rèn luyện lối sống cho cán bộ, đảng viên; các sáng tác thơ văn của Bác. Đặc biệt là các bài thơ và thư chúc mừng năm mới của Bác Hồ.

Một góc Di tích Tân Trào
Đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp ảnh cùng lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang dưới bóng cây đa
Tân Trào vào đầu năm 1990.

Ngày 20/3/1961, một niềm hạnh phúc lớn lao đối với cán bộ, nhân dân các dân tộc xã Tân Trào là được đón Bác Hồ về thăm. Nói chuyện với cán bộ, nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: Chủ nghĩa xã hội là tất cả mọi người các dân tộc ngày càng ấm no, con cháu chúng ta ngày càng sung sướng… Mọi người đều ra sức xây dựng chủ nghĩa xã hội, phải tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, thực hành khẩu hiệu: “Cần kiệm xây dựng Tổ quốc”.

Đình Hồng Thái - Tân trào - Tuyên Quang
Đình Hồng Thái - Tân Trào (Tuyên Quang)

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, những địa danh nơi Bác Hồ đã ở và làm việc tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào không ngừng được bảo tồn và tôn vinh giá trị. Tân Trào sẽ mãi khơi dậy lòng tự hào dân tộc, niềm kính yêu vô hạn về Bác Hồ - vị lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam.

Thái Bình (Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN

Tân Trào - nơi khởi nguồn Cách mạng Tháng Tám
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO