Sức khỏe

Tăng cường chuyển đổi số, xây dựng ngành Y tế thông minh

Thành Chung 01/01/2025 17:06

Từ việc đẩy mạnh chuyển đổi số, ngành Y tế Nghệ An đang từng bước hình thành nên hệ thống y tế thông minh, góp phần nâng cao chất lượng phòng bệnh và khám, chữa bệnh cho người dân.

Tích cực chuyển đổi số

Thời gian qua, ngành Y tế Nghệ An đã tích triển khai nhiều ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động y tế dự phòng, khám, chữa bệnh và công tác quản lý nhà nước về y tế. Cụ thể, công tác quản lý văn bản và điều hành văn bản VNPT-ioffice được triển khai từ Sở Y tế đến tất cả các đơn vị trong ngành, đồng thời kết nối đến 460 trạm y tế xã. Hệ thống giao ban trực tuyến được thiết lập từ Sở Y tế đến các đơn vị tuyến huyện.

Ảnh Thành Chung (4)
Bệnh nhân thực hiện thanh toán chi phí dịch vụ khám, chữa bệnh qua hình thức QR động ở Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Ảnh: Thành Chung

Thông qua các ứng dụng thông minh, các cơ sở y tế đã cung cấp đầy đủ thông tin cho người bệnh về quy trình, địa điểm khám, chữa bệnh; các thủ tục hành chính, chế độ chính sách về khám, chữa bệnh; đơn giản hóa các thủ tục, quy trình; niêm yết công khai, minh bạch để người dân biết và giám sát; thành lập bộ phận chăm sóc khách hàng để tư vấn, hướng dẫn qua điện thoại và website. Người dân được đăng ký khám, chữa bệnh trực tuyến; khám, chữa bệnh từ xa nhằm giảm sự ùn tắc, chờ đợi.

Hiện, 100% trạm y tế trên địa bàn tỉnh đã triển khai phần mềm quản lý khám, chữa bệnh tại trạm, sử dụng phần mềm dùng chung Hệ thống thông tin quản lý y tế VNPT HMIS. Ngành Y tế đã triển khai hiệu quả phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử, với 3.474.783 hồ sơ được khởi tạo trên hệ thống, trong đó có 3.124.908 hồ sơ đã có dữ liệu khám, chữa bệnh. Hệ thống phần mềm quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm được thiết lập triển khai tới tất cả xã, phường, thị trấn. Hiện đã có 14.180 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc ngành Y tế quản lý được nhập dữ liệu.

Ảnh Thành Chung (5)
Chuyển đổi số giúp cho cán bộ, nhân viên y tế có nhiều thời gian hơn để chăm sóc các bệnh nhân. Ảnh: Thành Chung

Toàn tỉnh cũng đã có 11 đơn vị triển khai bệnh án điện tử. 100% các cơ sở khám, chữa bệnh từ tỉnh, huyện, xã triển khai phần mềm quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế. Các cơ sở đều trích xuất được dữ liệu đầu ra theo quy định. 95,53% cơ sở khám, chữa bệnh triển khai thực hiện kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử. 100% cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử thay thế thẻ bảo hiểm y tế; đăng ký lưu trú thông qua ứng dụng VneID cho bệnh nhân nội trú tại bệnh viện, 100% đơn vị đã triển khai việc thanh toán viện phí qua ngân hàng.

Theo tổng hợp 8 tiêu chí của Thông tư 54/2017/TT-BYT, toàn tỉnh có 7/49 đơn vị đạt mức 6 (mức bệnh viện thông minh), 5/49 đơn vị đạt mức 4-5 (mức ứng dụng công nghệ thông tin trong một số lĩnh vực). Tuy nhiên, do có một số tiêu chí đặc thù chưa được đầu tư đúng mức như các tiêu chí về phi chức năng, bảo mật nên chưa đáp ứng được ở mức cao hơn.

Phát triển y tế thông minh

Ảnh Thành Chung (3)
Hệ thống máy móc hiện đại trong điều trị cho các bệnh nhân tại Bệnh viện Ung bướu Nghệ An. Ảnh: BVUBNA

Từ việc đẩy mạnh chuyển đổi số, ngành Y tế Nghệ An đang từng bước hình thành hệ thống y tế thông minh. Qua đó, các cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị y tế có thể tiếp cận dữ liệu chính xác, kịp thời; chủ động dự báo và phòng chống hiệu quả dịch bệnh; điều phối hoạt động cấp cứu ngoại viện và tình trạng quá tải tại các bệnh viện; kiểm tra giám sát hành nghề y tế tư nhân; thực hiện tốt hơn công tác khám, chữa bệnh; tiết kiệm thời gian, chi phí và hạn chế rủi ro, tai biến khi điều trị; giảm khối lượng công việc hành chính, nhân viên y tế có nhiều thời gian phát triển chuyên môn; xây dựng hình ảnh bệnh viện văn minh, hiện đại, hết lòng vì người bệnh.

Về phía người dân, nhờ hệ thống khám, chữa bệnh thông minh, có thể tiếp cận thông tin y tế dễ dàng; giảm các thủ tục hành chính, đảm bảo tính công bằng khi thực hiện các dịch vụ y tế; tránh được các rủi ro y tế không đáng có như việc nhầm lẫn thông tin chẩn đoán hay điều trị; sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh tiên tiến, chất lượng cao và thuận lợi hơn; minh bạch trong việc thanh toán các dịch vụ y tế.

Ảnh Thành Chung (7)
Ngành y tế Nghệ An đã và đang đẩy mạnh phát triển kỹ thuật cao, chuyên sâu; ứng dụng công nghệ số trong khám, chữa bệnh. Ảnh: Thành Chung

Những lợi ích mang lại từ việc phát triển hệ thống y tế thông minh là rất lớn. Vì vậy, thời gian tới, ngành Y tế Nghệ An sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ số, công nghệ thông minh trong y tế, góp phần xây dựng hệ thống y tế hiện đại, chất lượng, công bằng, minh bạch, hiệu quả, giúp người dân dễ dàng tiếp cận thông tin y tế để sử dụng các dịch vụ y tế hiệu quả cao và được bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe suốt đời.

Tiến sĩ, bác sĩ Chuyên khoa II Lê Thị Hoài Chung - Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết: Thời gian tới, ngành Y tế tỉnh nhà quyết tâm, quyết liệt thực hiện 3 nội dung lớn. Thứ nhất, phát triển hệ thống y tế trên địa bàn thành phố Vinh trở thành hạt nhân trung tâm y tế chuyên sâu khu vực Bắc Trung Bộ theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị. Thứ hai, cải thiện tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế đang diễn ra thông qua việc nghiên cứu, lựa chọn phương án tối ưu trong việc đấu thầu mua sắm.

Ảnh Thành Chung (1)
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Thị Hoài Chung - Giám đốc Sở Y tế Nghệ An trao đổi về việc đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển hệ thống y tế thông minh. Ảnh: Thành Chung

Ngành y tế quyết tâm xây dựng hệ thống y tế thông minh với 3 trụ cột, gồm quản trị thông minh, phòng bệnh thông minh và khám chữa bệnh thông minh. Xây dựng y tế thông minh sẽ giúp giải quyết những vấn đề đang tồn tại ở các cơ sở y tế của tỉnh Nghệ An nói riêng, cả nước nói chung, đó là tình trạng lộn xộn, mất an ninh trật tự ở cơ sở. Đơn cử, với việc tăng cường camera ở bệnh viện, phòng bệnh sẽ hạn chế tình trạng người nhà bệnh nhân đến thăm hỏi, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống nhiễm khuẩn và khám chữa bệnh, hồi phục sức khỏe bệnh nhân. Người nhà bệnh nhân có thể thấy rõ hình ảnh, các chỉ số chức năng sống, mức độ bệnh tật của bệnh nhân tại màn hình các phòng chờ, qua các App. Điều này đồng nghĩa với việc các bác sĩ có thêm thời gian để chăm sóc bệnh nhân nặng, bệnh nhân yếu thế.

Tiến sĩ, bác sĩ Chuyên khoa II Lê Thị Hoài Chung - Giám đốc Sở Y tế Nghệ An

Với y tế thông minh, các cơ sở y tế có thể tăng cường việc hội chẩn với các chuyên gia; liên kết giữa các bệnh viện tuyến trên; hỗ trợ người dân ngay từ cổng bệnh viện, giảm tải thời gian chờ đợi không cần thiết. Thông qua sổ sức khỏe điện tử, các cơ quan quản lý có thể sớm phát hiện, phòng chống bệnh hiệu quả ở cộng đồng. Các cơ sở điều trị có thể chăm sóc điều trị thuận tiện, hiệu quả nhờ dữ liệu khám chữa bệnh những lần trước đó đã được tích hợp vào số điện tử.

Mới nhất

x
Tăng cường chuyển đổi số, xây dựng ngành Y tế thông minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO