Pháp luật

Tăng cường công tác tuyên truyền về quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam - Lào

Tiến Đông 16/10/2024 11:30

Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Quảng Nam vừa phối hợp tổ chức Hội nghị tuyên truyền về công tác quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam - Lào.

bna_1.jpg
Trước khi bước vào hội nghị, đoàn đại biểu tổ chức dâng hoa, dâng hương tại Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng trên đỉnh núi Cấm, thôn Phú Thạnh, xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ (Quảng Nam). Ảnh: Tiến Đông
bna_3.jpg
Đoàn đại biểu thành kính dâng hoa trước Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng. Ảnh: Tiến Đông

Vai trò trọng yếu

Đường biên giới Việt Nam - Lào dài khoảng 2.337,459 km, đi qua 10 tỉnh biên giới Việt Nam, gồm: Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum. Phía tiếp giáp bên phía nước bạn Lào đi qua 10 tỉnh: Phông Sa Lỳ, Luông Pha Băng, Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Bô Ly Khăm Xay, Khăm Muộn, Sạ Vẳn Nạ Khệt, Sả Lạ Văn, Xê Kông và Ắt Tạ Pư.

bna_15.jpg
Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Tiến Đông
bna_21(1).jpg
Đoàn đại biểu Nghệ An tham dự hội nghị. Ảnh: Tiến Đông

Trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào có khoảng 168.700 hộ, với 738.200 nhân khẩu, thuộc 36 dân tộc, trong đó, dân tộc thiểu số chiếm 76,3%.

Tuy vậy, mật độ dân cư tại khu vực biên giới còn thưa thớt; điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, vẫn còn một số ít bộ phận dân cư sống du canh, du cư, trình độ lạc hậu... Điều này gây không ít khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ đường biên giới và mốc giới.

bna_12.jpg
Đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam phát biểu chào mừng hội nghị và báo cáo một số tình hình biên giới Việt Nam - Lào trên địa bàn Quảng Nam. Ảnh: Tiến Đông

Từ năm 2008 đến năm 2016, thực hiện Dự án tăng dày, tôn tạo mốc quốc giới, Việt Nam và Lào đã phối hợp xác định và xây dựng được 905 vị trí, tương ứng với 1.002 cột mốc và cọc dấu (không kể 2 mốc tại ngã 3 biên giới với Trung Quốc và Campuchia).

Trong quá trình thực hiện dự án này, hai bên đã phối hợp tổ chức 63 cuộc họp các cấp, gần 100 đoàn công tác liên ngành song phương tiếp cận các khu vực mốc và hàng nghìn cuộc họp, làm việc của Đội Liên hợp cắm mốc, nhằm trao đổi, thống nhất kế hoạch, biện pháp triển khai, thực hiện từng hạng mục của dự án.

bna_18.jpg
Đồng chí Nguyễn Minh Vũ - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao báo cáo tham luận về công tác biên giới lãnh thổ. Ảnh: Tiến Đông

Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Minh Vũ - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao nhấn mạnh, trong nhiều năm qua, công tác biên giới lãnh thổ nói chung và công tác biên giới Việt Nam - Lào nói riêng đóng vai trò trọng yếu đối với việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định, giữ vững quốc phòng, an ninh, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, xã hội giữa Việt Nam với Lào và các nước khác thuộc khối ASEAN và tiểu vùng sông Mê Kông...

Liên quan đến vấn đề hợp tác song phương, Việt Nam và Lào đã thống nhất định hướng về quy hoạch phát triển cửa khẩu biên giới giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, làm cơ sở để hai bên có kế hoạch, lộ trình mở, nâng cấp cửa khẩu phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội của mỗi nước.

bna_19.jpg
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Tiến Đông

Tính đến thời điểm hiện tại, giữa 2 nước đã có 33 cửa khẩu đang hoạt động trên toàn tuyến, bao gồm 9 cửa khẩu quốc tế, 6 cửa khẩu chính và 18 cửa khẩu phụ. Ngoài ra, hai bên còn có thêm 29 lối mở để đáp ứng nhu cầu qua lại và góp phần thúc đẩy hợp tác - phát triển giữa hai bên biên giới...

Theo thống kê, năm 2023, tổng giá trị kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa 2 nước đạt 1,56 tỷ USD. Trong 4 tháng đầu năm 2024, thương mại biên giới giữa 2 nước đạt 593,7 triệu USD.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân tại các tỉnh có chung đường biên giới giữa Việt Nam và Lào đã được các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện đạt được nhiều kết quả tích cực.

bna_23.jpg
Đại tá Trần Nam Trung - Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng báo cáo tình hình xử lý các vấn đề phát sinh trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Lào. Ảnh: Tiến Đông

Đổi mới về nội dung, hình thức tuyên truyền

Lực lượng chức năng của 2 nước Việt Nam - Lào thường xuyên trao đổi, nắm bắt thông tin, phối hợp giải quyết các vấn đề biên giới một cách kịp thời và hiệu quả. Tuy vậy, trên tuyến biên giới, hoạt động của các loại tội phạm còn diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm liên quan đến ma túy, tội phạm mua bán người, hoạt động buôn lậu, tình trạng di dịch cư trái phép... đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh, chính trị, văn hóa, xã hội tại khu vực biên giới.

cao tốc HN VC
Hướng tuyến dự kiến đường bộ cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn. Ảnh: Bộ GTVT

Tại hội nghị, qua thực tiễn xử lý các vấn đề phát sinh trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Lào, các đại biểu cũng đã có nhiều ý kiến đóng góp về giải pháp quản lý, bảo vệ biên giới.

Trong đó, tập trung quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả quan điểm, đường lối của Đảng, sự lãnh đạo, điều hành của Nhà nước về công tác đối ngoại; sử dụng đồng bộ các biện pháp quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; tăng cường nắm, nghiên cứu, đánh giá, dự báo chính xác, kịp thời về tình hình ngoại biên, trên biên giới liên quan đến chủ quyền lãnh thổ; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân khu vực biên giới...

Vũ Thanh Mai
Đồng chí Vũ Thanh Mai - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu kết luận tại hội nghị. Ảnh: Tiến Đông

Kết luận tại hội nghị, đồng chí Vũ Thanh Mai - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định, Việt Nam và Lào là 2 nước láng giềng thân thiết, có mối quan hệ hữu nghị đặc biệt gắn bó suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của 2 dân tộc, cùng kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Trong những năm qua, tình hình biên giới 2 nước được duy trì, đảm bảo ổn định.

Tuy vậy, thời gian qua, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp; các thế lực thù địch tiếp tục lợi dụng các vấn đề chủ quyền biên giới quốc gia, dân tộc, tôn giáo nhằm tuyên truyền xuyên tạc, bịa đặt để chống phá Việt Nam, chia rẽ quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam với các nước láng giềng.

bna_anh-2-29df1827eb25de8404460ee4776580be.jpeg
Hoạt động tuần tra song phương của lực lượng Biên phòng Việt Nam và Lào thường xuyên được tổ chức. Ảnh tư liệu: Hải Thượng

Vì thế, các cấp, các ngành các địa phương khu vực biên giới cần tiếp tục đổi mới và đa dạng hóa về nội dung, hình thức tuyên truyền, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, chú trọng tuyên truyền bằng ngôn ngữ của các dân tộc sinh sống ở khu vực biên giới và tuyên truyền đối ngoại về công tác biên giới trên đất liền. Đổi mới phương thức tham gia xây dựng biên giới vững mạnh toàn diện, có chiều sâu, nhất là trong nắm tình hình địa bàn; đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ đường biên, cột mốc.

Phát huy hơn nữa những kết quả tích cực đã đạt được trong triển khai nhiệm vụ, đảm bảo công tác phối hợp giữa các lực lượng trong công tác tuyên truyền, giáo dục được chặt chẽ, kịp thời, đa chiều, toàn diện...

Mới nhất

x
Tăng cường công tác tuyên truyền về quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam - Lào
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO