Tăng cường kiểm tra, nâng cao ý thức phòng cháy, chữa cháy dịp cuối năm

Đặng Cường 27/12/2022 14:09

(Baonghean.vn) - Cuối năm, thời điểm tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao vì lượng hàng hóa tăng đột biến, lượng điện tiêu thụ tại các cơ sở sản xuất kinh doanh tăng lên... Đây là thực tế đòi hỏi lực lượng chức năng cần có nhiều giải pháp, cùng với đó là ý thức của người dân nhằm chủ động phòng, chống.

Tiềm ẩn nguy cơ

Chợ Vinh - trung tâm thương mại lớn nhất của tỉnh được thiết kế gồm 3 tầng nổi, 1 tầng hầm, tổng diện tích sàn của 4 tầng là 33.000 m2. Dịp cuối năm, cùng với lượng người đến tham quan, mua sắm tăng cao, lượng hàng hóa vì thế cũng được các tiểu thương tập kết về nhiều, trong đó nhiều mặt hàng dễ cháy như vải vóc, áo quần,… Vì thế, công tác đảm bảo PCCC luôn được Ban quản lý chợ quan tâm.

Theo ông Nguyễn Hữu Đắc - Trưởng Ban quản lý chợ Vinh: Cùng với tổ chức cho các tiểu thương diễn tập PCCC, hiện đơn vị đã kiểm tra, bổ sung dụng cụ phục vụ cho công tác PCCC, cũng như sửa chữa, thay thế các thiết bị điện bị hư hỏng. Để kịp thời phát hiện, xử lý ngay khi xảy ra các sự cố cháy nổ, đơn vị còn phối hợp với Đội PCCC&CNCH số 1 tăng cường công tác kiểm tra, duy trì chế độ thường trực 24/24h.

Lực lượng PCCC dập tắt đám cháy tại Siêu thị điện máy ở TX Hoàng Mai. Ảnh: CSCC

Tuy nhiên, cũng theo ông Đắc, vì lượng hàng hóa dịp tết về nhiều để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân nên có lúc, có nơi vẫn chưa được sắp xếp gọn gàng, chưa kể người mua hàng còn sử dụng bật lửa hút thuốc... nên Ban quản lý chợ vẫn phải bố trí cán bộ kiểm tra, nhắc nhở.

Đó cũng là thực tế tại nhiều chợ truyền thống trên địa bàn như chợ Quán Bánh, chợ Quán Lau, chợ Ga... Quan sát cho thấy, việc sắp xếp hàng hóa tại các điểm bán hàng, điểm tập kết hàng hóa vẫn còn lộn xộn, cản trở, chèn, chặn cửa thoát nạn nếu có cháy xảy ra.

Ngoài ra, dịp này, tại nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, đồ đạc, hàng hóa cũng tập trung nhiều, để sát nguồn điện, nguồn nhiệt, chất chồng phía trước, nếu xảy ra cháy thì không những chặn đường thoát hiểm mà nguy cơ ngọn lửa lan nhanh hơn, đồng thời gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng tiếp cận kịp thời để chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ...

Cơ quan cảnh sát phòng cháy, chữa cháy kiểm tra cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke. Ảnh: Đ.C

Hay như tại các địa điểm kinh doanh karaoke, điều dễ nhận thấy là các cơ sở này được thiết kế dạng hình hộp, với đặc thù là nơi thường tập trung đông người. Hầu hết các phòng hát đều có thiết kế kín, hành lang đi lại nhỏ hẹp; cách âm bằng các vật liệu dễ cháy như mút, xốp, da… Cùng với đó, việc sử dụng nguồn điện, nguồn nhiệt lớn với hệ thống âm thanh, hệ thống đèn laser hoạt động liên tục; tình trạng khách hàng sử dụng bật lửa thắp nến tổ chức sinh nhật, hút thuốc lá... diễn ra phổ biến nên luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao.

Chưa kể, tại các cơ sở kinh doanh karaoke vừa và nhỏ, trong đó không ít cơ sở là nhà ở kết hợp kinh doanh càng bộc lộ rõ nhiều tồn tại, bất cập như không trang bị, lắp đặt hệ thống báo cháy, chữa cháy; cửa thoát nạn, lối thoát nạn, cầu thang thoát nạn không đủ kích thước, số lượng; trang bị phương tiện PCCC không đủ hoặc không đồng bộ; không duy trì chế độ hoạt động thường xuyên của phương tiện chiếu sáng sự cố, chỉ dẫn thoát nạn; bố trí sắp xếp vật tư, vật dụng cản trở công tác cứu nạn, chèn, chặn cửa thoát nạn…

Kiên quyết xử lý các tồn tại, vi phạm

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có 28.362 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC (gồm: 6.352 cơ sở do cơ quan Công an quản lý; 22.010 cơ sở do UBND cấp xã quản lý), trong đó có 881 cơ sở sản xuất, kho hàng hóa trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp và khu dân cư; 494 cơ sở thuộc loại hình kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường; 351 chợ; 151 trung tâm thương mại; hàng chục nghìn cơ sở kinh doanh cá thể...

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PCCC&CNCH, nhằm mục tiêu ngăn chặn, không để các vụ cháy, nổ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm chết người do nguyên nhân chủ quan xảy ra trên địa bàn tỉnh; thực hiện nghiêm túc Thông báo số 319/TB-VPCP ngày 05/10/2022 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác PCCC và sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2017 của Chính phủ quy định về công tác CNCH của lực lượng PCCC và Kế hoạch số 513/KH-BCA-C07 ngày 07/10/2022 của Bộ Công an về việc tổng rà soát, kiểm tra an toàn về PCCC&CNCH trên phạm vi toàn quốc, ngày 12/10/2022, Công an tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch tổng rà soát, kiểm tra an toàn về PCCC&CNCH trên địa bàn toàn tỉnh.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cùng với các biện pháp, giải pháp triển khai thực hiện đợt cao điểm kịp thời, quyết liệt, hiệu quả, Công an tỉnh đã hoàn thành việc tổng rà soát, kiểm tra an toàn PCCC&CNCH trên địa bàn vào ngày 5/12/2022, vượt tiến độ 10 ngày so với thời hạn Bộ Công an đề ra. Theo đó, đã tiến hành kiểm tra 28.625/28.362 lượt cơ sở (đạt tỷ lệ 101%). Trong đó, xử phạt 287 trường hợp (330 hành vi vi phạm, trong đó 33 hành vi trong công tác đầu tư xây dựng, 297 hành vi trong quá trình hoạt động) với tổng số tiền hơn 3.022.250.000 đồng; đình chỉ 5 trường hợp (trong đó có 3 cơ sở karaoke, bar); tạm đình chỉ 206 trường hợp (trong đó có 45 cơ sở karaoke, bar, vũ trường).

Kiểm tra điều kiện PCCC tại các cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar trên địa bàn TP. Vinh. Ảnh: Đ.C

Thời gian tới, dự báo tình hình sản xuất, kinh doanh, lưu trữ hàng hóa phục vụ dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và các lễ, hội đầu năm 2023 tăng cao; mức độ tiêu thụ điện năng lớn sẽ gây quá tải đối với các cơ sở kinh doanh, nhà dân; thời tiết khí hậu hanh khô sẽ kéo theo nguy cơ mất an toàn về PCCC. Do vậy, UBND tỉnh đã ban hành Công điện số 31/CĐ-UBND ngày 29/11/2022 về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão và các lễ hội Xuân năm 2023. Trong đó, nêu rõ vai trò, trách nhiệm của các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã, đặc biệt trách nhiệm người đứng đầu các cấp chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị trong tổ chức thực hiện công tác PCCC&CNCH.

Triển khai diễn tập phương án PCCC tại các cơ sở kinh doanh giải trí. Ảnh: PCCC

Trên cơ sở các chỉ đạo chung, Công an tỉnh tiếp tục chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương cùng với kiểm tra an toàn PCCC&CNCH đối với 100% cơ sở thuộc diện quản lý Nhà nước về PCCC, tập trung kiểm tra kỹ các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, cơ sở có quy mô lớn, tập trung đông người, có tính chất nguy hiểm, cháy, nổ cao. Kiên quyết xử lý triệt để các tồn tại, vi phạm về PCCC theo quy định, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng cơ sở không đảm bảo an toàn PCCC, bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động vẫn hoạt động trái phép, gây mất an toàn.

Đại tá Nguyễn Duy Thanh - Phó Giám đốc Công an Nghệ An
Đại tá Nguyễn Duy Thanh - Phó Giám đốc Công an tỉnh kiểm tra công tác PCCC tại các cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Chu Minh

Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ PCCC&CNCH trên địa bàn bằng các hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về PCCC&CNCH của các cơ quan, tổ chức và người dân trên địa bàn toàn tỉnh; hướng dẫn người dân trong việc sử dụng gas, điện, hóa chất, sắp xếp, lưu trữ hàng hóa, trang bị phương tiện PCCC, thoát nạn, thoát hiểm...

Tuy nhiên, ngoài sự cố gắng nỗ lực của lực lượng chức năng, mỗi người dân, nhất là chủ cơ sở kinh doanh, buôn bán… cần đề cao ý thức trách nhiệm trong việc chấp hành các quy định PCCC, góp phần đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho mình, cũng như mọi người.

Mới nhất
x
Tăng cường kiểm tra, nâng cao ý thức phòng cháy, chữa cháy dịp cuối năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO