Tăng giá dịch vụ y tế của 16 bệnh viện tuyến tỉnh
Bộ Y tế chính thức thông báo danh sách 16 tỉnh, thành tăng giá dịch vụ y tế, trong đó bao gồm chi phí lương bác sĩ, kể từ ngày 12/8/2016.
Theo đó, 16 tỉnh, thành điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế gồm: Lào Cai, Thái Nguyên, Điện Biên, Hà Giang, Bắc Kạn, Sơn La, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lai Châu, Đà Nẵng, Sóc Trăng, Hòa Bình, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Yên Bái và Lạng Sơn. Đây là các tỉnh có tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) cao, từ 86,3 - 98,5% dân số.
Đây là những địa phương có bệnh viện tuyến tỉnh thực hiện tính thêm chi phí tiền lương vào giá dịch vụ y tế. Vừa qua, 6 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế đã tự chủ hoàn toàn về tài chính, áp dụng mức giá bao gồm chi phí tiền lương.
16 bệnh viện tuyến tỉnh thực hiện tính chi phí tiền lương vào giá dịch vụ y tế |
Bộ Y tế cho biết, 16 tỉnh kể trên là các tỉnh đầu tiên tăng giá trong lần tăng thứ hai (áp dụng từ 12/8/2016). Mức giá tăng lần 1, bao gồm tính thêm chi phí trực tiếp, phụ cấp đặc thù, đã được thực hiện trên toàn quốc từ 1/3/2016.
Theo Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế), mức tăng giá dịch vụ y tế lần thứ hai này tính thêm chi phí tiền lương (cho bác sĩ, cán bộ, nhân viên... trong bệnh viện), ước sẽ tăng bình quân khoảng 18% so với mức giá hiện nay. Việc thực hiện điều chỉnh tăng giá viện phí lần này đối với 16 tỉnh, thành phố có tỷ lệ dân số tham gia BHYT trên 85% và chỉ thực hiện giá dịch vụ tăng đối với người có thẻ BHYT (do Quỹ BHYT thanh toán khi khám, chữa bệnh), do đó không ảnh hưởng đối với người chưa có thẻ BHYT.
Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính cho rằng, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế là thực hiện chủ trương lớn của Nhà nước, không phải là tăng chi phí để thực hiện các dịch vụ, mà chuyển các khoản chi trước đây Nhà nước bao cấp trực tiếp cho các bệnh viện sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT.
Ngoài ra, sau khi điều chỉnh tăng giá dịch vụ, quyền lợi của người có thẻ BHYT được tăng lên, vì không phải trả thêm hoặc mua một số vật tư chưa đưa vào giá; các bệnh viện có điều kiện để triển khai, phát triển các kỹ thuật y tế, người dân sẽ được thụ hưởng và được BHYT thanh toán ngay trên địa bàn; giảm chi tiền túi và bảo đảm công khai minh bạch, giảm phiền hà cho người bệnh.
“Việc tính tiền lương vào giá sẽ làm thay đổi nhận thức của cán bộ y tế, bệnh viện phải phục vụ tốt thì mới có nguồn thu để trả lương và thu nhập cho cán bộ, đây là giải pháp quan trọng để nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ làm hài lòng người bệnh, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ”, ông Liên nói thêm.
Theo TNO
TIN LIÊN QUAN |
---|