Ngày 27/02/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An ban hành Quyết định số 1821-QĐ/TU thành lập Ban Tổ chức Hội nghị đối thoại giữa Thường trực Tỉnh ủy với lãnh đạo quản lý cấp phòng và chuyên viên trong Khối Các cơ quan tỉnh năm 2023.
Với chủ đề: “Khát vọng – Trách nhiệm – Đổi mới – Phát triển”, đây là lần thứ hai kể từ năm 2019, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức đối thoại với lãnh đạo quản lý cấp phòng và chuyên viên các sở, ban, ngành cấp tỉnh. Hội nghị được tổ chức nhằm hướng đến mục tiêu thống nhất về nhận thức, quan điểm, khát vọng vươn lên của đội ngũ cán bộ đảng viên và chuyển tải ý chí, quyết tâm chính trị của Thường trực Tỉnh ủy nhằm thực hiện, hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra, đưa Nghệ An trở thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2030.
Bên cạnh đó, mục đích đối thoại là để cùng trao đổi, chia sẻ nhằm tìm ra quan điểm để thống nhất nhận thức và hành động trong thực hiện cải cách hành chính; đồng thời đề cao ý thức, trách nhiệm, đạo đức công vụ, khát vọng vươn lên của cán bộ, đảng viên, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp, nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Hội nghị cũng là cơ hội để Thường trực Tỉnh ủy lắng nghe ý kiến từ các cán bộ, công chức trực tiếp làm nhiệm vụ tham mưu, hiến kế cho tỉnh trong công tác quản lý, điều hành và những tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Qua đó, để lãnh đạo tỉnh kịp thời tháo gỡ những điểm “nghẽn”, “nút thắt” gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp,… Thông qua hội nghị, Thường trực Tỉnh ủy cũng khuyến khích, tôn vinh những người có tư duy sáng tạo và tầm nhìn đột phá, đổi mới “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” để xây dựng Nghệ An phát triển.
Thực tiễn cho thấy, đội ngũ lãnh đạo quản lý cấp phòng là những người giữ vai trò, vị trí rất quan trọng trong bộ máy quản lý nhà nước. Trong nền hành chính nước ta, đội ngũ lãnh đạo quản lý cấp phòng và tương đương là người trực tiếp chuyển tải, tổ chức thực hiện các quyết định của cấp trên. Trong bộ máy nhà nước, lãnh đạo quản lý cấp phòng được xem là đầu nguồn quy tụ, xử lý các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước thuộc ngành, lĩnh vực mình phụ trách. Lãnh đạo cấp phòng và tương đương còn giữ vai trò tham mưu giúp thủ trưởng, lãnh đạo các sở, ban, ngành triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, dự án, đề án theo đúng quy định của pháp luật.
Đảng bộ Khối Các cơ quan tỉnh Nghệ An hiện quản lý hơn 7.225 cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thuộc các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc; trong đó có 442 đồng chí là trưởng, phó phòng của 21 sở, ngành/tổng số 1.076 đồng chí là trưởng, phó phòng các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn có tổ chức cơ sở đảng trực thuộc Đảng bộ Khối Các cơ quan tỉnh. Hội nghị lần này sẽ được tổ chức bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến; 875 đại biểu, trong đó có 764 đồng chí là lãnh đạo quản lý cấp phòng sẽ tham dự trực tiếp; hơn 5.000 đồng chí chuyên viên sẽ tham gia trực tuyến qua 33 điểm cầu trên toàn tỉnh.
Để chuẩn bị cho hội nghị đối thoại lần này, Thường trực Tỉnh ủy đã giao cho Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh – cơ quan thường trực tổ chức hội nghị tiến hành khảo sát, lấy ý kiến 2.065 người là cán bộ, công chức, viên chức, các trưởng, phó phòng, chuyên viên và người dân. Có thể khẳng định, đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu sắc có tầm ảnh hưởng rộng và cũng là dịp để lãnh đạo tỉnh nhìn nhận, đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội sau nửa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025, trong đó có sự đóng góp của đội ngũ lãnh đạo quản lý cấp phòng và chuyên viên cấp tỉnh.
Thời gian qua, mặc dù Nghệ An trải qua nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, nhất là đại dịch Covid-19, nhưng bằng quyết tâm chính trị mạnh mẽ, sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sát sao của Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân, kinh tế – xã hội tỉnh ta đạt những kết quả đáng ghi nhận. Đặc biệt, công tác thu hút đầu tư có bước tiến mạnh mẽ. Riêng năm 2022, tổng số vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đạt hơn 45.764,5 tỷ đồng, tăng 3,74% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó đã cấp mới cho 95 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký hơn 28.538 tỷ đồng. Năm 2022, lần đầu tiên Nghệ An lọt vào nhóm 10 địa phương thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước với tổng vốn cấp mới và điều chỉnh tính đến ngày 31/12/2022 là 961,3 triệu USD. Trong 4 tháng năm 2023 cấp mới cho 8 dự án, với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 4.451,3 tỷ đồng; điều chỉnh 7 lượt dự án.
Công tác thu ngân sách tăng trưởng hàng năm. Nếu như năm 2019 Nghệ An thu ngân sách đạt 16.400 tỷ đồng, năm 2020 là 17.836 tỷ đồng, năm 2021 là 19.993 tỷ đồng, thì năm 2022 là 21.805 tỷ đồng, vượt 45,2% so với dự toán và tăng 9,1% so với năm 2021 (đây là năm đầu tiên thu ngân sách nhà nước vượt mốc 20 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 17/63 địa phương trong cả nước, trong đó, thu nội địa đạt 20.474 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 1.331 tỷ đồng), 4 tháng đầu năm 2023 thu 5,846 tỷ đồng (đạt 36,9% dự toán).
Về công tác cải cách hành chính, chỉ số năng lực canh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022, đạt 66,60 điểm, xếp thứ 23/63 tỉnh, thành trong cả nước; thứ 3 trong khu vực Bắc Trung Bộ, tăng 7 bậc so với năm 2021 (30/63). Về chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), xếp thứ 17/63 tỉnh, thành trong cả nước,…
Thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay, tổng số xã ở Nghệ An đạt chuẩn nông thôn mới là 309 xã/411 xã, đạt 75,18%; 42 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, chiếm 14,23% xã nông thôn mới; 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Có 9 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới gồm các huyện, thị: thành phố Vinh, Thái Hòa, Nam Đàn, Yên Thành, Nghi Lộc, Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Đô Lương, Diễn Châu.
Các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, quốc phòng – an ninh phát triển ổn định; công tác tổ chức xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể không ngừng được quan tâm và tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển toàn diện. Kết quả này có sự đóng góp quan trọng của đội ngũ lãnh đạo quản lý cấp phòng và chuyên viên – những người giữ vai trò chủ chốt thực hiện và tham mưu cho tỉnh triển khai các giải pháp phát triển kinh tế – xã hội.
Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay cũng đang đặt ra nhiều khó khăn, thách thức trong việc thực hiện mục tiêu phát triển của tỉnh. Trong khi đó, đội ngũ lãnh đạo quản lý cấp phòng và chuyên viên là khâu chủ chốt trong giải quyết chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, hiện thực hóa sự chỉ đạo, lãnh đạo của cấp trên vào thực tiễn. Với trình độ cao, đồng đều (99,84% số người được khảo sát có trình độ đại học trở lên), đây cũng là bộ phận có nhiều sáng tạo, đổi mới, dám nghĩ, dám làm, năng động trong ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin vào các lĩnh vực công tác.
Tuy vậy, lâu nay đang tồn tại một thực trạng là các văn bản, quy phạm pháp luật có sự chồng chéo, thiếu sự thống nhất đối với nhiều vấn đề, lĩnh vực cụ thể nên ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động chuyên môn tại các phòng, ban cấp tỉnh. Điều này cũng gây phát sinh tâm lý e ngại, sợ làm sai của nhiều đồng chí lãnh đạo quản lý cấp phòng; nhiều đồng chí nghĩ rằng, thà bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ còn hơn hoàn thành nhiệm vụ mà phương pháp, cách làm chưa đúng.
Về nội dung này, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của về Chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Kết luận số 14-KL/TW nêu: “Trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn, khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, tập trung vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung”… “Khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì cấp có thẩm quyền phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá công tâm để xem xét, xử lý phù hợp, nếu thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm”.
Hiện nay, Bộ Nội vụ cũng đang xây dựng cơ chế nhằm thể chế hóa Nghị định quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Thấu hiểu những khó khăn, áp lực mà cán bộ quản lý cấp phòng đang gặp phải, trong khi chờ đợi Bộ Nội vụ và các bộ, ngành liên quan xây dựng và tiến tới luật hóa quy định về bảo vệ cán bộ, Thường trực Tỉnh ủy cũng sẽ nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách để bảo đảm cho đội ngũ cán bộ chủ chốt này yên tâm đóng góp, cống hiến. Đối với những người dám nghĩ, dám làm, dám sáng tạo, đổi mới vì mục tiêu chung, không vụ lợi Thường trực Tỉnh ủy sẽ có cơ chế khuyến khích, tạo mọi điều kiện trong công tác và hoạt động chuyên môn.
Đối với những vấn đề, lĩnh vực chuyên môn khi triển khai còn nhiều băn khoăn, vướng mắc bởi sự chồng chéo của luật, Thường trực Tỉnh ủy khuyến khích tháo gỡ bằng việc tổ chức các hoạt động thảo luận theo nhóm, sinh hoạt nghiệp vụ chuyên đề từng phòng, từng lĩnh vực. Tương tự như bệnh viện tiến hành hội chẩn trước khi quyết định đưa ra phác đồ điều trị cho bệnh nhân; các phòng, ban nên tổ chức các hoạt động nhóm họp, thảo luận cấp phòng để tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc. Nếu vấn đề chưa được giải quyết, thì sẽ tổ chức thảo luận liên phòng, cao hơn nữa là hội nghị cấp sở, hay liên sở… Khi tập trung được trí tuệ, sức mạnh tập thể thì khó khăn sớm được tháo gỡ, công việc sẽ không bị trì trệ, và quan trọng hơn tư tưởng, tâm lý của người làm việc cũng được giải tỏa. Còn đối với những cán bộ, công chức, viên chức không chịu đổi mới tư duy để phù hợp với xu thế phát triển, không dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm thì đứng sang một bên để nhường vị trí cho người có năng lực, trách nhiệm và tâm huyết. Đây cũng là nội dung được Bộ Chính trị, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong công tác sắp xếp, bố trí cán bộ thời gian qua.
Thời điểm này, Nghệ An cũng đang bằng nhiều giải pháp tập trung đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020. Bên cạnh đó, cả hệ thống chính trị và người dân đang thực hiện các bước nhằm cụ thể hoá Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 mà Hội đồng nhân dân tỉnh khoá XVIII thông qua tại kỳ họp lần thứ 13 vừa qua. Mục tiêu của tỉnh là đến năm 2030 xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh khá của cả nước, kinh tế phát triển nhanh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa xứ Nghệ; là trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về thương mại, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Trên lĩnh vực kinh tế, Nghệ An đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân thời kỳ 2021 – 2030 đạt khoảng 10,5 – 11%/năm. Cơ cấu GRDP: Ngành công nghiệp – xây dựng chiếm 42 – 42,5%; ngành dịch vụ chiếm 39 – 39,5%; ngành nông, lâm, thủy sản chiếm 13,5 – 14%; và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 4,5 – 5%.
GRDP bình quân đầu người năm 2030 đạt khoảng 7.500 – 8.000 USD. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt trên 24% GRDP tỉnh. Năng suất lao động tăng bình quân 10 – 11%/năm. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng bình quân khoảng 12%/năm. Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thời kỳ 2021 – 2030 đạt khoảng 1.650 nghìn tỷ đồng.
Để thực hiện mục tiêu quan trọng trên, tại Hội nghị đối thoại lần này Thường trực Tỉnh ủy chú trọng vào hai nội dung trọng tâm là phát triển kinh tế, cải cách hành chính và công tác xây dựng hệ thống chính trị. Bằng sức trẻ, tinh thần nhiệt huyết, tự đổi mới mình vì mục tiêu phát triển quê hương của các đồng chí lãnh đạo quản lý cấp phòng, Thường trực Tỉnh ủy tin rằng hội nghị sẽ tạo thêm “trợ lực” để Nghệ An tạo được bước đột phá, tạo nên “kỳ tích sông Lam” như khát vọng của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh nhà.