Nghệ An có bề dày văn hóa, lịch sử và truyền thống cách mạng; truyền thống hiếu học, thông minh, cần cù, chịu khó; thêm vị trí tự nhiên có rừng, có biển, giao thông kết nối thuận lợi, nguồn nhân lực dồi dào… Để chuyển hóa các lợi thế đó thành nguồn lực phát triển, tỉnh đã ban hành các chương trình, đề án trọng điểm, tập trung bố trí nguồn lực, có cơ chế, chính sách thực hiện quyết liệt, nhằm tạo bước đột phá, không gian phát triển mới.
Những ngày mùa Thu tháng Tám lịch sử này, cùng xuôi ngược trên các cung đường ở miền quê Nghệ An, đâu đâu cũng tươi thắm sắc cờ chào mừng ngày Quốc khánh 2/9. Rộn ràng trong tầm mắt những cánh đồng mẫu lớn, các mô hình trang trại, gia trại ở các huyện nông thôn mới Nam Đàn, Yên Thành, Nghi Lộc…; các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở TX Thái Hòa, Nghĩa Đàn…; những Khu công nghiệp Nam Cấm, VSIP, WHA, Hoàng Mai… san sát công trình, nhà máy.
Đi về phía biển, gần cây cầu Cửa Hội vươn nhịp khỏe khoắn trên sông Lam nối đôi bờ Nghệ An – Hà Tĩnh, là hệ thống cáp treo dài 3,5km nối đất liền với đảo Ngư thuộc Dự án khu vui chơi giải trí Cửa Hội (TX. Cửa Lò) đang dần hoàn thiện, hứa hẹn tạo điểm nhấn du lịch mới thu hút du khách đến với Nghệ An. Các mô hình kinh tế, dự án, khu công nghiệp đã và đang làm thay đổi sắc diện các vùng miền, tạo thêm nhiều việc làm và nâng cao đời sống cho người dân ở các địa phương; góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế – xã hội đúng hướng, tăng thu ngân sách và là làm tiền đề thu hút nhiều dự án khác vào đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, hun đúc tinh thần vượt khó khăn vươn tới, trong thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Nghệ An đã nỗ lực phấn đấu đạt những thành tựu quan trọng, đóng góp thiết thực vào kết quả chung của cả nước. Năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 6,2%; thu ngân sách nhà nước đạt gần 19.000 tỷ đồng, tăng 35% kế hoạch; xuất khẩu đạt 2,43 tỷ USD, tăng 60,77% so với năm 2020 (mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra đến năm 2025 là 1,765 tỷ USD). 6 tháng đầu năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 8,44% (đứng thứ 2 khu vực Bắc Trung Bộ, đứng thứ 18/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), trong đó khu vực dịch vụ tăng 9,22%, đón gần 5 triệu lượt khách du lịch; thu ngân sách đạt xấp xỉ 11.000 tỷ đồng. Theo thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, số lượng ô tô cá nhân do người dân Nghệ An mua và đăng kiểm trong 6 tháng đầu năm 2022 là 7.497 chiếc, xếp thứ 5 toàn quốc.
Trong công tác thu hút đầu tư nói chung và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nói riêng, Nghệ An cũng đã có những nỗ lực bứt phá để thoát khỏi “vùng trũng” thu hút FDI. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Nghệ An xếp thứ 9 trong số 10 địa phương thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cao nhất cả nước trong 6 tháng đầu năm 2022. Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã thu hút được 580 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đây là mức cao nhất từ trước đến nay…
Nghệ An còn được Trung ương đánh giá là một trong những tỉnh tiêu biểu của cả nước có phương pháp, cách làm chủ động, sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới.
Đối với các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, thể thao, thông tin truyền thông cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người lao động và người sử dụng lao động chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội được triển khai có hiệu quả. Lĩnh vực quốc phòng, an ninh được đảm bảo; chủ quyền, lãnh thổ biên giới quốc gia tiếp tục được giữ vững; công tác đối ngoại có nhiều khởi sắc. Công tác xây dựng Đảng và củng cố hệ thống chính trị được chú trọng, nhất là tập trung đổi mới lề lối làm việc, chỉ đạo giải quyết các vấn đề phát sinh nhạy cảm. Đặc biệt, tinh thần đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ, đồng thuận, tin tưởng của cán bộ, đảng viên, nhân dân được phát huy rõ nét.
Chứng kiến những sự đổi thay đó, trong chuyến thăm và làm việc tại Nghệ An vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhận xét: “Qua nhiều chuyến làm việc, thị sát tại nhiều địa phương, Thủ tướng Chính phủ nhận thấy, sự thay đổi của Nghệ An rất lớn, đặc biệt là diện mạo nông thôn, đời sống nhân dân được nâng lên cả tinh thần và vật chất”.
Theo đánh giá của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Nghệ An có nhiều điều kiện thuận lợi mà không phải địa phương nào cũng có được, đó là những nguồn lực to lớn cho tỉnh phát triển. Việc quan trọng là tỉnh phải làm sao để biến những lợi thế đó trở thành nguồn lực để phát triển. Thủ tướng cho rằng, “Trong điều kiện nguồn lực có hạn, thời gian thì ít, vì vậy nên chọn việc làm có tính đột phá, có tính lâu dài, căn cơ, từng bước. Qua đó, tạo ra được động lực mới, xung lực mới, không gian phát triển mới, trên cơ sở kế thừa những kết quả đạt được trong thời gian qua, tiềm năng, lợi thế của tỉnh”.
Để phát huy, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh, tạo bứt phá trong phát triển kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tỉnh Nghệ An cần xác định rõ mục tiêu, quan điểm và chủ động tập trung thực hiện tốt một số nội dung, nhiệm vụ trọng tâm như: Quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Nghị quyết số 36/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Nhận thức đầy đủ, sâu sắc, vị trí, vai trò, lợi thế hiếm có của Nghệ An trong khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước; Thực hiện 3 đột phá chiến lược, trong đột phá về hạ tầng giao thông có các dự án mở rộng Cảng hàng không quốc tế Vinh, Cảng nước sâu Cửa Lò, tuyến đường bộ cao tốc nối thị xã Cửa Lò – thành phố Vinh đi huyện Nam Đàn – quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, sớm kết nối các công trình giao thông này với hệ thống hạ tầng khác để Nghệ An phát triển; Tập trung xây dựng quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn năm 2050 căn cơ, bài bản, có giải pháp đột phá chiến lược, khơi thông các điểm nghẽn phát triển với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, phát huy tiềm năng, lợi thế và hóa giải những khó khăn, bất cập; Phát triển kinh tế – xã hội gắn kết chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng – an ninh, ổn định chính trị trật tự an toàn xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, cuộc sống ấm no, hạnh phúc, bình yên của nhân dân…
Để tạo điều kiện cho Nghệ An phát triển, Thủ tướng cũng đã đồng ý chủ trương giao UBND tỉnh Nghệ An làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền, huy động vốn từ nhiều nguồn để triển khai Dự án cải tạo, nâng cấp sân bay Vinh, Dự án Cảng nước sâu Cửa Lò, Dự án cao tốc kết nối Cửa Lò với huyện Nam Đàn. Và mới đây, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã phê duyệt Dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 7 đoạn Km0 – Km36 và xử lý sụt trượt do bão lũ đoạn Khe Thơi – Nậm Cắn, với tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong năm 2024, sẽ giúp cho sự kết nối, giao thương giữa các vùng miền Nghệ An và nước bạn Lào thêm thuận lợi. Theo đánh giá của Thủ tướng Chính phủ “Đây là các dự án trọng điểm, cùng với cao tốc Bắc – Nam và tuyến đường ven biển đang triển khai sẽ tạo động lực và không gian phát triển mới cho Nghệ An”.
Phát biểu tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ (ngày 24/7/2022), đồng chí Thái Thanh Quý – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết: Quan điểm của tỉnh trong tập trung lãnh đạo, chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, để tạo ra bước đột phá. Thể hiện tại 2 điểm, đó là ngay từ khâu xây dựng Chương trình hành động và Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX tỉnh đã xác định quan điểm này. Vì thế, tỉnh chỉ xây dựng 21 chương trình, đề án trọng điểm, đi liền với đó là tập trung bố trí đủ nguồn lực, có cơ chế, chính sách thực hiện. Thứ hai là bố trí nguồn lực trong đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm. Bên cạnh đó, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương trọng điểm, cực tăng trưởng…
Với mục tiêu tạo nền tảng phát triển chính quyền số, kinh tế số, hướng đến xã hội số; gắn quá trình chuyển đổi số với cải cách hành chính nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng cung cấp dịch vụ công của chính quyền các cấp; phấn đấu luôn giữ vị trí thuộc nhóm 25 – 30 tỉnh, thành phố có chỉ số cao về chuyển đổi số, ngày 5/8/2022, Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trước đó, UBND tỉnh cũng đã chọn năm 2022 là năm “Tập trung chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước”, ban hành kế hoạch cải cách hành chính, hàng quý rà soát, chỉ đạo khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác cải cách hành chính để tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp…
Tin tưởng rằng, với sự quan tâm của Trung ương, và bằng những giải pháp chỉ đạo, lãnh đạo đúng trọng tâm, trọng điểm, cùng sự nỗ lực, quyết tâm, nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Nghệ An sẽ hoàn thành và vượt các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra, đưa Nghệ An ngày càng phát triển nhanh và bền vững.