Tạo thành công muỗi đột biến chống bệnh sốt rét
Các nhà khoa học Mỹ tuyên bố đã nhân giống thành công một loại muỗi biến đổi gen, có khả năng chống lại việc truyền nhiễm bệnh sốt rét.
Sốt rét là một chứng bệnh do ký sinh trùng Plasmodium gây ra, lây truyền từ người này sang người khác khi họ bị muỗi đốt. Bệnh phổ biến ở các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới của châu Mỹ, châu Á và châu Phi.
Khoảng 3,2 tỉ người, tức là gần một nửa dân số thế giới, đang đối mặt với nguy cơ bị nhiễm bệnh sốt rét.
Mắc màn khi ngủ và dùng các loại sản phẩm bôi/xịt chống muỗi hay thuốc diệt côn trùng có thể ngăn muỗi đốt người, phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh sốt rét, trong khi người bị nhiễm bệnh có thể được chữa khỏi bằng thuốc điều trị. Dẫu vậy, căn bệnh sốt rét vẫn đang cướp đi sinh mạng của gần 580.000 người trên toàn thế giới mỗi năm.
Giới khoa học vẫn không ngừng nghiên cứu các cách thức mới để chống lại bệnh sốt rét. Trong một bước đột phá mới, các nhà nghiên cứu đến từ trường Đại học California (Mỹ) tuyên bố đã nhân giống thành công một loại muỗi biến đổi gen, có khả năng chống lại việc truyền nhiễm căn bệnh này.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng loài muỗi Anopheles stephensi ở Ấn Độ để làm thí nghiệm. Họ sau đó đưa một gen "kháng cự" ký sinh trùng sốt rét mới vào ADN của các con muỗi, thông qua việc dùng một phương pháp điều chỉnh gen có tên gọi Crispr.
Khi các con muỗi biến đổi gen này giao phối, chúng đẻ con gần như 100% sở hữu gen đề kháng sốt rét này. Điều đặc biệt là, khả năng kháng ký sinh trùng sốt rét được di truyền tới tận 3 đời con cháu của muỗi đột biến ban đầu.
Về mặt lí thuyết, nếu muỗi biến đổi gen đốt người, chúng cũng không có khả năng truyền ký sinh trùng Plasmodium cho chúng ta. Nếu các kỹ thuật trong phòng thí nghiệm chứng minh hiệu quả trong áp dụng lâm sàng, nó có thể mang tới một cách mới để ngăn ngừa muỗi lây lan bệnh sốt rét cho con người.
Theo Vietnamnet