Công nghiệp

Tập trung thu ngân sách ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm 2025

Trân Châu 09/01/2025 12:19

Năm 2024, ngành Tài chính Nghệ An mà một trong những nòng cốt là Cục Thuế tỉnh đã triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị thu ngân sách trong bối cảnh khó khăn nhưng đã hoàn thành vượt mức kế hoạch được giao. Ngay từ tháng 1/2025 thu ngân sách đã quyết liệt nhằm đạt kế hoạch giao.

Giao chỉ tiêu thu từ ngày đầu tháng đầu năm

Tổng thu ngân sách, thu nội địa và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu của Nghệ An năm 2024. Đồ họa: Hữu Quân
Tổng thu ngân sách, thu nội địa và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu của Nghệ An năm 2024. Đồ họa: Hữu Quân

Lãnh đạo phòng Tuyên truyền hỗ trợ Cục Thuế Nghệ An cho biết: Quy mô thu ngân sách của Nghệ An xếp thứ 14 trên 63 tỉnh, thành phố. Đây là kết quả rất ấn tượng, 3 năm liên tục số thu ngân sách toàn tỉnh Nghệ An đạt trên 20.000 tỷ đồng và có xu hướng tăng lên theo mỗi năm, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Để hoàn thành kế hoạch thu ngân sách ngay từ tháng đầu, quý đầu, ngành Thuế Nghệ An tuyên truyền, triển khai khẩn trương, linh hoạt, kịp thời các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện có hiệu quả Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030.

Ngay từ đầu năm, Cục Thuế Nghệ An đã chủ động triển khai nhiều giải pháp quản lý thuế phù hợp vừa đảm bảo hỗ trợ cho doanh nghiệp trong vượt qua khó khăn.

Ở các chi cục thuế, chỉ tiêu khối lượng công việc được giao cho các đội từ đầu năm. Các đội tổng hợp, dự toán, kê khai, quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, lệ phí trước bạ và thu khác, kiểm tra thuế đều có kế hoạch để thực hiện tốt nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, ngành thuế tăng cường kỷ luật, kỷ cương nội ngành, chấn chỉnh, nâng cao tinh thần trách nhiệm đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. UBND tỉnh giao trách nhiệm ngành Thuế theo dõi, đánh giá chặt chẽ tiến độ thu so với dự toán được giao và số thu cùng kỳ để có giải pháp tăng thu phù hợp với từng địa bàn; các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, các kế hoạch, chỉ tiêu thu ngân sách.

Các giải pháp đó là: Mở rộng, quản lý chặt chẽ các nguồn thu, đẩy mạnh quản lý thu thuế thương mại điện tử, thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử nhất là trong lĩnh vực kinh doanh bán lẻ xăng, dầu và dịch vụ ăn uống, nhà hàng,...

Bên cạnh đó, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp; tăng cường phân cấp, phân quyền; cắt giảm thủ tục hành chính; giảm chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp.

Xếp dỡ hàng đầu năm ở Cảng Cửa Lò. Ảnh: Quang An
Xếp dỡ hàng đầu năm ở Cảng Cửa Lò. Ảnh: Quang An

Đối với công tác chi ngân sách, ngành Tài chính và các địa phương, sở, ban, ngành tăng cường kỷ cương quản lý tài chính ngân sách, quản lý chặt chẽ các nguồn thu; tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm các khoản chi, các nhiệm vụ chi không thực sự cần thiết. Chủ động rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền về việc tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên tăng thêm dự toán năm 2025 so với dự toán năm 2024 theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 233/NQ-CP. Bên cạnh đó, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tài chính để tham mưu cấp có thẩm quyền phương án sử dụng kinh phí từ nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên ngân sách Nhà nước năm 2024 để xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh.

Để tạo nguồn việc làm, nguồn thu, các địa phương, đơn vị quyết liệt, tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án; đề cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.

Bên cạnh đó, tăng cường thẩm tra, rà soát, chỉ đạo quyết toán dứt điểm các dự án đã hoàn thành theo quy định. Chủ đầu tư phối hợp với Kho bạc Nhà nước và các cơ quan chức năng bảo đảm nguồn thanh toán cho các dự án; kịp thời thực hiện thanh toán khối lượng hoàn thành cho các dự án ngay khi đã đầy đủ hồ sơ theo quy định, đẩy mạnh thanh toán qua dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc Nhà nước.

Đảm bảo thông suốt các hoạt động

Căn cứ hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Công văn số 13749/BTC-NSNN ngày 14/12/2024, mô hình sắp xếp tổ chức bộ máy chính thức đã được cấp có thẩm quyền quyết định, các ngành, đơn vị và địa phương thuộc diện sắp xếp có trách nhiệm lập phương án bàn giao, tiếp nhận tài sản, tài chính, ngân sách Nhà nước.

Theo đó, ngành Tài chính lưu ý các đơn vị địa phương khi triển khai ngân sách năm 2025 phải được bàn bạc tập thể, thống nhất phương thức thực hiện để sau khi sắp xếp mọi hoạt động của bộ máy Nhà nước được thực hiện thông suốt, ổn định và hiệu quả. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thất thoát tài sản, tài chính, ngân sách Nhà nước khi thực hiện sắp xếp.

Dự toán chi ngân sách Nhà nước năm 2025 của các ngành, đơn vị và địa phương sau khi sắp xếp trong phạm vi dự toán chi ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2025 đã được HĐND tỉnh quyết định, UBND tỉnh giao cho các sở, ngành, đơn vị và địa phương trước sắp xếp (không làm thay đổi tổng mức, từng lĩnh vực chi NSNN đã được cấp có thẩm quyền quyết định). Bên cạnh đó, các sở, ngành, đơn vị và địa phương thuộc diện sắp xếp chịu trách nhiệm toàn diện đối với các vấn đề về tài chính, tài sản, ngân sách Nhà nước năm 2023, 2024 và việc đề xuất dự toán năm 2025 đã được giao.

Theo Thông tư số 88/2024/TT-BTC quy định về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2025: Các bộ, cơ quan Trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai giao nhiệm vụ thu NSNN năm 2025 cho các đơn vị trực thuộc, chính quyền cấp dưới đảm bảo tối thiểu bằng mức dự toán thu NSNN Thủ tướng Chính phủ giao.

n ước măm
Nước mắm Vạn Phần (Nghệ An) xuất khẩu đi Nhật Bản trong tháng 1/2025. Ảnh: Trân Châu

Việc giao dự toán thu NSNN năm 2025 cho các cơ quan, đơn vị và chính quyền cấp dưới phải trên cơ sở rà soát, phân tích, đánh giá đầy đủ các nguồn thu phát sinh và kết quả thực hiện thu ngân sách năm 2024; căn cứ các chính sách, pháp luật về thu ngân sách; dự báo mức tăng trưởng kinh tế của từng ngành, từng lĩnh vực, tình hình sản xuất, kinh doanh của người nộp thuế trên địa bàn.

Bộ Tài chính lưu ý, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Căn cứ dự toán chi đầu tư phát triển Thủ tướng Chính phủ giao, các địa phương dành nguồn tương ứng số bội thu ngân sách cấp tỉnh (nếu có) để trả nợ gốc các khoản vay của ngân sách địa phương đến hạn phải trả trong năm 2025 (trong đó, ưu tiên trả hết nợ gốc các khoản vay của ngân sách địa phương đã quá hạn); phần còn lại mới phân bổ vốn cho các công trình, dự án, trong đó bố trí, cân đối đủ vốn cho các dự án, chương trình được ngân sách Trung ương hỗ trợ một phần để thực hiện các mục tiêu theo quy định.

Kết quả năm 2024, Cục Thuế đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Ông Nguyễn Đình Đức - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Nghệ An cho biết, năm 2024 là một năm xét về tính chất các khoản thu đều hoàn thành, xét theo từng địa bàn của các huyện cũng đều hoàn thành. Thu nội địa thực hiện 23.311 tỷ đồng (đạt 160,4% dự toán và bằng 116,2% cùng kỳ năm 2023). Trong đó, thu tiền sử dụng đất thực hiện 9.964 tỷ đồng, đạt 218,5% dự toán và bằng 118,4% so với cùng kỳ năm 2023. Loại trừ thu tiền sử dụng đất, thu tiền xổ số kiến thiết thì thu nội địa 13.301 tỷ đồng (đạt 133,8% dự toán và bằng 114,5% cùng kỳ năm 2023). Tổng thu ngân sách cả tỉnh vượt 25.000 tỷ đồng.

Mới nhất

x
Tập trung thu ngân sách ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm 2025
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO